TPHCM phát triển giao thông xanh

TP - Tại hội thảo về chính sách và giải pháp về giao thông vận tải cho phát triển kinh tế xanh tại TPHCM diễn ra chiều 22/8, ông Võ Khánh Hưng - Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM cho bết, TPHCM sẽ không cưỡng chế để giảm phương tiện giao thông cá nhân mà sẽ phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng để qua đó giảm xe cá nhân.
TPHCM phát triển giao thông xanh ảnh 1

Xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG chở khách tại TPHCM. Ảnh: HH

“Chúng tôi có đang thực hiện đề án phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng và kiểm soát cá nhân gồm các giải pháp công trình, phi công trình. Đơn cử như vận hành tuyến metro số 1 và hệ thống xe buýt kết nối, từng bước phát triển hệ thống giao thông xanh. Hiện nay, ngành giao thông thành phố đang thực hiện đề án khí thải. Trước mắt ở giai đoạn 1, sẽ thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông sang giao thông xanh (xe điện, khí CNG…).

Hiện đang thực hiện thí điểm ở phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và làm cơ sở để chuyển đổi ở các phương tiện khác”- ông Hưng thông tin. Theo kế hoạch, từ năm 2030 trở đi, tất cả phương tiện vận tải hành khách công cộng tại TPHCM sẽ sử dụng năng lượng điện. Tuy nhiên, những khó khăn về hỗ trợ lãi suất, hạn mức cho vay với các doanh nghiệp vận tải và đầu tư các trạm sạc, trụ sạc cần có cơ chế, chính sách để tháo gỡ. “Sắp tới đây, Sở GTVT sẽ trình UBND TPHCM đề án phát triển xe buýt sang năng lượng xanh. Trong đó, sẽ nghiên cứu hỗ trợ vấn đề lãi suất và đầu tư các trạm sạc, trụ sạc”- ông Hưng cho biết.

Đề xuất hỗ trợ kinh phí

Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM cho rằng, đặc thù để phát triển xe buýt sử dụng năng lượng điện là chi phí giá thành lớn. Do đó, để phát triển, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bằng tiền với mức 2.000 - 5.000 USD/xe và hỗ trợ lãi suất vay khoảng 3 - 5%/năm cho những nhà đầu tư phương tiện điện, CNG.

Bên cạnh đó, cần phải miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số, phí bên bãi, phí cầu đường,... không chỉ cho những phương tiện tham gia vận tải hành khách công cộng mà còn cho người sử dụng ô tô điện để đi lại. Mức trợ giá dành cho xe điện cao hơn đối với xe buýt CNG/xe Hybrid; xe CNG cao hơn xe buýt xăng dầu. Các trạm sạc điện ở các bến bãi xe buýt, các trường trung - đại học, các khu chung cư, công viên, khu vui chơi giải trí... đều do Nhà nước xây dựng. Khuyến khích các doanh nghiệp/hợp tác xã tham gia xây dựng trạm sạc bằng cách miễn thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt... trang thiết bị lắp đặt trạm sạc điện…

TS Phan Thụy Kiều - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, với đặc thù tỷ lệ sở hữu phương tiện xe máy cá nhân tại TPHCM cao hơn các thành phố trong khu vực, đây là nguồn phát thải chính các - bon gây ô nhiễm môi trường, cần phải có các giải pháp từng bước chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, kết hợp với các kế hoạch kiểm soát phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch trên một số khu vực cụ thể để đạt được mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh, bền vững.

“Việc triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông và kiểm soát khí thải phương tiện cần được triển khai cho từng nhóm đối tượng, từng khu vực cụ thể trước khi áp dụng trên toàn địa bàn thành phố. Huyện Cần Giờ tập trung lượng khách du lịch lớn, tuy nhiên là huyện có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tại TPHCM, do vậy việc triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi và khuyến khích chuyển đổi phương tiện nhằm đạt mục tiêu an sinh xã hội và phát triển bền vững cho địa phương”- TS Kiều nêu quan điểm.

Từ đó, vị chuyên gia đề xuất, TPHCM hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo và hộ cận nghèo tại huyện Cần Giờ thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ xe máy xăng sang xe máy điện. Cụ thể, ngân sách thành phố đảm bảo kinh phí thực hiện hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình gồm: 100% ưu đãi phí cấp biển số; 50% chi phí ưu đãi đổi xe máy điện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; 100% gói ưu đãi lãi suất vay trả sau khi mua xe máy điện; và 100% chi phí thu mua lại phương tiện xe máy cũ của các hộ gia đình thông thường sau khi chuyển đổi, với tổng chi phí khoảng gần 236 tỷ đồng. ​​​​​

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, Thành ủy TPHCM có Chỉ thị số 27 và HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 18 đặt ra nhiệm vụ: thực hiện việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông bằng hình thức khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang sử dụng năng lượng sạch; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; sử dụng phương tiện giao thông công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông.

MỚI - NÓNG