TPHCM: Sở Y tế có quản nổi mâm cơm của dân?

Thịt bẩn từ các tỉnh liên tục xâm nhập vào TPHCM.
Thịt bẩn từ các tỉnh liên tục xâm nhập vào TPHCM.
TP - Ba Sở Công Thương, Y tế và NN&PTNT cùng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, mới đây Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng yêu cầu giao về cho Sở Y tế quản lý và đầu mối chịu trách nhiệm. Liệu ngành y tế có quản nổi mâm cơm của dân?

Ba sở quản dân vẫn phải ăn bẩn

Từ rau củ đến thịt, cá đều được 3 ngành: y tế, nông nghiệp và công thương quản lý nhưng thời gian qua những loại thực phẩm này vẫn là mối lo cho người dân. Rau muống tưới nhớt, củ quả “ngậm” thuốc kích thích tăng trưởng và quy trình từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch chỉ 23 ngày là đã lên bàn ăn, trong khi theo quy trình phải ít nhất 35-40 ngày. Bằng chứng là ngày 9/1, Đội 5 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TPHCM kiểm tra vựa rau muống rộng hơn 500m2 ở  ấp 8, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi do bà Chu Thị Lan làm chủ. Nhiều người tá hoả khi phát hiện hàng loạt chai thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng và can đựng nhớt thải được bà Lan dùng để thúc rau muống tốt tươi.

“Hiện sở không lo lắng khi được lãnh đạo TPHCM tin tưởng trao trách nhiệm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng đã trao trách nhiệm thì phải trao quyền để sở thực hiện”.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn -

Chánh văn phòng 

Sở Y tế TPHCM

Còn thịt các loại được ngành thú y nói kiểm soát từ khâu giết mổ ra thị trường nhưng không hiểu sao thịt thối, nhiễm khuẩn vẫn tràn lan ngoài chợ, len lỏi đến bữa cơm của dân. Đợt cao điểm xử lý thực phẩm bẩn mới đây ở TPHCM cho thấy bức tranh thực phẩm bẩn đang quá đen tối. Dù các cửa ngõ được canh gác cẩn thận nhưng ngày 24/3, ông Khuất Mạnh Quân, ngụ Đồng Nai, vận chuyển 650 kg thịt heo thối, bốc mùi vô tư từ Đồng Nai vào TPHCM tiêu thụ, sau đó mới được phát hiện. Trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, hàng trăm vụ vận chuyển thịt thối từ các tỉnh vào TPHCM bị bắt giữ và có hàng trăm vụ khác trót lọt vào các chợ rồi đến bữa cơm của dân.


Quản nổi không?

Lâu nay 3 bộ: Y tế, NN&PTNT và Công Thương… cùng quản lý thực phẩm nhưng không có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm đến cùng. Vì vậy, “quả bóng” trách nhiệm cứ được đá qua đá lại mỗi khi xảy ra ngộ độc hay phát hiện thực phẩm bẩn. Thấy được những bất cập này trong khi vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan ở TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã “quy trách nhiệm cho đầu mối Sở Y tế TPHCM quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm”. Theo Bí thư Thăng, nếu để xảy ra các vụ việc liên quan chất lượng thực phẩm không đảm bảo, sở này sẽ phải lãnh trách nhiệm.

Trao đổi với phóng viên về việc ngành y tế đứng mũi quản lý thực phẩm, bác sĩ Lê Anh Tuấn - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết: “Hiện sở không lo lắng khi được lãnh đạo TPHCM tin tưởng trao trách nhiệm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng đã trao trách nhiệm thì phải trao quyền để sở thực hiện”.

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM cho rằng, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được tốt, không thể chỉ có cơ quan nhà nước quyết tâm làm mà cần kêu gọi ý thức, trách nhiệm cộng đồng, từ người sản xuất, kinh doanh cho đến người tiêu dùng.

Bà Cúc dẫn chứng: “Thực phẩm có nguồn gốc nông lâm thủy sản phần lớn là từ các tỉnh đưa về thành phố tiêu thụ (chiếm đến 80%). Mặc dù hiện nay, giữa thành phố và các tỉnh đã ký kết các chương trình hợp tác nhưng việc quản lý thực phẩm còn chưa đồng bộ, chặt chẽ, trong khi chưa có quy định về giấy chứng nhận an toàn thực phẩm kèm theo lô hàng nên khó khăn cho thành phố khi phát hiện xử lý và truy nguồn gốc để kịp thời thu hồi và xử lý tận gốc”.

Báo cáo từ cơ quan chức năng cho thấ,y TPHCM hiện có hơn 53.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhưng mỗi năm, thanh kiểm tra chỉ được vài nghìn cơ sở. Sở Y tế TPHCM liệu có “quá tải” khi phải nhận trách nhiệm “đảm bảo cho người dân có bữa ăn sạch”? Trả lời vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng– Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM thừa nhận gặp không ít khó khăn trong việc quản lý thực phẩm như chưa có quy chế rõ ràng trong công tác phối hợp quản lý, xử lý giữa các cấp, các ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; thiếu cán bộ có kinh nghiệm và kinh phí hạn chế. 

“Chưa có quy định tạm giữ lô hàng trong khi chờ kết quả phân tích định lượng chất cấm, hóa chất độc hại, vi khuẩn gây bệnh… Vì vậy, các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt thực phẩm tươi sống như heo, gà, bò, rau củ, quả…. bị phân tán, tiêu thụ hết trước khi có kết quả xét nghiệm”- bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng nêu bất cập.

MỚI - NÓNG