Tổn thất với Đà Nẵng!

TP - 40 học viên chia tay với Đề án là một tổn thất đối với Đà Nẵng, bởi thành phố dùng tiền thuế của người dân đưa họ đi đào tạo, và họ có nghĩa vụ phải làm việc trong khu vực công theo thời hạn đã thỏa thuận trước khi đi học. 

Chiều 25/5, UBND TP Đà Nẵng đã có cuộc họp báo liên quan đến việc 40 học viên Đề án 922 đã về công tác nhưng xin nghỉ việc.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho rằng chuyển dịch nhân lực từ công ra tư hoặc ngược lại là việc rất bình thường, đối với cả cán bộ công chức (CBCC) nói chung chứ không chỉ riêng học viên đề án. Tuy nhiên với Đà Nẵng, để những học viên có năng lực xin nghỉ là điều tiếc nuối, vì rất cần người giỏi để xây dựng thành phố.

Ông cho biết sắp tới, Đề án sẽ không cử học sinh đi học ĐH, bởi từ ĐH ra làm nhà nước, quản lý hành chính sẽ có độ chênh nhất định, mà chuyển hướng sang đào tạo sau ĐH cho CBCC tùy vào nhu cầu, khả năng của mỗi đơn vị, cá nhân. Hiện còn 173 học viên chưa vào viên chức.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban tổ chức Thành ủy cho hay, đầu tư về nguồn lực con người luôn phải sẵn sàng chấp nhận một số rủi ro nhất định như học xong không về, về nhưng không chịu làm việc trong khu vực công đúng như mục tiêu đào tạo, hoặc làm việc trong khu vực công nhưng không thể hiện được thực chất chất lượng cao…

“Từ những năm đầu khởi sự Đề án đã xuất hiện các khuyết điểm trên. Gần đây lại bộc lộ rõ hơn, nhất là trong bối cảnh chế tài khi vi phạm hợp đồng giảm nhẹ hơn trước (bồi thường từ 5 lần còn 1 lần); hoặc việc tuyển dụng chính thức vào cơ quan, đơn vị ngày càng khó khăn do phải tinh giản biên chế. Cho nên trường hợp 40 học viên Đề án xin thôi việc và chấp nhận bồi hoàn tiền tỉ là điều không mong đợi chứ không phải quá bất ngờ”, ông Tiếng nói.

Theo ông Tiếng, 40 học viên chia tay với Đề án là một tổn thất đối với Đà Nẵng, bởi thành phố dùng tiền thuế của người dân đưa họ đi đào tạo, và họ có nghĩa vụ phải làm việc trong khu vực công theo thời hạn đã thỏa thuận trước khi đi học. Xong nghĩa vụ ấy, tiếp tục ở lại hay rời đi tùy thuộc hoàn toàn vào sự lựa chọn của từng học viên. Thực tế lại không diễn ra đúng như vậy. Tuy nhiên, bình tĩnh đánh giá thì Đà Nẵng chưa hẳn đã mất hết. Nếu những học viên thật sự có tài năng bỏ khu vực công, họ vẫn có thể tiếp tục đóng góp chất xám cho khu vực tư sau khi đã bồi thường chi phí đào tạo. Như vậy, người Đà Nẵng vẫn được lợi.

MỚI - NÓNG