Trăm năm vào biển phương Nam

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ từng viết về chuyện hơn 100 năm trước, nông dân miền Trung ai dám dấn thân làm giàu thì đi bộ vào miền Nam, và thời đó dân nhà quê gọi là “vô xứ Đồng Nai”. Có một con đường khác mà người ta hầu như không nhắc đến, đó là vào phương Nam làm biển, dừng ở Phan Thiết, Phan Rí Cửa, Cà Ná, Vũng Tàu, gọi chung là đi vô xứ mắm Phan Thiết.

Ngư dân hướng về phương Nam, bởi vì miền Trung bão tố liên miên, còn phương Nam là vùng yên bình, hiếm khi bị bão và có nơi tháng nào cũng có Tết, pháo nổ rầm vang.

Bão xưa, bão nay

Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer từng lưu lại trong nhật ký chuyến đi từ Bắc Kỳ trở về Ô Cấp (Vũng Tàu) vào ngày 19/11/1898 bằng tàu Alouette, con tàu tải trọng 600 tấn đã “khiêu vũ” với bão Typhon ở vùng biển Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Đoạn mô tả tỉ mỉ trên cũng góp phần tái hiện lại vùng đất bão tố và đường đi của cơn bão 125 năm trước vẫn chạy dọc miền Trung và “né” miền Nam.

Google công bố những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam trong năm 2022, trong đó có từ “siêu bão Rai”. Những cơn bão lớn quét qua biển Đông rồi lại men theo dặm dài miền Trung đi ra vùng biển Bắc, bỏ lại phía sau là vùng đất phương Nam. Đường đi của bão xưa giống bão ngày nay, vùng biển phương Nam vẫn là nơi bình yên, nên ngư dân ở miền Trung tìm vào để mưu sinh.

Từ thập niên 40 của thế kỷ trước, người dân làm nghề biển ở miền Trung cứ cuối tháng 7 là đút chèo vô bụi dứa, kéo thuyền buồm lên bờ, rồi rục rịch đón xe. Nhưng cũng có người giỏi đường biển thì kéo buồm ra đi, lấy “Bài thơ định vị đường biển” để dẫn lối. Như thời ấy có ông Trần Đình Huân ra Lý Sơn thuê thuyền (và người lái) chở theo 300 liễn mắm đi thu mua cá, muối mắm trực tiếp trên thuyền, vào xứ Phan Thiết.

Bà Đoàn Thị Sơ, sinh năm 1929, quê ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi kể về chuyện năm 1952, đàn ông trong làng hết mùa biển thì đi vô Phan Thiết, là nơi vẫn đang vào mùa, ghe buồm nhộn nhịp nghề đánh cá, muối mắm nổi tiếng khắp cả nước. Đi làm biển, nhưng cứ độ 10 ngày thì ngư dân lại cặm cụi viết thư gởi về cho vợ, có người kể về Mũi Dinh. Trong “Bài thơ định vị đường biển” có câu: “Dắt ra cho khỏi mũi Khu Ông/Như chim sổ lồng như cá nọ buông khơi…”.

Đây là đoạn kể về việc thuyền buồm đi qua địa danh Mũi Dinh ở tỉnh Ninh Thuận, có khi đi cả ngày không qua được mũi, thuyền cứ tiến tới thì sóng, gió bạt ngang phải thụt lại. Thuyền buồm đi vào miền Nam hết 5-6 ngày, nhưng có lúc mất thời gian 2-4 ngày vẫn không chèo chống qua được Mũi Dinh. Lúc mỏi tay quá, ông thuyền trưởng lại ngâm nga câu thơ để so sánh 2 địa danh khó nhằn nhất khi vô miền Nam: “Đá Vách 9 vị còn 3/Mũi Dinh 9 vị không tha vị nào”.

Lưu dân phương Nam

Chuyện ngư dân hành trình về phương Nam cứ tưởng xa xưa, nhưng 6 năm trở lại đây bị nhắc tên liên tục. Năm 2017, Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng vì không tuân thủ quy định IUU. Tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định là hai địa phương ở miền Trung có nhiều tàu đánh cá vi phạm. Nhưng có một phát biểu khiến tôi chú ý, đó là mỗi lần ngư dân tỉnh Bình Định bị nước ngoài bắt giữ, đều rơi vào nhóm tàu đã 20-30 năm ở lại trong Phan Thiết, Bà Rịa-Vũng Tàu và không về quê (hơn 500 chiếc).

Trăm năm vào biển phương Nam ảnh 1

Bảo tàng Mắm ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, thời trước khi ngư miền Trung xuôi vô vùng biển phương Nam thường gộp chung là đi vô xứ mắm Phan Thiết ảnh: Văn Chương

Những ngày ở TP Vũng Tàu, tôi gác lại chuyện phố xá để lang thang theo con đò đi dọc trên sông cảm nhận lại thủ phủ của những con người miền Trung từng xuôi Nam, vượt sóng qua Mũi Dinh để vào nơi yên bình. Trên những con sông ở Bến Đá, Phước Tỉnh, nơi nào đẹp đẽ nhất là tàu của ngư dân địa phương neo đậu, còn dọc bờ sình lầy, bùn, đước, lau sậy là bóng dáng những con tàu mang biển số ở Bình Định.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu xác nhận, tàu cá Bình Định đông thứ 2 trong tổng số tàu cá đang hoạt động tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Trung tá Bùi Huy Trung, Đồn phó nghiệp vụ Đồn Biên phòng Phước Tỉnh là cán bộ có thâm niên nhiều năm trước đó ở Đồn Biên phòng Bến Đá thông tin cao điểm tàu Bình Định lưu trú lại khoảng 1.200 chiếc, neo bít cả cửa biển.

Ngư dân Quảng Ngãi xuôi Nam, lên bờ bám làng, ở lại định cư và trở thành người dân bản địa, còn ngư dân Bình Định thì vẫn cứ đi đi, về về. Đi dọc Bến Đình ở TP Vũng Tàu, có những bãi thuyền mang biển số Bình Định, trên tàu không có một bóng người. Bà Thủy, một người dân ở đây cho biết, “họ vô bờ bán cá xong là về quê, thuyền ghe gởi lại, tới ngày lại trở vô đi biển, hơn 30 năm rồi cũng vậy”.

Ngư dân làng chài tỷ phú sống ngay tại vựa cá. Những chủ tàu làm nghề giã cào kể lại câu chuyện thực sự ấn tượng, đó là hồi trước cho tàu ra cào cá, hơn nửa ngày chưa đạt sản lượng thì buông thêm dây cho miệng lưới cào sát đất thì sẽ lập tức kéo lên vài tấn cá đuối. Mẻ lưới nào kéo lên cũng đầy nhóc đẳng biển (rắn biển) và mọi người phải hất bớt xuống nước.

Mùa biển cuối năm 2022, có một số tàu neo “ngủ đông” tới 3 tháng, mặc dù biển phương Nam không có giông bão. Ngư dân Trần Hùng, chủ một tàu Bình Định cho hay, “hồi trước năm 2012 làm ăn được, nhưng rồi cá càng ngày càng ít, nên hơn 1.000 chiếc thì trở về địa phương hoặc bỏ chết trên bãi hơn 1 nửa…”. Câu chuyện dài của ông Hùng cho thấy, phương Nam không có bão biển, nhưng lại có bão bờ, con đường hơn trăm năm vô xứ mắm Phan Thiết giờ đây bắt đầu dở dang.

Vựa cá bây giờ

Làng chài tỷ phú Phước Tỉnh cứ 4 giờ sáng là quán cà phê vỉa hè sáng đèn, chật người ngồi. Các chủ tàu, thân nhân gia đình ngư dân thường dậy rất sớm để lắng nghe thông tin từ biển khơi chuyển về. Thời trước, tàu đánh cá sát bờ, vài ngày trở về, hoặc 1 tháng. Còn bây giờ tàu ở làng chài tỷ phú đã ra đi thì phải 4 đến 6 tháng mới trở về từ vùng biển xa thẳm. Vùng đất hứa đã trở nên khắc nghiệt vì cuộc mưu sinh ngày càng khó khăn hơn.

Trăm năm vào biển phương Nam ảnh 2

Ngư dân Nguyễn Văn Hải, lưu dân Bình Định nhiều chục năm ở đất Vũng Tàu ảnh: Văn Chương

Còn mùa xuân năm 2023 thì sao? Sau trăm năm vào “xứ mắm Phan Thiết”, làng chài phương Nam bắt đầu lâm cảnh cá gần bờ cạn. Ngư dân Nguyễn Văn Hải, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu Bình Định 89349 TS là người cuối cùng tôi gặp trước lúc chia tay vùng biển phương Nam đã “gây sốt” vì sử dụng cùng một lúc 5 cái máy Icom. Lý do là có nhiều máy để “nghe lỏm” tin từ các tàu bạn thì đánh mới đủ cá để trả lương 36 triệu/phiên cho 4 người bạn, cộng thêm chi phí 3.000 lít dầu.

Nếu nói “làng chài tỷ phú” thì nghe có vẻ chung chung. Các ngư dân ở Phước Tỉnh minh định ra phép tính cụ thể: nếu chủ 1 cặp tàu làm nghề giã cào vào thời hoàng kim, mỗi năm kiếm được khoảng 280 cây vàng (thời lương công chức khoảng 300.000 đồng). Những ngư dân đi bạn mỗi năm kiếm được khoảng 4-5 cây vàng.

Ngư dân Lê Bổn ở xã Phước Tỉnh kể lại thời trước, cảnh tháng nào cũng có mùa xuân ở mảnh đất phương Nam, chỉ nghe qua ai cũng mê mẩn: “Tàu cập bến là đốt một giỏ pháo, pháo nổ rầm trời. Nhưng bây giờ đánh bắt quá mức, không biển nào chịu nổi nữa rồi”.

Bao giờ mỗi tháng lại có một mùa xuân quay trở lại với những người từ miền Trung xuôi vào biển phương Nam…?

MỚI - NÓNG