UBND TP HCM vừa có văn bản chấp thuận việc dời tượng đài Trần Nguyên Hãn về công viên Phú Lâm theo đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố và UBND quận 1. Đây được xem là giải pháp nhằm đảm bảo an toàn vì hồi tháng 7/2013, chân phải của tượng đài bất ngờ bị rơi ra khiến nhiều du khách đang chụp ảnh hoảng hốt.
Tượng đài Trần Nguyên Hãn được xây dựng từ trước năm 1975 ở trung tâm thành phố đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân Sài Gòn. Tượng được làm bằng xi măng và từng được trùng tu, phục chế 2 lần nhưng hiện xuống cấp.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng đồng ý di dời tượng bán thân Quách Thị Trang, xem đây là một trong những hạng mục thuộc dự án "Bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP HCM (Bến Thành - Suối Tiên) trên địa bàn quận 1". Tượng bán thân Quách Thị Trang được sinh viên Sài Gòn lập năm 1964 để tưởng nhớ nữ sinh Quách Thị Trang đã hy sinh trong cuộc biểu tình chống nhà cầm quyền lúc bấy giờ.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao phối hợp các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất địa điểm để di dời tượng bán thân Quách Thị Trang và không gian vị trí đặt tượng tại địa điểm mới để báo cáo thành phố. Riêng UBND quận 1 có nhiệm vụ lập phương án, dự toán tháo dỡ, vận chuyển 2 tượng nêu trên về địa điểm mới.
Cũng để phục vụ việc xây dựng tuyến metro số 1, từ ngày 22/7 đại lộ Lê Lợi sẽ được phong tỏa đoạn từ Pasteur đến Đồng Khởi (Nhà hát Thành phố).
Để tránh đoạn đường này, người dân đi từ hướng Tây sang Đông có thể chọn các lộ trình thay thế như: Lê Lợi - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi - Công trường Lam Sơn - Hai Bà Trưng; Vòng xoay Quách Thị Trang - Huỳnh Thúc Kháng - Mạc Thị Bưởi - Hai Bà Trưng; Vòng xoay Quách Thị Trang - Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng.
Ở hướng ngược lại cũng có 3 lộ trình: Hai Bà Trưng - Công trường Mê Linh - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Pasteur - Lê Lợi; Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi; Hai Bà Trưng - Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi.
Theo Trung Sơn