Trái phiếu có rủi ro cao ở doanh nghiệp bất động sản, xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm nay, giá trị trái phiếu có rủi ro cao (sẽ chậm trả gốc/lãi) ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng, chiếm 19% tổng lượng trái phiếu đáo hạn. Phần lớn số này là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng.

Số liệu trên được công ty xếp hạng tín nhiệm Vis Rating công bố trong báo cáo góc nhìn thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2024.

Khoảng 40.000 tỷ đồng trái phiếu có rủi ro cao đến từ 35 tổ chức phát hành, phần lớn là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Nhìn chung, các doanh nghiệp này có khả năng trả nợ ở mức rất yếu, thể hiện bởi tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức rất cao, nguồn lực tiền mặt/giá trị trái phiếu đáo hạn thiếu hụt, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) ở mức thấp so với các tổ chức phát hành khác.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định được có 17 trong 35 tổ chức phát hành có rủi ro cao (chiếm khoảng 61% giá trị trái phiếu rủi ro chậm trả gốc/lãi) là các SPEs (công ty phục vụ mục đích đặc biệt) được thành lập chỉ cho mục đích huy động vốn, trong khi hầu như không có doanh thu và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Những SPEs này có liên quan đến 6 nhóm công ty lớn, trong đó có 3 nhóm đã gặp tình trạng chậm trả gốc/lãi ở các đối với các trái phiếu khác”, VIS Rating cho biết.

Trái phiếu có rủi ro cao ở doanh nghiệp bất động sản, xây dựng ảnh 1
Giá trị trái phiếu rủi ro cao (chậm trả gốc/lãi) giảm đáng kể trong năm nay (thống kê: VIS Rating).

Tuy nhiên, giá trị trái phiếu có rủi ro cao năm nay đã thấp hơn đáng kể so với con số 147.000 tỷ của năm 2023. VIS Rating chỉ ra, xu hướng giảm này do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cải thiện và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính mới tăng lên, đặc biệt với nhóm ngành có tỷ lệ chậm trả cao như bất động sản, xây dựng và năng lượng, nhờ vào các chính sách hỗ trợ và môi trường lãi suất thấp.

Năm nay, VIS Rating kỳ vọng, kỷ luật thị trường sẽ cải thiện, nhờ các quy định pháp lý chặt chẽ hơn đối với phát hành mới, giám sát công bố thông tin chi tiết và kịp thời hơn, cùng với sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư tổ chức. Phát hành trái phiếu riêng lẻ phải công bố thông tin đúng thời hạn về mục đích sử dụng vốn, tình hình trả gốc lãi, tình hình tài chính của tổ chức phát hành. Trái chủ cũng có nhiều kênh thông tin hơn để đánh giá rủi ro trái phiếu bao gồm kết quả xếp hạng tín nhiệm, và thông tin giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Ngành ngân hàng và bất động sản được dự báo sẽ dẫn dắt sự phục hồi của trái phiếu phát hành mới trong năm nay. Hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ vận hành từ tháng 7/2023 đang thúc đẩy các giao dịch trên thị trường thứ cấp và tăng cường thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp. Năm 2023, tổng cộng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới đạt 336.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước.

MỚI - NÓNG