Tránh thành vô tình

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mạn phép ngành thuế và Bộ Tài chính cho tôi được gọi Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) quá cũ kỹ.

Tôi nói vậy, không hề có ý chế giễu gì mà chỉ với mong muốn chúng ta hãy cùng nhau phân tích, “mổ xẻ” và sớm hướng đến điều mong mỏi của hàng chục triệu người lao động đi làm phải nộp thuế TNCN đang khắc khoải mong sửa Luật thuế TNCN.

Năm 2007 Luật Thuế TNCN ra đời. Theo định nghĩa luật, Thuế TNCN là thuế đánh vào thu nhập của cá nhân và pháp nhân. Luật Thuế TNCN sau 5 năm áp dụng có nhiều điểm bất cập, đã được chỉnh sửa năm 2012 với điểm nhấn quan trọng: quy định từ 1/7/2013 sẽ áp dụng mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó người lao động có thu nhập mức lương trên 11 triệu đồng/tháng và không có người phụ thuộc mới phải nộp thuế. Còn mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc luôn là 4,4 triệu đồng/tháng. Năm 2013, sự điều chỉnh này đã mang lại niềm vui phấn khích lớn cho hàng chục triệu người làm công trong xã hội bởi mức giảm trừ đó khi ấy tương đối phù hợp. Năm tháng qua đi, sự trượt giá của đồng tiền, chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, người ta buộc phải “giật mình” thảng thốt nhận ra: Mức giảm trừ 9 triệu đồng cho mỗi cá nhân nộp thuế đã quá cũ kỹ không còn phù hợp; đặc biệt hơn, mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc quả là “thấp” không tưởng (?!).

Hôm qua, nói chuyện với tôi, một chủ doanh nghiệp kể: bây giờ, mỗi lần tuyển dụng, rất nhiều lao động ra điều kiện tiên quyết đàm phán mức lương và họ chỉ quan tâm đến khoản thu về ròng chứ không muốn mức lương chưa trừ các chi phí. Theo vị này, đây quả là bài toán đau đầu, bởi nếu chủ doanh nghiệp mà gật đầu, thì e mức phải trả cho người lao động đặc biệt là lao động có chuyên môn cao, doanh nghiệp không mấy chốc mà phá sản, vì gánh nặng thuế, phí, “Chị cứ nhìn vào bảng tính thuế suất thuế TNCN là đủ thấy choáng rồi, chỉ vài chục triệu đồng tiền lương một tháng, mức đóng thuế đã lên tới 20%. Quả là quá cao!”, vị này nói.

Một nhân sự khác đã đi làm 20 năm qua nhiều doanh nghiệp nhưng chưa lập gia đình và gia đình có hoàn cảnh rất đặc biệt cũng tâm sự: Dù nhà rất hoàn cảnh, bố ốm đau triền miên, em gái bị bệnh, mình tôi phải cáng đáng cả đại gia đình thậm chí nuôi mấy đứa cháu do bố mẹ nó không có khả năng lo được, nhưng bất cập là không được kê khai giảm trừ gì. Việc phải đóng một mức thuế suất rất cao khiến tôi cứ loay hoay cân đối tài chính để xoay xở cho cả nhà”, bạn này nói. Một bà mẹ có con nhỏ còn bức xúc khi tính toán, với mức 4,4 triệu đồng giảm trừ gia cảnh chưa đủ chị chi trả khi con nhỏ mỗi lần ốm sốt đi viện cấp cứu! Theo các chuyên gia, mức giảm trừ gia cảnh chỉ 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc đã trở nên quá lạc hậu...

Nộp thuế là quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân. Nhưng nộp thế nào để người lao động không cảm thấy xót xa mất đi những đồng tiền đang đi làm bằng mồ hôi, nước mắt; Giảm trừ gia cảnh thế nào cũng để họ thấy thấu tình đạt lý. Âu đó cũng là vấn đề cần sớm làm sáng tỏ. Thậm chí, phải thay đổi càng nhanh, càng tốt!

MỚI - NÓNG