Tống Văn Hải: Sáng tạo vì nông nghiệp, nông dân
> Góp ý Bộ TN&MT, một sinh viên đoạt giải
> Nữ sinh Việt đỗ 6 trường đại học danh tiếng ở Mỹ
> 300 nhà nông trẻ nhận giải thưởng Lương Định Của
Nhận bằng kỹ sư loại xuất sắc tại lễ tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội năm 2002, Tống Văn Hải từ chối lời mời của một công ty nước ngoài để làm anh cán bộ quèn nghiên cứu ngay trong phòng thí nghiệm của nhà trường.
Tống Văn Hải nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2012. Ảnh: P.Hậu. |
Gần chục năm gắn bó công việc nghiên cứu lai tạo giống mới, Tống Văn Hải là nhà khoa học quen thuộc với nông dân phía bắc. Nhiều giống mới do Hải nghiên cứu được nông dân lựa chọn, gieo trồng rộng rãi.
Đánh bại giống nhập ngoại
Trên thực tế, nhiều sản phẩm của tôi được nông dân sử dụng, họ nhớ đến và cảm ơn là niềm hạnh phúc để bản thân tìm tòi, phát triển các dự án nghiên cứu gần gũi, thiết thực với nông nghiệp, nông dân |
Trong số những công trình do Hải nghiên cứu, lai tạo thành công giống lúa nếp thơm N91 và tẻ NV1 là thành quả rực rỡ nhất. Ngay sau quá trình trồng khảo nghiệm có sự kiểm định gắt gao của Bộ NN-PTNT, Công ty giống nông nghiệp Việt Nam ký hợp đồng mua bản quyền sản xuất giống cung cấp cho nông dân. Hai giống lúa này được gieo cấy từ vài năm nay, hiện có mặt ở hầu khắp các tỉnh phía bắc. Trong đó, lúa tẻ NV1 với ưu điểm năng suất cao, gạo thơm ngon lại có khả năng chống chọi sâu bệnh, điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã đánh bại giống lúa Khang Dân nhập từ Trung Quốc từng có thời gian dài ngự trị trên khắp cánh đồng miền Bắc. Còn loại nếp thơm N91 nghiên cứu đối chiếu với đặc sản nếp cái hoa vàng thì cho chất lượng vượt trội.
Thành công ở giống lúa N91 và NV1 mở toang cánh cửa giúp Hải quyết tâm đưa công nghệ sinh học ứng dụng lai tạo giống cây trồng, tạo ra nông sản sạch. Các dự án nghiên cứu giống mới ngoài đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt đều có gien kháng bệnh, giúp người nông dân giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu, tiết kiệm chi phí đầu tư và cung cấp nông sản sạch cho người tiêu dùng.
Ngoài thời gian lên giảng đường, Hải xách ba lô đi khắp các địa phương chọn mẫu nghiên cứu. Ở các địa phương Việt Nam hiện còn nhiều loại lúa đặc sản. Các giống lúa này trải qua quá trình sàng lọc tự nhiên lâu dài, đã có sự thích nghi nhất định với thời tiết Việt Nam, đây là yếu tố vượt trội so với các loại giống nhập ngoại. Khai thác nguồn gien quý hiếm này, Hải phát triển theo hướng vừa khắc phục hạn chế năng suất của giống nội và cải thiện khả năng chống chịu sâu bệnh nhằm tạo ra giống mới hoàn hảo hơn. Trên thực tế, các công trình nghiên cứu và bảo tồn lúa đặc sản như Đèo Bàng, Khẩu Giao, Ple Chầu (Sơn La), Khẩu Lếch (Tuyên Quang) hay các dòng lúa nếp kháng bệnh bạc lá bằng chỉ thị phân tử ở các tỉnh phía bắc đã thành công khi được giới khoa học công nhận. Quan trọng hơn, người nông dân ở các địa phương cũng tin tưởng và lựa chọn giống mới do Hải nghiên cứu đưa vào gieo trồng sản xuất.
Đi ngược quy luật tự nhiên
Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, Hải nghiên cứu nhiều loại giống nông sản đánh bại được quy luật tự nhiên, có thể sinh trưởng bình thường nếu trồng trái vụ.
Trong số đó, giống cà chua chín chậm và kháng được vi rút xoăn lá bằng chỉ thị phân tử Hải nghiên cứu từ vài năm nay đã cho kết quả khả quan. Hiện tại, giống cà chua đặc biệt này được trồng thực nghiệm ngay tại ĐH Nông nghiệp trước khi cung cấp, giới thiệu rộng rãi đến người nông dân. Hải cho biết, ngoài khả năng kháng bệnh, giống cà chua này có thể trồng trái vụ. Khi thu hoạch, nông dân hái quả xanh về nhà bảo quản và cho chín bằng cách phun chế phẩm sinh học không gây hại sức khỏe người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo được hương vị chất lượng. Thế nên, nông dân không còn lo được mùa mất giá mà có thể chủ động bán sản phẩm ra thị trường.
Vườn ươm tài năng nông học
Đưa công nghệ sinh học vào nghiên cứu, Hải chủ động rút ngắn quỹ thời gian nghiên cứu khiến số lượng giống mới giới thiệu đến người nông dân ngày một nhiều hơn. Khoảng vài năm trở lại đây, ngành công nghệ sinh học thu hút nhiều sinh viên lựa chọn theo học. Hải cùng nhiều đồng nghiệp bỏ hàng tỉ đồng đầu tư gây dựng trung tâm bảo tồn giống từ quỹ đất trống trong trường để giúp sinh viên môi trường thực nghiệm sau mỗi giờ học lý thuyết. Hải cho biết, trung tâm góp phần không nhỏ trong thu hút sinh viên giỏi ở lại trường công tác. Ở trung tâm thực nghiệm này, Hải trực tiếp hướng dẫn hàng chục đề tài nghiên cứu của sinh viên. Học trò của Hải, có người từng giành vị trí quán quân ở cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc hoặc đạt thứ hạng cao giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC được cấp học bổng du học nước ngoài. Hải kỳ vọng, trong tương lai không xa những sinh viên này sẽ đóng góp tích cực cho nền nông nghiệp nước nhà.
Nhìn lại quãng thời gian gắn bó với con đường nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, Hải trải lòng: “Chưa khi nào tôi thấy tiếc nuối vì bỏ lỡ cơ hội làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài khi vừa tốt nghiệp. Chọn ở lại trường tôi có điều kiện để nghiên cứu và thử nghiệm ý tưởng sáng tạo cá nhân phục vụ người nông dân nước mình. Trên thực tế, nhiều sản phẩm của tôi được nông dân sử dụng, họ nhớ đến và cảm ơn là niềm hạnh phúc để bản thân tìm tòi, phát triển các dự án nghiên cứu gần gũi, thiết thực với nông nghiệp, nông dân”.
Tống Văn Hải hiện là giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Ngoài thành công ở hai giống lúa N91 và NV1, Hải là tác giả, đồng tác giả của 12 công trình khoa học, trong đó có 3 công trình được đăng tải giới thiệu trên các ở tạp chí nước ngoài. Ngoài ra, Hải trực tiếp tham gia nghiên cứu nhiều đề tài cấp nhà nước: Thu thập, lưu giữ và đánh giá nguồn gien cà chua địa phương Việt Nam; nghiên cứu chuyển gien vào cây vô phối tạo cam quýt không hạt; Nghiên cứu chọn giống cà chua chín chậm và kháng vi rút xoăn vàng lá bằng chỉ thị phân tử; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo dòng bố, mẹ lúa lai ba dòng, kháng bệnh bạc lá… Năm 2012, Tống Văn Hải là 1/10 cá nhân tiêu biểu toàn quốc giành giải thưởng Quả cầu vàng tôn vinh thanh niên có thành tích đặc biệt trong nghiên cứu khoa học. Trong năm, Hải còn là 1/1.000 gương mặt đảng viên trẻ xuất sắc thủ đô Hà Nội. |
Theo Phan Hậu
Thanh Niên