Doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ các hoạt động kết nối cung - cầu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Lê Thị Hồng Loan, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TPHCM cho biết, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này triển khai hệ thống tự động hóa và quản lý sản xuất thông minh, từng bước tham gia sâu vào công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Nguyễn Vân Nga, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Công Thương tại miền Nam cho biết, cùng với các chương trình hỗ trợ trực tiếp từ phía Bộ Công Thương, các hoạt động đào tạo, triển lãm, kết nối giao thương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cầu nối cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng.

Theo bà Nga, triển lãm quốc tế Điện tử và Thiết bị thông minh Việt Nam (IEAE) 2024 được tổ chức từ 23/5 - 25/5 với sự tham dự của 600 doanh nghiệp, đơn vị, nhà sản xuất trưng bày khoảng 800 gian hàng để giới thiệu hàng chục nghìn sản phẩm điện - điện tử tiêu dùng, thiết bị gia dụng, linh kiện điện tử, thiết bị chiếu sáng tiên tiến hiện đại trong và ngoài nước là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thị trường, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước tiếp cận với sản phẩm mới đa dạng, dịch vụ tiên tiến nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất.

Cũng theo bà Nga, IEAE 2024 cũng là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp điện tử trong nước và quốc tế, cũng như nhu cầu của thị trường về sản phẩm công nghệ hiện đại. Đặc biệt, nhiều đơn vị sản xuất và thương mại uy tín mang tới những giải pháp, công nghệ, sản phẩm chất lượng… cho thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.

“Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thị trường, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước tiếp cận với sản phẩm mới đa dạng, dịch vụ tiên tiến nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao tiện nghi cuộc sống của người dân Việt Nam trên bước đường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế”, bà Nga nhấn mạnh.

Doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ các hoạt động kết nối cung - cầu ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp tham gia triển lãm quốc tế Điện tử và Thiết bị thông minh Việt Nam để tìm kiếm bạn hàng và giới thiệu công nghệ, sản phẩm mới nhất

Ông Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng giám đốc Sunhouse Quốc tế cũng cho rằng, các hội chợ quốc tế chuyên ngành là dịp tốt để doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí tiến bước sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Hàng năm chúng tôi đều tham quan các triển lãm quốc tế để tìm kiếm các xu hướng mới, tại triển lãm IEAE năm 2023, chúng tôi đã gặp được rất nhiều nhà cung cấp có thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng sản phẩm, trong đó có những đối tác đã làm việc lâu năm với Sunhouse”, ông Toàn nói.

Ông Chris Wu, Giám đốc dự án Chaoyu Expo chia sẻ, việc các doanh nghiệp trong và ngoài nước liên tục tham gia triển lãm IEAE, được tổ chức từ năm 2019 đến nay ở TPHCM và Hà Nội, và gia tăng cả về quy mô, chất lượng và số lượng doanh nghiệp cho thấy sự thành công của triển lãm trong việc kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong ngành.

Đồng thời, triển lãm cũng là dịp tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với công nghệ mới, trực tiếp với các nhà sản xuất không phải qua khâu trung gian ngay trên sân nhà của mình. Cùng với đó, triển lãm giúp các doanh nghiệp giao thương, tìm kiếm được đối tác phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển ngành điện tử và thiết bị thông minh tại Việt Nam.

Chuyển đổi số, sản xuất thông minh để tham gia chuỗi cung ứng

Tại hội thảo “Cơ hội mở rộng thị trường đối với công nghệ sản xuất thông minh”, do Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TPHCM (HAMEE), Hội Tin học TPHCM (HCA), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại VINEXAD tổ chức ngày 23/5, bà Lê Thị Hồng Loan, Phó Chủ tịch Hội DN Cơ khí – Điện TPHCM cho biết, đang có cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phát triển trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp FDI đang ngày càng mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Theo bà Loan, số liệu chính thức từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện có khoảng 90% doanh nghiệp sản xuất lớn đã và đang ứng dụng công nghệ sản xuất thông minh vào hoạt động. Có khoảng 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có kế hoạch áp dụng công nghệ sản xuất thông minh trong 3 – 5 năm tới. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã khởi động chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số… Đây chính là những tiền đề cũng như cơ hội cho doanh nghiệp Việt bắt nhịp phát triển cùng thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Cũng theo bà Loan, chuyển đổi số, sản xuất thông minh giúp doanh nghiệp tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm chi phí vận hành, chi phí lao động cũng như tiêu thụ năng lượng. Cùng với đó, doanh nghiệp có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh với các quốc gia cũng như nâng cao giá trị thương hiệu…

Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cơ khí – Điện cho biết, rất nhiều doanh nghiệp thành viên trong hội đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho các doanh nghiệp FDI. Đơn cử như Công ty DAVITEK đã chế tạo được cảm biến thông minh, “made by Vietnam” không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu; Công ty TNHH Kỹ thuật tự động Hàn Mỹ Việt cung cấp giải pháp theo dõi chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản xuất cho từng sản phẩm. Hoặc như trường hợp Công ty Nam Sơn khắc lazer tích hợp các hệ thống kiểm tra; Công ty Cơ khí Duy Khanh chuyên thiết kế và chế tạo khuôn mẫu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cung ứng cho các doanh nghiệp FDI; hay IDEA Group chế tạo xe tự hành…

Việc đầu tư công nghệ, chuyển đổi số và liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm cho thấy, các doanh nghiệp Việt đã ngày càng làm chủ được công nghệ cũng như tham gia được vào các khâu trong chuỗi sản xuất của nhiều doanh nghiệp toàn cầu.

MỚI - NÓNG