TPHCM cấm giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dù đã học 2 buổi mỗi ngày ở trường nhưng học sinh cấp Tiểu học vẫn bị giáo viên giao bài tập về nhà. Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo giáo viên các trường tiểu học không giao bài tập về nhà cho học sinh.

Ngày 28/9 tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế, bà Lê Thụy Mỵ Châu đã trả lời báo chí về thực trạng giáo viên cấp tiểu học giao bài tập về nhà tạo thêm gánh nặng và áp lực cho học sinh cấp tiểu học đã học 2 buổi trên trường.

Bà Mỵ Châu cho biết, chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông 2006 và chương trình giáo dục phổ thông 2018 là không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh tiểu học vì học sinh tiểu học đã ở trường 2 buổi mỗi ngày. Giáo viên phải cho học sinh học, hoàn tất bài tập, thực hành trên lớp, không giao bài tập về nhà. Thời gian ở nhà, khuyến khích học sinh tự giác trong việc tự ôn tập lại bài cũ hoặc chuẩn bị trước cho bài mới nếu thấy cần.

TPHCM cấm giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học ảnh 1

Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM thông tin tại buổi họp báo

“Trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học, hướng dẫn chuyên môn, hướng dẫn đầu năm cũng như hướng dẫn kiểm tra định kỳ, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và nhấn mạnh việc giáo viên phải cho học sinh hoàn tất bài tập trên lớp, không giao bài về nhà” – bà Châu nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, các giải pháp hướng đến giảm việc giao bài tập về nhà cho học sinh mà ngành giáo dục hiện nay đang áp dụng là tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng cộng tác; phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, hình thành và phát triển năng lực tự học trên nguyên tắc “Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức (tự chiếm lĩnh kiến thức) với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên”.

Các yêu cầu liên quan khi đặt ra, giáo viên cần cân đối mức độ “vừa sức” với học sinh, có yêu cầu “gắng sức” và có kiểm soát “quá tải”; phương pháp dạy học gắn chặt với các hình thức tổ chức dạy học. Tùy theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức thích hợp như: học cá nhân, học nhóm; học trong lớp, học ở ngoài lớp, hướng dẫn thuyết trình. Giáo viên sẽ là người xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá không gây quá tải cho học sinh.

MỚI - NÓNG