“Đại dịch sẽ kết thúc khi chúng ta quyết định chấm dứt nó. Việc ấy nằm trong tay chúng ta. Chúng ta có tất cả các công cụ cần thiết, nhưng chưa sử dụng tốt những công cụ này. Với gần 50.000 ca tử vong/tuần, đại dịch còn lâu mới kết thúc”, ông Tedros nói ngày 24/10 tại Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Thế giới ở Berlin (Đức).
Người đứng đầu WHO kêu gọi các quốc gia G20 – nơi có khoảng 40% dân số đã tiêm chủng – tích cực tham gia cơ chế COVAX và hỗ trợ Quỹ Mua lại Vắc xin châu Phi (AVAT).
Cũng tại sự kiện ở Berlin, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gutteres cho biết ông đã cùng lãnh đạo WHO khởi động chiến lược toàn cầu về tiêm chủng COVID-19, đặt mục tiêu tiêm vắc xin cho 40% dân số tất cả các quốc gia vào cuối năm nay, và 70% vào giữa năm 2022.
Ông Gutteres đề nghị các quốc gia G20 góp 8 tỷ USD để đảm bảo phân phối công bằng vắc xin COVID-19 trên toàn thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 244 triệu ca mắc COVID-19, với gần 5 triệu ca tử vong.
Ngày 24/10, tổng số ca mắc COVID-19 ở khu vực Đông Âu đã vượt mốc 20 triệu ca, theo thống kê của Reuters, trong bối cảnh khu vực này đang phải vật lộn với đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu và chiến dịch tiêm chủng bị chậm lại.
Số ca nhiễm mới ở khu vực Đông Âu đang tăng đều đặn, và hiện có hơn 83.700 ca mắc mới mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Mặc dù chỉ chiếm 4% dân số thế giới, nhưng Đông Âu đang chiếm khoảng 20% tổng số ca mới được báo cáo trên toàn cầu.
Ba trong số 5 quốc gia báo cáo nhiều ca tử vong nhất trên thế giới là Nga, Ukraine và Romania (đều thuộc khu vực Đông Âu).
Nga chiếm hơn 40% tổng số ca bệnh mới được báo cáo ở Đông Âu, với 120 người nhận kết quả xét nghiệm dương tính sau mỗi 5 phút.