Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa thừa nhận: Về đăng ký quyền sử dụng đất, đúng là quá chậm. Khi chưa ban hành Nghị định 43, các quận huyện cấp giấy chứng nhận nhà đất và chứng thực mua bán, cập nhật thay chủ sở hữu cho các cá nhân. Cấp thành phố chỉ giải quyết nhà đất của các cơ quan, đơn vị.
Theo ông Khoa, tình trạng quá tải xuất phát từ tâm lý người dân khi mua nhà đất không muốn cập nhật tên lên sổ đỏ cũ mà muốn làm sổ đỏ mới, dù hai hình thức hiệu lực pháp lý như nhau. Trước kia, Sở TNMT chỉ giải quyết 3.000 hô sơ/năm, hiện nay đã tăng lên 72.000 hồ sơ/năm. Văn phòng đăng ký có 65% hồ sơ quá hạn.
“Thành phố đang tìm cách khơi thông, hướng dẫn bà con thay vì làm sổ mới thì ra chi nhánh văn phòng đăng ký ở các quận huyện cập nhật vừa đỡ tốn kém, vừa tránh phiền hà”.
Phân lô bán nền do buông lỏng quản lý
ĐB Nguyễn Thị Thanh Thuý chất vấn: Bà con cử tri rất bức xúc Quyết định 33 của UBND TPHCM về tách thửa đất ở nông thôn vì xin tách thửa gặp nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương cũng kiến nghị sửa đổi nhưng chưa thấy UBND thành phố phản hồi, vì sao?
Ông Lê Văn Khoa cho biết xuất phát từ nhu cầu tách thửa, năm 1999, UBND TPHCM có chủ trương phân lô hộ lẻ, sau 3 năm thí điểm thì ngưng vì không hiệu quả, bất cập.
Thay vào đó, TPHCM ban hành Quyết định 19 quy định tách thửa (đất ở, đất nông nghiệp). Khi Luật Đất đai năm 2013 ban hành, các tỉnh thành chỉ được quyền tách thửa đất ở nên UBND thành phố phải làm theo luật. Quyết định 33 xuất phát từ nhu cầu của nhiều gia đình muốn tách thửa cho con tạo lập cuộc sống mới.
Tuy nhiên, mặt trái của quyết định này là chính quyền nhiều địa phương cố tình vận dụng sai, dẫn đến tình trạng phân lô bán nền tràn lan, phá vỡ quy hoạch. Kết cấu hạ tầng khu vực không đồng bộ, nhiều khu dân cư không có đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điện, viễn thông….
Ông Khoa thừa nhận nguyên nhân dẫn đến sai phạm là do công tác quản lý của các cơ quan chức năng của thành phố, đặc biệt là cấp quận huyện. Một số nơi buông lỏng, dẫn đến tình trạng phân lô bán nền tràn lan và bị một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để trục lợi.
Trả lời chất vấn của một số đại biểu về cải tạo chung cư cũ, xuống cấp và chương trình di dời 5.000 căn nhà ven và trên kênh rạch, Phó chủ tịch Lê Văn Khoa cho biết qua khảo sát, TPHCM có 474 chung cư hư hỏng cần sửa chữa. UBND thành phố đã báo cáo và Thủ tướng đã cho phép TPHCM chỉ định nhà đầu tư và phân cấp cho các quận huyện.
“Làm theo quy trình rất lâu. Chung cư ngày càng hư hỏng, không thể chờ đợi. Theo phân cấp, UBND 24 quận huyện có quyền lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức kiểm định chất lượng (thay vì dồn về Sở Xây dựng). Theo kế hoạch, cuối năm nay phải kiểm định xong để làm các bước tiếp theo. Chúng tôi phấn đấu trong nhiệm kỳ này tháo dỡ, xây mới được 50% số chung cư cũ”, ông Khoa cho biết.
Theo ông Lê Văn Khoa, khu vực kênh Đôi, kênh Tẻ (quận 8) có trên 5.000 căn nhà. UBND thành phố đã lập ban chỉ đạo, lộ trình là đến tháng 9, UBND quận 8 phải xác định ranh giới pháp lý của dự án. UBND thành phố sẽ trình HĐND TPHCM thông qua trong kỳ họp cuối năm. Các hộ dân sẽ được tái định cư tại chỗ và dự kiến đến năm 2020 TPHCM sẽ cơ bản giải quyết được nhà trên và ven kênh rạch.
Thêm một con đường “dát vàng”
Tham gia trả lời chất vấn, giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết đường trục Bắc Nam dài 32 km, đoạn qua quận 4 chưa hoàn thành và để khép kín TPHCM cần 12.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua quận 4, từ cầu ông Lãnh đến nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (hơn 4 km) cần 5.400 tỷ đồng.
Bức xúc của dân được giải tỏa
Nhiều vấn đề “nóng” của cử tri phản ánh đã được các sở ngành và Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng quyết trong hôm qua 5/8 khi ông tiếp tục cùng tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị bầu cử số 9 tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi.
Ông Hồ Văn Thành (xã Tân Thạnh Tây) cho biết, đi khắp các quận huyện của thành phố, không thấy con đường nào xấu bằng Tỉnh lộ 15. Ông Nguyễn Văn Tám - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải - giải thích, do chưa đủ vốn để bố trí, nên thành phố quyết định đầu tư Tỉnh lộ 15 theo hình thức đối tác công tư. Nhưng hiện cũng chưa có nhà đầu tư nào tham gia. Tuy nhiên, ông Thăng không đồng ý cách trả lời này. “Nếu chưa đầu tư được thì phải có biện pháp bảo trì sửa chữa ngay cho dân đi lại. Giờ phải làm thế nào để khắc phục ngay ổ gà, thoát nước, bảo đảm nhu cầu đi lại cho bà con”, Bí thư nói. Nghe xong, ông Tám hứa trong tháng 8 sẽ sửa chữa những đoạn ổ gà.
Đối với kiến nghị của người dân về hỗ trợ giống cây trồng và chăn nuôi bò sữa, Bí thư Thăng đã yêu cầu đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không nói chung chung. “Bây giờ bà con chỉ cần nuôi bò sữa đạt năng suất cao thì phải làm sao, đổi giống ở đâu, tiền chuyển đổi giống ở đâu, có thể cấp cho bà con giống mới không, nơi tiêu thụ như thế nào v.v…? Sở Nông nghiệp phải tìm kỹ nguyên nhân, mọi giải pháp để giúp nông dân nâng thu nhập, tăng năng suất từ chăn nuôi bò sữa”, ông Thăng “đặt hàng”.
Quốc Ngọc