Trung Quốc thực hiện chiến dịch trừng phạt các tập đoàn Hàn Quốc từ khi Seoul đồng ý vào tháng 7/2016 để Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc.
Bắc Kinh cho rằng hành động này đe dọa an ninh của họ và đã đáp trả bằng các bài viết trên truyền thông nhà nước, mở nhiều cuộc điều tra nhằm vào các công ty Hàn Quốc và cấm các hãng lữu hành đưa khách sang xứ kim chi. Một số người cho rằng những biện pháp trả đũa đó sẽ không có tác dụng lâu dài. Nhưng khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn dai dẳng, các công ty Hàn Quốc vẫn đang chịu thiệt hại nặng.
Hãng xe Huyndai báo cáo doanh số của họ trên thị trường Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay giảm 42% so với cùng kỳ năm trước; trong khi hãng Kia giảm 54% trong cùng thời gian này.
Thị trường Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với cả hai hãng xe và chiếm hơn 1/5 tổng doanh số của Huyndai.
Tuy nhiên, tổng hàng hóa Hàn Quốc xuất sang Trung Quốc trong nửa đầu năm nay vẫn tăng 12% so với cùng kỳ, với mặt hàng chủ yếu là các linh kiện bán dẫn. Trung Quốc mua hơn 1/3 tổng hàng hóa bán ra của nhà sản xuất vi mạch SK Hynix, và công ty này cho biết lợi nhuận của họ đạt mức kỷ lục trong quý 2 năm nay.
Từ đó có thể thấy rằng tác động của THAAD dừng lại ở các mặt hàng tiêu dùng, còn nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc vẫn phải mua nhiều thiết bị, linh kiện từ Hàn Quốc để hoàn thiện sản phẩm của họ, ông Paul Choi, một nhà phân tích tại hãng môi giới CLSA, đánh giá.
Một số hãng Hàn Quốc kinh doanh ở Trung Quốc không được tốt ngay cả trước khi nổi lên vấn đề THAAD, nhưng THAAD càng khiến kết quả kinh doanh của họ tồi tệ hơn.
Khách du lịch Trung Quốc đổ sang Hàn Quốc trong những năm gần đây, đạt mức kỷ lục 7 triệu lượt khách năm 2016. Lượng du khách vẫn tiếp tục tăng sau khi Seoul thông báo kế hoạch THAAD, cho thấy chính trị tác động không nhiều lên quyết định đi chơi Hàn Quốc của người Trung Quốc. Nhưng điều đó đã thay đổi từ tháng 3 khi Bắc Kinh cấm các hãng lữ hành bán tour sang Hàn Quốc. Lượng du khách Trung Quốc tụt giảm, rơi mất 66% trong tháng 6 năm nay so với tháng 6 năm trước.
Hai hãng lữ hành trực tuyến lớn nhất Trung Quốc là Ctrip và Tuniu cho biết lệnh cấm vẫn còn hiệu lực.
Trong khi đó, Bắc Kinh nỗ lực chặn đứng sự lan tỏa của văn hóa nhạc pop cũng như phim truyền hình Hàn Quốc.
Các trang video trực tuyến bị cấm mua bản quyền chương trình truyền hình mới của Hàn Quốc. Ông Jung, một nhà sản xuất truyền hình Hàn Quốc cho biết các đối tác Trung Quốc của ông đã rút lui khỏi dự án đang thu hút cả chục triệu lượt xem.
Những công ty mỹ phẩm như AmorePacific cho biết họ bị sụt giảm doanh số thê thảm ở thị trường Trung Quốc, mất 58% lợi nhuận trong quý 2 năm nay. “Trong lúc đang tranh cãi về THAAD, tôi ngừng bán hàng vì tôi yêu nước”, một nhà nhập khẩu mỹ phẩm ở thành phố Trịnh Châu cho biết.
“Vì những cuộc biểu tình phản đối Hàn Quốc nên doanh số bán mỹ phẩm Hàn giảm gần một nửa trong tháng 3 năm nay, sau đó hồi phục đôi chút nhưng cũng không nhiều như trước”, một nhà nhập khẩu khác ở Thượng Hải cho biết.
Lotte, một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, có hầu hết trong số 99 trung tâm bán lẻ ở Trung Quốc bị giới chức địa phương đóng cửa từ tháng 3 năm nay sau khi tập đoàn này bán đất cho chính phủ Hàn Quốc để triển khai THAAD. 5 tháng sau đó, 87 trung tâm của Lotte vẫn đóng cửa.
Đến lúc này, Hàn Quốc cho biết những bộ phận cuối cùng của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ đã được đưa đến căn cứ.
Dù sau khi lên nắm quyền ông Moon nói sẽ xem lại kế hoạch triển khai THAAD, nhưng ông Moon Chung-in, một cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc, gần đây nói rằng chính phủ không còn nghi ngờ THAAD nữa “một phần vì áp lực của Mỹ và một phần vì tình hình trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng hơn”.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng vụ thử hạt nhân lần thứ sáu vừa qua của Triều Tiên khiến Trung Quốc không còn lý do hợp lý nào để phản đối Mỹ đưa THAAD đến Hàn Quốc nữa.