Người dân tin yêu
Ông đánh giá như thế nào về dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, đặc biệt khi Tổng Bí thư là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?
Nhắc đến cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở nước ngoài đã có nhiều cuốn sách về ông. Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét về các lĩnh vực xây dựng Đảng, công tác ngoại giao, hay về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Nhưng theo tôi, để nói một cách ngắn gọn, súc tích nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì có thể gói gọn ở 5 chữ: “Nói đi đôi với làm”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN |
Tôi nhớ, một văn hào người Pháp đã nói một câu nổi tiếng đại ý là, ai cũng giống nhau ở lời nói, chỉ có khác nhau ở việc làm thôi. Dấu ấn đậm nét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là như vậy. Người dân tiếc thương, yêu quý và kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lẽ ở phẩm chất “nói đi đôi với làm”. Về điều này, theo tôi, người số một là Bác Hồ, người thứ hai là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người thứ ba.
Với công cuộc phòng chống tham nhũng, rõ ràng đây là một dấu ấn đậm nét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đặc biệt, từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng (sau này có thêm tiêu cực), cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đã chuyển sang một bước ngoặt mới.
“Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy” - hình ảnh sinh động, dân dã mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về công cuộc chống tham nhũng đã trở thành một biểu tượng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Và trên thực tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm được như vậy và làm đúng như vậy. “Nói đi đôi với làm”, đó là sự khác biệt, và vì thế người dân mới tin và yêu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như thế.
Tôi học cùng Đại học Tổng hợp, cùng khóa với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng vào trường và ra trường một ngày. Sau bao nhiêu năm công tác, cống hiến, tôi thấy phẩm chất ấy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn là như vậy.
“Lò” sẽ tiếp tục “nóng”
Ông kỳ vọng và mong mỏi gì với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới?
Đúng là có một số người dân và đảng viên đặt ra câu hỏi, liệu khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng không còn làm Tổng Bí thư nữa, lúc đó “lò chống tham nhũng có còn nóng không”? Theo tôi, băn khoăn đó của đảng viên và nhân dân thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng vào công cuộc “đốt lò”, xử lý vi phạm, tham nhũng của Đảng ta.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Và trên thực tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm được như vậy. “Nói đi đôi với làm”, đó là sự khác biệt, và vì thế người dân mới tin và yêu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như vậy” Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương
Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngoài số lượng cán bộ các cấp bị xử lý kỷ luật ở các mức độ khác nhau, còn vấn đề nữa mà có lẽ chúng ta chưa thực sự hiểu, hoặc chưa quan tâm đầy đủ. Đó là công tác phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng qua hoàn thiện thể chế là yêu cầu chúng ta phải quan tâm hơn.
Về chính trị học, quyền lực nếu không được kiểm soát thì sẽ dẫn đến tha hóa, đó là quy luật muôn đời, quốc gia nào cũng vậy. Trong quá trình công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo sửa đổi rất nhiều bộ luật để phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.
Tuyên ngôn “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực chất là để giám sát và kiểm soát quyền lực. Bởi quyền lực không giám sát, không kiểm soát sẽ dẫn đến tha hóa.
Bên cạnh các vụ án lớn với nhiều quan chức cấp cao bị xử lý mà người dân biết đến, việc sửa đổi, bổ sung các bộ luật trong thời gian qua với định hướng, mục tiêu giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Việc xây dựng hệ thống luật pháp chặt chẽ hơn chính là kênh phòng ngừa có giá trị rất lớn.
Như vậy, chúng ta hãy cứ tin tưởng rằng, dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng những người kế tục sự nghiệp của đồng chí sẽ đi tiếp trên đường ray ấy. Việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống luật pháp đã tạo ra đường ray để cho con tàu chạy. Vì thế, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn sẽ tiếp tục. Luật pháp đã sửa rồi, bây giờ phải thực hiện theo.
Do vậy, bên cạnh chống tham nhũng, giá trị và dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn được thể hiện qua việc đảm bảo hệ thống pháp luật chặt chẽ, đó là phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.
Trân trọng cảm ơn ông!