TPHCM đưa giải pháp giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cùng với sự phục hồi mạnh mẽ về đơn hàng từ nhiều thị trường, ngành công nghiệp hỗ trợ có nhiều tín hiệu khởi sắc có nhiều đơn hàng, được nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài “để mắt” rót vốn, tỷ lệ nội địa hóa tăng… Bên cạnh đó, TPHCM cũng có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển lĩnh vực này trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho biết, xu hướng sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III có tín hiệu khởi sắc so với quý II/2024. Có 59,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh tốt lên; 25,2% giữ ổn định và 15,1% khó khăn hơn. Số doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất - kinh doanh quý IV sẽ tốt hơn và tăng lên mức 62,3%; 24,7% dự báo sẽ giữ ổn định và 13% doanh nghiệp cho biết còn khó khăn.

“Cùng với đà phục hồi của các ngành công nghiệp, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở TPHCM cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Hầu hết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, cao su, nhựa, đã có đơn hàng đến hết quý IV/2024, một số có đơn hàng đến quý I/2025” – ông Hoàng thông tin.

Theo thông tin từ UBND TPHCM, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện – điện tử đang là “ngôi sao” thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn ở các địa phương và trên địa bàn thành phố. Hàng loạt các doanh nghiệp FDI lớn từ các nước đã rót vốn đầu tư vào thành phố để tạo cơ sở, nhà máy sản xuất linh kiện điện tử phục vụ cho các tập đoàn hàng đầu thế giới đang đầu tư tại Việt Nam.

Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TPHCM khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đang có nhiều cơ hội gặp gỡ, kết nối và giới thiệu những giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và sản xuất bền vững.

Thống kê từ Jetro cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam năm 2023 được mở rộng là 41,9%, tăng 4,6 điểm so với năm trước đó. Về triển vọng nội địa hóa trong tương lai, 43,2% doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi sẽ mở rộng tại Việt Nam, cao hơn nhiều so với mức trung bình 28,8% của khu vực ASEAN.

Theo ông Matsumoto, các doanh nghiệp Nhật Bản đặt yếu tố an toàn, chất lượng lên hàng đầu và đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao. Các doanh nghiệp Việt muốn đáp ứng được các tiêu chuẩn cao thì nhân sự phải nâng cao tay nghề, áp dụng công nghệ cao như tự động hóa, AI. Trong lĩnh vực bán dẫn chẳng hạn, thời điểm này, các trường đại học, cơ sở giáo dục đào tạo cần có kế hoạch theo kịp với sự chuyển biến thay đổi về công nghệ, để đào tạo ra những kỹ sư giỏi tay nghề.

TPHCM đưa giải pháp giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng ảnh 1

TPHCM có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Uyên Phương

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM, chỉ tính riêng trong tháng 10, hoạt động sản xuất công nghiệp của thành phố tiếp tục hồi phục và duy trì xu hướng tăng trưởng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ; chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,5% so với cùng kỳ và chỉ số tồn kho giảm 17,6%.

Theo ông Kiên, sở dĩ TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, bởi những lĩnh vực ưu đãi thu hút đầu tư mà Chính phủ vừa đưa ra trùng khớp với mong muốn cũng như thế mạnh của họ.

Theo đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm thu hút được đầu tư nhiều nhất gồm: sản xuất hàng điện tử, hóa dược, cơ khí chính xác, chế biến thực phẩm và đồ uống; 5 ngành công nghiệp mới là sinh học, dược phẩm, tự động hóa, công nghiệp bán dẫn và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao cùng 6 ngành dịch vụ hỗ trợ khác cũng được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Ông Trần Thanh Lãm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH CNS Amura Precision (TP Thủ Đức) chia sẻ, dù sản phẩm của công ty đang cung ứng ổn định tại các chuỗi cung ứng của Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng doanh nghiệp luôn chịu áp lực cạnh tranh về giá khi người mua luôn yêu cầu giá phải giảm 3% sau mỗi năm. Điều này khiến biên độ lợi nhuận của công ty ngày càng mỏng, rất khó để giữ được chân khách hàng lâu dài.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TPHCM đề xuất, các cơ quan chức năng cần sớm đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao, tiến tới kiến tạo chuỗi cung ứng “made in Vietnam”.

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố đang tập trung phát triển ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, liên kết vùng, chuyển đổi sản xuất theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng xanh, sạch, hướng tới phát triển bền vững.

Thành phố cũng thúc đẩy và đưa ra những chính sách thu hút đầu tư mới, hướng tới khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình nhà máy sản xuất truyền thống sang nhà máy thông minh. Thậm chí, thành phố cũng đã có chính sách hỗ trợ lãi vay lên đến 100% và mức vốn hỗ trợ lên đến 200 tỷ đồng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp đầu tư đổi mới, chuyển sang sản xuất thông minh nhằm bắt kịp xu hướng phát triển kinh tế hiện nay.

“Thành phố đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn liên kết cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị sản xuất và từng bước hiện đại hóa sản xuất trong nước. Từ đó, tiến tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Thành phố sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất” - ông Hoan khẳng định.

Sở Công thương TPHCM cho biết, theo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn giai đoạn 2024 - 2025, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẽ được chính quyền thành phố ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển, mở rộng thị trường; kết nối cung - cầu sản phẩm, hỗ trợ lãi suất đầu tư... Đồng thời, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý chất lượng, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm công nghệ cao. Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ…
MỚI - NÓNG
Thuê 'đất vàng' ở trung tâm TPHCM rồi chiếm giữ, không thanh toán tiền
Thuê 'đất vàng' ở trung tâm TPHCM rồi chiếm giữ, không thanh toán tiền
TPO - Công ty CP Thực phẩm sản xuất và Thương mại Sài Gòn 1, Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp II thuê nhà đất của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 1 nhưng viện dẫn lý do gặp khó khăn trong kinh doanh để không nộp tiền thuê nhà và không trả lại nhà, đất, không cam kết thời hạn khắc phục.
Vụ quái xế đâm chết người ở Hà Nội: Nỗi đau của xã hội
Vụ quái xế đâm chết người ở Hà Nội: Nỗi đau của xã hội
TPO - Vụ "quái xế" đâm tử vong một người ở TP. Hà Nội chưa lắng xuống, dư luận tiếp tục xôn xao về việc một nhóm đối tượng có hành vi chặn đường, dùng tuýp sắt đe dọa cướp xe máy của nam thanh niên ở Hà Nội bị bắt giữ. Điều đáng nói phần lớn đối tượng trên đều chưa đủ tuổi trưởng thành.