Vi phạm trật tự xây dựng
Dự án Chung cư Meco Complex (102 Trường Chinh, Hà Nội) do Cty CP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (Cty Meco) làm chủ đầu tư đưa vào sử dụng năm 2014, nhưng đến nay chỉ số ít các căn hộ tại 2 tòa HH1 và HH2 được làm sổ đỏ. Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi bàn giao, chủ đầu tư bị xử phạt vi phạm trật tự xây dựng và dự án bị thanh tra là một trong những nguyên nhân không đủ điều kiện làm sổ đỏ cho cư dân. Vì vậy, nhiều cư dân tòa HH1 bức xúc vì ở gần 2 năm nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ nên tự rút hồ sơ đi làm.
Tháng 1/2015, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã ra quyết định phạt hành chính Cty Meco 40 triệu đồng vì vi phạm quy định về tổ chức thi công xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng. Cụ thể, tại tòa nhà HH1, chủ đầu tư đã nâng chiều cao tầng kỹ thuật mái, xây ngăn thành buồng phòng và xây phòng tại mái của tòa nhà HH2.
Cũng trong quyết định này, Cty Meco buộc phải ngừng thi công xây dựng và phá dỡ phần công trình sai nội dung giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, chiều 9/6, có mặt tại tầng áp mái tòa HH1, hàng chục căn hộ đang trong quá trình hoàn thiện (lắp cửa gỗ, chia phòng, lắp thiết bị vệ sinh...). Những căn hộ này được bố trí lối đi bộ riêng lên tầng 22, người ngoài và cư dân khó phát hiện khi cư dân tầng nào chỉ được đi thang máy đến tầng đó.
Tại toà nhà Sông Đà (ngõ 165 Cầu Giấy, Hà Nội), cư dân phản ánh Cty CP Sông Đà 1 (chủ đầu tư dự án), “cơi nới” 2 tầng trên cùng thành văn phòng cho thuê. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Bình, Tổng Giám đốc Cty CP Sông Đà 1 cho biết, đang bận và chưa bố trí trả lời phóng viên.
Tình trạng cơi nới tầng áp mái thành căn hộ diễn ra phổ biến tại nhiều nơi dẫn đến tình trạng cư dân trong tòa nhà bị chậm sổ đỏ diễn ra ở nhiều tòa nhà như: Dự án Goldenland (275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) do Cty CP thương mại Hưng Việt (thuộc Tập đoàn tài chính Hoàng Huy) làm chủ đầu tư; chung cư BMM (Phúc La, Hà Đông); chung cư Phúc Hà (Nam Xa La, Hà Đông)...
Tòa nhà Sông Đà (Cầu Giấy-HN) bị nghi ngờ cơi nới 2 tầng trái phép nên chậm làm sổ đỏ. Ảnh: Như Ý
Bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Trưởng phòng Giải quyết khiếu nại, tố cáo (Thanh tra Bộ Xây dựng) cho biết, sẽ thành lập đoàn thanh tra nếu chủ đầu tư cố tình vi phạm xây dựng trên tầng áp mái của tòa nhà. Tuy nhiên, hiện, người dân mua nhà tại dự án ở những tầng không vi phạm vẫn có thể tự đi làm sổ đỏ khi Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội chấp nhận làm trong trường hợp chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2016.
Đổ lỗi hệ thống
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Meco cho biết, sổ đỏ làm từng đợt và không có gì vướng mắc. “Công ty thông báo chung còn người dân muốn rút hồ sơ làm là quyền của họ. Lâu là do trục trặc trên Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội. Cách đây một tuần lấy một đợt”, ông Bình nói. Theo lời ông Bình, hiện có 100 hộ có sổ đỏ trong khi tòa nhà có tới 500 căn hộ. Liên quan đến sai phạm tầng áp mái của 2 tòa nhà, ông Bình cho biết: “không vấn đề gì”.
Còn ông Nguyễn Văn Đa, Phó Giám đốc Cty Vinaconex Xuân Mai (chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội Kiến Hưng) lý giải, việc chậm làm sổ đỏ cho cư dân do lỗi của cả chủ đầu tư và cơ quan chức năng. Dự án nhà ở xã hội Kiến Hưng đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng việc chậm quyết toán và đến nay chưa có giá chính thức. Vừa rồi, dự án mới có quyết định giao đất để chủ đầu tư hoàn thiện giấy tờ. “Chúng tôi vẫn chờ Sở Xây dựng duyệt giá để làm thanh lý hợp đồng cho người mua nhà”, ông Đa nói.
Cty Hanco 3 (chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Sài Đồng) cũng đổ lỗi cho việc chậm quyết toán giá khiến cư dân chưa có sổ đỏ. Trong khi đó, ông Trần Văn Can, Chủ tịch HĐQT Handico 5 (Chủ đầu tư cùng khu nhà ở xã hội Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Hơn 400 căn hộ tòa nhà đã có sổ đỏ. Sở dĩ chúng tôi làm nhanh bởi công ty chấp nhận quyết toán thấp hơn giá thành để cư dân được lợi. Nhiều chủ đầu tư vì lợi nhuận nên chưa dám quyết toán giá thành để làm sổ đỏ”. Ông Can cho biết thêm, một dự án thi công kéo dài 2-3 năm có khả năng trượt giá. Trong khi đó, giá nhà ở xã hội chỉ là tạm tính nên khó tránh khỏi việc nâng giá khi quyết toán.
Một lãnh đạo Sở Tài Nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết, với những căn hộ cơi nới trái phép không bao giờ được cấp sổ đỏ. Và vị này cũng khuyên người mua nhà đừng ham rẻ mua những căn hộ này.