Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 43 CCN đã đi vào hoạt động ổn định. Trong đó, có 21 CCN đã và đang được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải (XLNT). Có 3 cụm đã có dự án nhưng chưa đầu tư, còn lại 19 cụm chưa xây dựng trạm XLNT tập trung. Trong số các cụm đã có hệ thống XLNT tập trung, chỉ có 13 cụm hoạt động ổn định trạm, 8 cụm đã có trạm nhưng chưa hoạt động hoặc không hoạt động. Một số trạm có công suất thiết kế lớn như cụm Bát Tràng (Gia Lâm), Duyên Thái (Thường Tín), Nguyên Khê (Đông Anh)…, không được vận hành hoặc vận hành không đạt chất lượng.
Bên cạnh đó, tại nhiều trạm XLNT tập trung của các CCN đã được xây dựng lại không có hệ thống quan trắc nước thải tự động theo đúng quy định. Cá biệt, có những trạm XLNT được đầu tư xây dựng từ 10 năm trước nhưng chưa một lần được vận hành.
Phục vụ kế hoạch thành lập CCN Tân Triều (Thanh Trì) với ngành nghề chủ yếu là dệt, nhuộm, tái chế lông vũ, năm 2007, UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư kinh phí xây trạm XLNT công nghiệp tập trung trị giá nhiều tỷ đồng theo công nghệ mới nhất lúc đó. Tuy nhiên, sau vài lần vận hành thử nghiệm, cho đến nay trạm XLNT này chưa một lần được đưa hoạt động do thiếu kinh phí. Làm việc với đoàn giám sát của Ban Đô thị - HĐND thành phố Hà Nội, đại diện UBND huyện Thanh Trì xác nhận, sau khi CCN Tân Triều được thành lập năm 2009, các hộ sản xuất ở đây vẫn XLNT theo cách thức thô sơ rồi xả trực tiếp môi trường.
Cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Duyên Thái (Thường Tín) chuyên ngành sản xuất mặt hàng sơn mài cũng được đầu tư trạm XLNT tập trung từ khá sớm những cũng chung cảnh “đắp chiếu” như CCN Tân Triều. Báo cáo của UBND huyện Thường Tín cho biết, từ năm 2008, cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Duyên Thái đã được Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng trạm XLNT tập trung, nhưng hiện nay trạm không vận hành do không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động.
Làm việc với đoàn giám sát Ban Đô thị - HĐND thành phố Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng cho rằng, việc một số trạm XLNT ở các CCN hoạt động không hiệu quả xuất phát từ việc các doanh nghiệp chưa phối hợp với chủ đầu tư các CCN trong công tác đấu nối thoát nước, thu gom nước thải về trạm XLNT.
Mặt khác, hiện một số doanh nghiệp được Sở TN&MT cho phép xả thải, nên không xử lý qua trạm XLNT tập trung. Cùng với đó, nhiều trạm XLNT được xây dựng với thiết kế công suất lớn vượt quá nhu cầu xả thải của CCN nên công suất xử lý nước thải thấp hơn công suất thiết kế. Ngoài ra, việc thu phí nước thải của các cơ sở sản xuất trong các CCN gặp nhiều khó khăn do các chủ đầu tư chưa xác định giá dịch vụ thoát nước, cùng lưu lượng nước thải hàng ngày của các doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2017, toàn thành phố phải đảm bảo tỷ lệ 55,8% các CCN có trạm XLNT đi vào hoạt động. Tuy nhiên, cho đến nay các dự án XLNT mới được phê duyệt đều bị chậm tiến độ. Trạm XLNT tập trung Ngọc Sơn (Chương Mỹ) và Phúc Thịnh (TX Sơn Tây) được phê duyệt dự án đầu tư năm 2014, nhưng đến nay tiến độ xây dựng vẫn rất chậm. Tương tự, trạm XLNT tập trung có công suất thiết kế 500m3/ngày, đêm tại CCN làng nghề xã Liên Hà (Đan Phượng) mới chỉ thi công xong phần xây dựng, phần dây chuyền công nghệ chưa được triển khai.
Qua kết quả giám sát, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân nhận định, nếu không sớm có phương án tổng thể để giải quyết thực trạng này thì vấn đề môi trường rất đáng lo ngại.