Loạt doanh nghiệp BĐS đến hạn trả nợ
Theo báo cáo thị trường trái phiếu tháng 1/2024 của FiinRatings, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn là một trong những rủi ro hiện hữu trong năm 2024.
Cụ thể, ngoài giá trị trái phiếu riêng lẻ đến hạn lớn nằm ở nhóm bất động sản - BĐS (135,9 nghìn tỷ đồng), thì giá trị trái phiếu đáo hạn của hai nhóm ngành khác là xây dựng và vật liệu; du lịch và giải trí cũng ở mức cao (lần lượt là 27,3 nghìn tỷ đồng và 24,3 nghìn tỷ đồng).
Còn theo dữ liệu mới nhất do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến ngày công bố thông tin 23/2/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong phần còn lại của năm là 258.239 tỷ đồng. Trong đó có 38% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm BĐS với khoảng 99.234 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54.496 tỷ đồng, chiếm 21%.
Như vậy, trong năm 2024 sẽ có hàng loạt lô trái phiếu nghìn tỷ đồng đáo hạn; trong đó có rất nhiều lô trái phiếu giá trị lớn được phát hành bởi các doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết hoặc mới thành lập.
Trong năm 2024, có rất nhiều lô trái phiếu giá trị nghìn tỷ đồng được phát hành bởi các doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết hoặc mới thành lập. |
Một doanh nghiệp có hợp đồng mua bán BĐS với SDI Corp là Công ty CP Đại Phú Hoà cũng có một lô trái phiếu trị giá 3.560 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào tháng 12/2024.
Trong khi đó, lô trái phiếu mã GHICB2124001, trị giá phát hành 5.760 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư Golden Hill (chủ đầu tư của dự án cao ốc tại số 87 đường Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM) cũng đáo hạn vào ngày 15/4/2024.
Hay lô trái phiếu mã NAN12301 với giá trị phát hành 4.700 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nam An đáo hạn vào tháng 9/2024.
Gần nhất là hai lô trái phiếu mã HYD22301 và HYD22302 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Đô thị Hưng Yên với giá trị phát hành lần lượt là 4.450 tỷ đồng và 2.750 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 3 năm nay.
Thị trường sẽ hồi phục ?
Theo VBMA, các doanh nghiệp đã mua lại 1.595 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 2. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 9.130 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó BĐS là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 59% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 4.473 tỷ đồng).
Trong khi đó, đại diện FiinRatings cho biết, hầu hết là các lô trái phiếu đã được phát hành từ những giai đoạn sôi động từ năm 2021 và trong đó nhà đầu tư cần lưu ý các tổ chức phát hành là các công ty dự án.
Do đó, việc trái chủ cần theo dõi tiến độ pháp lý của dự án và khả năng triển khai mở bán hoặc rà soát khả năng thực hiện nghĩa vụ nợ của họ để có những giải pháp phù hợp hoặc thậm chí đánh giá khả năng thực hiện giao dịch trên HNX nếu như lô trái phiếu đó có thanh khoản.
FiinRatings nhận định các rủi ro xấu trong năm 2024 sẽ khó diễn ra khi các cơ quan quản lý thị trường đã chủ động giám sát. (Ảnh minh họa: Internet) |
Cũng theo đơn vị này, trên phạm vi toàn hệ thống thì rủi ro đó có thể dần được kiểm soát khi mà các bên nỗ lực tái cấu trúc và có phương án phù hợp. Bởi lẽ, những lô phát hành trong năm 2023 thì chất lượng tổ chức phát hành đã cải thiện rõ nét theo yêu cầu của quy định mới từ Nghị định 65 cũng như việc thị trường đã rút ra bài học và chủ yếu là các doanh nghiệp có hồ sơ tín dụng khá hơn và minh bạch hơn đã tham gia phát hành.
Mặc dù vậy, đại diện FiinRatings nhận định các rủi ro xấu trong năm 2024 sẽ khó diễn ra khi các cơ quan quản lý thị trường đã chủ động giám sát và đặc biệt là đã có những bước đi chính sách hợp lý, tập duyệt để chuẩn bị cho năm 2024.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hợp lý, gia tăng cơ hội khôi phục sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu. Vì vậy, thị trường sẽ có sự hồi phục theo phương châm “chậm mà chắc”…