Trần Lập - ngọn lửa không tắt

Hai tháng trước khi ra đi, Trần Lập vẫn đứng trên sân khấu cống hiến hết mình vì khán giả. Ảnh: Hoàng Huy.
Hai tháng trước khi ra đi, Trần Lập vẫn đứng trên sân khấu cống hiến hết mình vì khán giả. Ảnh: Hoàng Huy.
TP - Sự ra đi của Trần Lập để lại nhiều thương tiếc không chỉ vì anh còn quá trẻ mà còn vì tinh thần, thái độ và ý chí sống mãnh liệt anh để lại lay động trái tim nhiều người. Như lời anh hát: “Đừng sống giống như hòn đá, sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn luôn băng giá. Đừng hóa thân thành đá…”.

Mới tháng 5 năm ngoái, anh là nghệ sĩ đầu tiên có mặt tại Vân Đồn (Quảng Ninh) kịp thời cứu trợ và thông báo tình hình bão lụt ở đây cho báo giới. Sau đó, ngay cả khi đang mang nỗi đau của riêng mình, Trần Lập vẫn không quên chia sẻ với những người cùng cảnh. Anh từ chối số tiền 100 triệu do đồng nghiệp quyên góp để tặng cho một người hát- từng là thí sinh Giọng hát Việt kỳ anh làm huấn luyện viên - cũng đang mắc ung thư. Số tiền thu được từ liveshow cuối cùng của anh và anh em nghệ sĩ cũng được chia cho 10 bệnh nhân ung thư khác. Hình ảnh cựu thủ lĩnh Bức Tường gầy guộc, khăn mũ to sụ, nén đau đi thăm hỏi những người cùng cảnh tại bệnh viện chính nơi anh đang xạ trị trong buổi chiều mưa rét 26/1 khiến nhiều người rơi nước mắt.

Bất chấp đau bệnh, Trần Lập hát rất hay tại đêm nhạc Đôi bàn tay thắp lửa - được tổ chức vì anh và vì khán giả yêu anh. Cột hơi hoàn toàn ổn định, không phút giây nào tỏ ra nao núng. Một bản lĩnh và một tình yêu âm nhạc. Gợi nhớ đến đêm diễn đẹp đẽ duy nhất và cuối cùng của NSND Y Moan - khi cũng đang cận kề cái chết. Trần Lập cảm ơn, tri ân người bạn đời trước công chúng. Anh hát Mắt đen. Và từ cặp mắt chị mở to như muốn thu trọn những hình ảnh đẹp về chồng mình, dòng nước mắt không ngừng tuôn. Đó là những khoảnh khắc không thể nào quên của đêm diễn trong mưa lạnh mà lòng người ấm áp ấy.

Đêm diễn Đôi bàn tay thắp lửa thắp lên một hy vọng là Trần Lập không thể ra đi chỉ vì một căn bệnh quái quỷ từ đâu rơi xuống. Ba tháng sau, anh ra đi. Nhưng tôi nghĩ tinh thần của anh vẫn còn đó. Anh đã kịp truyền lại ngọn lửa của mình, qua lời nói việc làm và đặc biệt qua âm nhạc, tinh thần sống Trần Lập sẽ còn lan tỏa trong nhiều thế hệ. Lời nhắn nhủ của anh chắc không chỉ dành cho những người mang bệnh về thể xác: “Với tôi hay với bạn chúng ta sẽ không chiến đấu chỉ một ngày. Nó có thể kéo dài cho tới khi ta bước sang một thế giới khác. Ai rồi cũng sẽ tới lúc như vậy nhưng sống ngày nào thì ngày ấy phải đẹp, phải làm được việc hữu ích cho bản thân và biết san sẻ cho người khó hơn mới đáng sống. Vậy nhé. Chúc vui vẻ sống khỏe”.

Trần Lập - ngọn lửa không tắt ảnh 1

Hai tháng trước khi ra đi, Trần Lập vẫn đứng trên sân khấu cống hiến hết mình. Ảnh: Như Ý.

“Trần Lập- người dẫn dắt ước mơ, khát vọng giới trẻ một thời”. Ai đó đã đăng dòng này trên Facebook trong ngày Trần Lập ra đi và tôi hoàn toàn đồng ý. Trần Lập đúng là biểu tượng cho sự vươn lên, tinh thần dám sống vì ước mơ của thanh niên thế hệ 7X, 8X.

Cũng như nhiều đứa trẻ thời bao cấp, Trần Lập bị bố mẹ nhốt trong nhà để đi làm. Để cho đỡ sợ, anh hát theo các bài hát phát trên đài. “Chẳng biết đấy có phải nguồn gốc đưa tôi đến với rock hay không nhưng rõ ràng tôi đã bắt đầu với âm nhạc kể từ đó”, anh tự trào trong cuốn hồi ký Bên kia Bức Tường xuất bản 3 năm trước. Cậu nhóc Lập không được đến học ở Cung Thiếu nhi như mong muốn, khi nào dành dụm được ít tiền mới dám đi thuê truyện về đọc. Lập con nhà lính được giáo dục nghiêm khắc. Bố biết chơi accordeon, đệm cho đội văn nghệ. Sau này Lập thổ lộ, ân hận vô cùng vì nhát đã không xin bố dạy đàn cho.

Tuổi vị thành niên, Lập gặp nhiều thử thách. Những năm học cấp III, một mình vừa học vừa làm vừa chăm song thân đều bệnh nằm một chỗ. Giờ thì đến lượt anh phải “nhốt” bố mẹ ở nhà để đi học sau khi đã lo đồ ăn thức uống. Thời gian còn lại phải đi làm thêm, có khi là ghi đề, có khi là thợ cơ khí... Câu “thần chú” Lập tự nhủ trong thời gian này: “Bình tĩnh, bình tĩnh, không sao đâu, tất cả như một giấc mơ, ngủ dậy hết ngay mà…”. Trong môi trường phức tạp, Lập chỉ cần bước một bước sang lằn ranh bên kia là bóng tối nhưng anh đã không. Trần Lập lý giải một phần vì nhút nhát. Phần nữa chính là ước mơ anh mang. Từ bé, Lập đã nhận ra “nhịp đập bất thường trong ngực mỗi khi nghe nhạc sống”.

Trong hoàn cảnh đó Trần Lập vẫn vượt lên, vẫn theo trọn tiếng gọi trái tim. Không chỉ học nhạc, học diễn xuất, anh còn học để có tấm bằng Kinh tế khi đã U30. Khác với đa số sinh viên thanh nhạc, Trần Lập cực chăm các môn phụ. Nhờ đó mà sau này anh có thể dễ dàng sáng tác và làm được nhiều hơn cho âm nhạc. Không dừng lại ở những kiến thức thầy cô dạy, anh tự mày mò phá cách tìm cho mình cách hát riêng. Có thể nói Trần Lập có công phổ cập nhạc rock ở Việt Nam. Bằng chất giọng sáng, khỏe và đặc biệt rõ lời khi hát, anh không làm công chúng đại trà sợ rock mà ngược lại. Anh là rocker đầu tiên có hàng loạt sáng tác riêng mang thông điệp tích cực. Đúng như cái tên Trần Quyết Lập, anh đã tự lập thân, tự tạo dựng sự nghiệp, hơn nữa còn là người đưa rock Việt tới một tầm cao mới. Sau khi thành công với tư cách linh hồn nhóm Bức Tường, Trần Lập tạo dựng sân chơi Rockstorm cho những người cùng đam mê. Rock Việt được như hôm nay phần nào cũng nhờ Bức Tường đặt nền móng, và cả ước mơ cháy bỏng thời hoa niên của Trần Lập.

* Trần Lập kể về hoàn cảnh ra đời Đường đến ngày vinh quang - bài hát làm nên bước ngoặt của anh và Bức Tường

Thời đó chúng tôi khó khăn lắm, ước vọng có, đam mê tràn đầy mà nhiều khi lực bất tòng tâm. Cũng nhiều khi, mọi người tính chuyện ai đi đường nấy, lo toan khởi nghiệp ổn định hơn cái thú nhạc nhẽo bạc bẽo này. Lâu lắm không có ai mời biểu diễn, có biểu diễn cũng không có thu nhập gì đáng kể. Nhạc cụ không có, gia đình, bạn bè đều không tin mấy, mọi người nản dần.

Rồi thì không tờ báo nào nói đến chúng tôi nữa, thi thoảng có lời đồn thổi vỉa hè rằng chúng tôi đã bỏ cuộc, tan rã và rơi vào quên lãng.

Tôi là người buồn nhất vì đã dốc sức với tập thể này quá nhiều.

Buổi họp “cuối cùng” ấy, mọi người ít nói. Người thì xé gói mì tôm ra nhai khô với nhau, còn tôi chỉ nhớ là mình ngồi giữa nhà tay cào cào lên cái dây đàn gỉ ngoét. Rút cuộc tôi cũng nói được ra một điều: “Chúng ta gieo hạt mãi rồi, đổ mồ hôi nước mắt rồi, bao nhiêu khó khăn đã cùng nhau vượt. Giờ đây, tôi chỉ biết tin là cây có muộn thì rồi cũng có khi ra trái, không lẽ giờ bỏ sao?”...

Tôi lôi bài hát ra chơi. Tôi tự thấy giọng mình run run không nắn nổi khiến mọi người quay sang nghe chăm chú hơn thường lệ. Cả bọn tự nhiên dán mắt vào tờ giấy nhàu nát mà tôi ghi nguệch ngoạc ký tự của bộ gam, sau đó bắt tôi hát lại lần nữa. Hình như tôi cố ghìm để mắt khỏi nhòa đi và hít một hơi dài chơi lại từ đầu: “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi, để ta khắc tên mình trên đời, dù ta biết gian nan đang chờ đón…”. Có điều gì đó thật lạ, thôi thúc mọi người cầm đàn lên và chơi thử rồi hào hứng tột độ... Tôi lặng lẽ nhổm dậy vớ lấy cái ruột bút bi ghi lên đó thật chậm Đường đến ngày vinh quang.

Biên tập viên Long Vũ là người được tôi chuyển băng cassette cho nghe thử đầu tiên và lập tức cậu ấy đưa nó lên chương trình bình luận thể thao trực tiếp. Nhưng mọi người kể cả tôi không thể tưởng tượng được rằng chỉ sau đó thời gian ngắn, ca khúc này dường như vụt trở thành một tuyên ngôn sứ mệnh và đưa Bức Tường vụt sáng... 

Hương Thảo (ghi)

MỚI - NÓNG