TPHCM lập thêm 4 bệnh viện dã chiến tổng công suất hơn 10.000 giường

0:00 / 0:00
0:00
TPHCM lập thêm 4 bệnh viện dã chiến tổng công suất hơn 10.000 giường
TPO - Các bệnh viện dã chiến có nhiệm vụ thu dung, điều trị, chăm sóc toàn bộ số ca mắc mới phát hiện qua xét nghiệm tầm soát tại các khu nguy cơ cao trong cộng đồng và các trường hợp đang được cách ly theo dõi tại các trung tâm cách ly tập trung, F1 chuyển sang F0, điều trị, chăm sóc và cấp cứu bệnh nhân COVID-19.

Ngày 27/7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã quyết định thành lập 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 trực thuộc Sở Y tế.

Cụ thể, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12 (Chung cư lô R5 khu tái định cư 38,4ha, phường An Khánh, TP Thủ Đức) có quy mô 4.000 giường, 700 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính khác.

Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 11 (Chung cư lô R4, Khu tái định cư 38,4ha, phường An Khánh, TP Thủ Đức) có quy mô 5.500 giường, 950 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính…

Cả hai bệnh viện trên có nhiệm vụ thu dung, điều trị, chăm sóc toàn bộ số ca mắc mới phát hiện qua xét nghiệm tầm soát tại các khu nguy cơ cao trong cộng đồng và các trường hợp đang được cách ly theo dõi tại các trung tâm cách ly tập trung, F1 chuyển sang F0.

TPHCM lập thêm 4 bệnh viện dã chiến tổng công suất hơn 10.000 giường ảnh 1

TPHCM trưng dụng một phần bệnh viện Nguyễn Tri Phương để thành lập bệnh viện dã chiến chăm sóc, điều trị và cấp cứu bệnh nhân COVID-19

Bệnh viện dã chiến mới thứ ba là Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 Nguyễn Tri Phương (Địa chỉ: số 493, đường Nguyễn Trãi, phường 7, quận 5) với quy mô 200 giường, 250 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính khác.

Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 Nguyễn Tri Phương được thành lập và hoạt động trên cơ sở trưng dụng một phần cơ sở hạ tầng sẵn có của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Bệnh viện có chức năng, nhiệm vụ thu dung, sàng lọc, khám bệnh, cách ly, điều trị, chăm sóc và cấp cứu bệnh nhân COVID-19.

Bệnh viện thứ tư là bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 Hóc Môn (số 65/2B, đường Bà Triệu, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn) có quy mô 700 giường, 610 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính khác.

Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 Hóc Môn hoạt động trên cơ sở trưng dụng toàn bộ cơ sở hạ tầng Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn. Chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện này là thu dung, sàng lọc, khám bệnh, cách ly, điều trị, chăm sóc và cấp cứu bệnh nhân COVID-19.

TPHCM lập thêm 4 bệnh viện dã chiến tổng công suất hơn 10.000 giường ảnh 2

Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn cũng sẽ được trưng dụng một phần hạ tầng sẵn có để lập bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị cho bệnh nhân COVID-19

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cũng đã ký văn bản khẩn về việc tham mưu triển khai kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, trong đó có yêu cầu khẩn trương thành lập các khu cách ly tập trung tại các địa phương.

Theo đó, UBND TPHCM chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương hướng dẫn TP Thủ Đức và các quận, huyện triển khai việc thành lập các khu cách ly tập trung F0, F1 ở mỗi địa phương.

Cụ thể, hướng dẫn phải dễ hiểu, dễ làm về các điều kiện bảo đảm, thành phần, lực lượng tham gia, có cơ chế, quy chế phối hợp cụ thể giữa y tế, địa phương và gia đình theo dõi, chăm sóc F0, F1 tại nhà; có trách nhiệm cụ thể trong khâu vận chuyển, giao nhận các ca có triệu chứng nặng về tuyến trên điều trị.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, từ 18 giờ 30 ngày 26/7 đến 6 giờ ngày 27/7, Thành phố ghi nhận thêm 1.849 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng cùng ngày. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM đã có hơn 68.200 trường hợp mắc COVID-19.

Thành phố đã trải qua hơn 55 ngày thực hiện giãn cách, từ Chỉ thị 15, đến Chỉ thị 10, Chỉ thị 16 và vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp tăng cường, siết chặt để nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng và hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Từ ngày 9/7 (thời điểm bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội toàn TPHCM theo Chỉ thị 16) đến nay, trung bình mỗi ngày TPHCM ghi nhận hơn 2.700 ca nhiễm.

MỚI - NÓNG