“Ăn chia” địa bàn
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/ 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2764/QĐ-BTC ngày 27/10/2014 về việc chấp thuận các doanh nghiệp bảo hiểm được tham gia triển khai bảo hiểm khai thác hải sản do Thứ trưởng Trần Xuân Hà ký. Theo quyết định này, việc hỗ trợ bảo hiểm tàu cá được chỉ định cho 4 công ty bảo hiểm: Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt); Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh); Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) và Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI).
Sau quyết định này, 4 doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận phương án đồng bảo hiểm khai thác hải sản ngày 6/10/2014 về việc phân chia phụ trách 28 tỉnh thành ven biển. Theo đó, Bảo Việt chiếm thị phần lớn nhất với 10 tỉnh, thành (Kiên Giang, Bình Thuận, Quảng Trị, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Trà Vinh, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Huế), Bảo Minh xếp thứ hai với 7 tỉnh, thành (Quảng Ngãi, Bến Tre, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ninh, TPHCM); PJICO cũng 7 tỉnh thành (Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh) và PVI chiếm lĩnh 4 tỉnh (Cà Mau, Tiền Giang, Đà Nẵng, Hải Phòng).
“Trong một tỉnh chỉ phân chia cho một doanh nghiệp bán bảo hiểm không đảm bảo cạnh tranh, hạn chế sự lựa chọn của ngư dân. Điều này là bất thường” .
Luật sư Đức
Theo bản thỏa thuận này, chủ tàu cá muốn được hỗ trợ bảo hiểm theo đúng Nghị định 67/2014/NĐ-CP bắt buộc phải mua đúng các nhà bảo hiểm của tỉnh thành được phân chia như trên. Sau khi mua, việc phân chia quyền lợi và trách nhiệm giữa 4 DN được thực hiện theo hình thức đồng bảo hiểm với tỷ lệ: DN bảo hiểm đứng đầu tại địa bàn triển khai: 55%; 3 DN đồng bảo hiểm theo sau, mỗi DN 15%.
Trả lời câu hỏi vì sao có sự phân chia này, đại diện Bảo Minh cho biết, do sự thỏa thuận của 4 doanh nghiệp và Bộ Tài chính là cơ quan thẩm định và quyết định phương án nêu trên.
Luật sư Trương Thanh Đức, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tài chính, bảo hiểm cho rằng, xét về thị trường thuần tuý, việc nhà nước tài trợ cho ngư dân bảo hiểm nên triển khai cho nhiều doanh nghiệp cùng tham gia. “Trong một tỉnh chỉ phân chia cho một doanh nghiệp bán bảo hiểm không đảm bảo cạnh tranh, hạn chế sự lựa chọn của ngư dân. Điều này là bất thường” – Luật sư Đức cho hay. Cũng theo ông Đức, với giá trị không lớn như tàu cá mà áp dụng cơ chế phân chia đồng bảo hiểm, đồng nghĩa với phân chia lợi nhuận bảo hiểm là làm tăng chi phí, ít nhất là chi phí quản lý.
Trục lợi bảo hiểm tàu cá là không bền
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Khi cả nước đồng lòng, hỗ trợ ngư dân, mà vì lý do nào đó, anh trục lợi là không được, không bền, đi ngược lại tính nhân đạo”.
Theo ông Trung, ngư dân hoạt động trên biển phải đối diện với nhiều rủi ro, nên rất cần có bảo hiểm về thuyền viên, thân vỏ, ngư lưới cụ, thiết bị để phòng khi bất trắc. Trong Nghị định 67 quy định về một số chính sách phát triển thủy sản, Nhà nước hỗ trợ 100% bảo hiểm thuyền viên, hỗ trợ 70% bảo hiểm thân tàu, thiết bị với tàu công suất 90-400CV và 90% với tàu công suất 400 CV trở lên.
Ông Trung cho biết, trường hợp như Tiền Phong phản ánh ở Quảng Bình là mua bảo hiểm tàu cá của Bảo Việt, sau đó đổi sang Bảo Minh (trong bài Bảo hiểm tàu cá, ai đang trục lợi? - Kỳ 2: Lại tìm cách phủi tay) là “lắt léo”. Hoặc Tiền Phong cũng nêu trường hợp thay đổi từ hưởng chính sách theo Quyết định 48 sang chính sách ở Nghị định 67, ở đây anh chỉ được hưởng một chính sách, và người dân có quyền lựa chọn gói hỗ trợ cao hơn cho mình.
Tuy nhiên, khi chuyển đổi, phải tìm hiểu xem, việc chuyển đổi đó có được không, nếu không thì bình tĩnh, chờ hết hợp đồng chính sách cũ, có thể sang chính sách mới sẽ thuận, đúng quy định hơn. Việc này, cơ quan bảo hiểm nắm rất rõ, cần hướng dẫn cho ngư dân. “Thực sự người dân chưa tìm hiểu kỹ, nên khi nhân viên bảo hiểm đến, bảo đổi sang cái này cái kia, được hưởng cái nọ, cái kia… nếu có ẩn ý về trục lợi trong đó, họ nói lời hay ý đẹp, nghe bùi tai dân sẽ chuyển” - ông Trung nói.
Ông Trung cũng cho biết, trong trường hợp ngư dân mua bảo hiểm rồi, khi có tai nạn mới truy các loại giấy tờ, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; đăng ký, đăng kiểm còn hạn không, giấy phép,vùng hoạt động có đúng không… thực sự, các thủ tục hành chính là gây khó cho ngư dân. Do vậy, khi ký hợp đồng bảo hiểm, phải giải thích rõ cho ngư dân rằng, nếu xảy ra tai nạn, anh có bằng ngần này điều kiện, mới được bồi thường…. Thực sự, cơ quan bảo hiểm làm ăn chân chính, người ta cũng đàng hoàng việc đó, tuy nhiên “nếu người thực hiện có ẩn ý xấu cũng khó lường”.
“Nhà nước cũng đã bỏ một khoản ngân sách để hỗ trợ ngư dân. Nếu trường hợp xấu, họ gặp tai nạn, nếu có thủ tục gì đó chưa chuẩn, thiếu, có thể châm chước được, thì bảo hiểm cũng nên đền bù cho họ. Đó cũng là vì tính nhân đạo của bảo hiểm, vì uy tín của hãng bảo hiểm”- ông Trung nói.
(còn nữa)