Vào ban quản trị chung cư để trục lợi

Chung cư Thuận Việt.
Chung cư Thuận Việt.
TP - Bên cạnh một số cuộc đấu tranh của ban quản trị chung cư (BQT) vì lợi ích chung, nhiều cuộc “đấu tranh” thực chất chỉ là vỏ bọc để “tranh quyền đoạt lợi”. Khi đạt mục đích, không ít thành viên BQT trở mặt… khiến cư dân than trời.  

Lạm quyền?

Tiếp xúc với phóng viên, một số cư dân chung cư Thuận Việt, đường Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 11, TPHCM lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến BQT hiện tại. Bà M. ngụ lô A. cho biết: “Từ khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân kế nhiệm “ghế” BQT đến nay, không ít cư dân lo lắng”.

Dẫn chứng từ bà M. cho thấy, thang máy hư, bà Ngân không cho công ty cũ sửa chữa mà tự ý ký hợp đồng với công ty mới nhưng không thông qua cư dân. Vừa qua, hệ thống báo cháy chung cư hư hỏng, BQT không thẩm định, không thông qua cư dân mà tự ý ký hợp đồng sửa chữa, thay thế… với số tiền 300 triệu đồng. Từ khi hệ thống báo cháy mới vận hành, cư dân sống ở đây nhiều phen hoảng loạn, bởi 17 lần phải tìm chỗ ẩn náu vì bị hệ thống báo cháy giả.

Còn ông H. ngụ lô B. cho rằng, tài chính không minh bạch nên cư dân ở đây không biết BQT đang giữ bao nhiêu tiền. Riêng hai nhiệm kỳ trước, BQT cũ để lại số tiền gần 1 tỷ đồng giờ không biết còn hay đã hết.

Anh T, ngụ lô A. chung cư Bàu Cát lắc đầu khi ông Trì Hoa Triết làm trưởng ban BQT có dấu hiệu rút ruột tiền phí đóng góp của cư dân. Điển hình là việc BQT mới tiếp nhận từ BQT cũ hơn 11.5 tỷ đồng, trong đó, hơn 1.3 tỷ đồng là phí dịch vụ do BQT cũ tiết kiệm được. Từ đó, đến giờ họ không tiết kiệm thêm mà sử dụng gần hết tiền này, nhưng không có hóa đơn chứng từ rõ ràng.

“BQT không công khai minh bạch tài chính sử dụng. Như đội ngũ bảo vệ cũ giá thuê chỉ 59 triệu đồng/tháng thì nay thay đội ngũ bảo vệ mới giá 80 triệu đồng/tháng mà chất lượng vẫn vậy”- bà C. ở chung cư Bàu Cát cho hay. Người này còn đưa ra bằng chứng: “Đầu tư bãi giữ xe thông minh hơn 174 triệu đồng nhưng giá ngoài thị trường chỉ khoảng 65 triệu đồng, trong khi công ty quản lý, vận hành chào thầu hơn 107 triệu đồng nhưng BQT lại ký gần 152 triệu đồng…”. Hiện tại, đội ngũ BQT ngồi vững vàng, cư dân có tố, có đòi phế truất vẫn không được.

Tại lô M. của chung cư này, trước đây cư dân tố cáo sai phạm, Sở Xây dựng vào cuộc thanh tra. Kết quả, từ năm 2009, khi chung cư bàn giao cho BQT quản lý, các nhiệm kỳ BQT đều có sai phạm. Đặc biệt, ban BQT nhiệm kỳ 3 đã tự thỏa thuận mức phụ cấp cho các thành viên BQT mà không thông qua hội nghị nhà chung cư. BQT còn chi không hợp lệ đến 1,7 tỷ đồng. Nhiều hạng mục khác, BQT tự ý chi, không xuất trình được hóa đơn…

Một số cư dân chung cư Ngô Tất Tố quận 1 phản ánh, gần một năm qua, khi phát hiện BQT cũ có dấu hiệu sai phạm trong việc thu chi nên cư dân bầu ra BQT mới, ông Nguyễn Văn Sau được bầu làm trưởng BQT. Thời gian này, thang máy hư, một thành viên BQT đề xuất kinh phí, đơn vị bảo trì sửa chữa nhưng ông Sau không chọn mà chọn đơn vị khác giá cao hơn. Máy bơm nước hư, ông Sau tự kêu thợ đến sửa rồi mới báo giá cho các thành viên BQT… Do không đồng tình với cách làm của “cấp trên”, người này tố cáo thì bị ông Sau biến thành “kẻ vô dụng” trong BQT.

Không những vậy, việc bầu BQT và các quy định pháp luật đang có nhiều vấn đề bất cập, điều đó tạo điều kiện cho một số thành phần “cơ hội” chen vào BQT nhằm kiếm lợi.

Theo các cư dân lô A, chung cư Bàu Cát 2, trong 5 thành viên BQT hiện nay có một phó BQT là ông Trần Thanh Điền không phải là người ở trong khu chung cư. Qua đó, một số cư dân gửi đơn phản ánh và ông Điền được thông báo loại khỏi danh sách bầu cử. Nhưng ông này vẫn được trúng cử vào BQT… Tại chung cư 4S, quận Thủ Đức, trưởng BQT cũng không phải là người sở hữu căn hộ tại chung cư này.

Ông Châu Văn La - Chủ tịch UBND quận Tân Bình chỉ đạo phường giải quyết, báo cáo cho quận về sự việc trên nhưng mọi chuyện vẫn án binh bất động. Còn tại chung cư Hoàng Anh Gold House, ở huyện Nhà Bè, cư dân phải tự lo cho mình bằng lập thêm Ban kiểm soát BQT. Nhưng khi Ban Kiểm soát phát hiện những sai phạm của BQT cũng không làm gì được ngoài gửi đơn tố cáo đến chính quyền địa phương.

MỚI - NÓNG