Đề án tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (Đề án 500) được kỳ vọng là “vườn ươm lãnh đạo, quản lý” góp phần bồi dưỡng cán bộ, công chức trẻ phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, hiện một số thành viên đề án này đã nộp đơn xin nghỉ việc.
Liên tiếp 3 cán bộ xin nghỉ
Phòng nội vụ huyện Phú Ninh (Quảng Nam) mới đây liên tiếp nhận đơn nghỉ việc của các cá nhân trong Đề án 500. Ba trường hợp có đơn xin nghỉ việc trong đó có 1 phó chủ tịch xã và 2 cán bộ văn phòng thuộc 2 xã.
Ông Bùi Ngân Tùng Sơn - Phó chủ tịch UBND xã Tam Thành (huyện Phú Ninh), một trong 3 trường hợp trên cho biết lý do xin nghỉ chức phó chủ tịch xã vì công việc không phù hợp, cơ chế gò bó. “Cái quan trọng vẫn là kinh tế. Lúc trước chưa có vợ thì không sao, giờ có vợ con rồi thì làm lương không đủ nuôi vợ con nên xin nghỉ ra ngoài làm tư nhân. Hiện tôi cùng với một số anh em địa phương lập công ty cổ phần để kinh doanh” , ông Sơn nói.
Ngoài ông Sơn, Phòng Nội vụ huyện Phú Ninh cũng đã tiếp nhận đơn xin nghỉ việc của ông Nguyễn Văn Điển - cán bộ Văn phòng thống kê của xã Tam Thái và bà Nguyễn Thị Viễn - cán bộ Văn phòng thống kê xã Tam Đàn. Hai trường hợp đã được đồng ý giải quyết theo đơn, một trường hợp đang xem xét. Nguyên nhân các cán bộ này xin nghỉ do công việc không phù hợp, cơ chế gò bó, gia đình ở xa, lương thấp...
Theo Sở Nội vụ Quảng Nam, Đề án 500 được thực hiện từ năm 2011, kinh phí gần 92 tỷ đồng. Qua 4 đợt tuyển chọn, có gần 2.500 hồ sơ đăng ký dự tuyển nộp về UBND các huyện, thị xã, thành phố. Kết quả có 519 trường hợp trúng tuyển được tham gia các khóa đào tạo (trong đó có 16 học viên được UBND huyện Phú Ninh và UBND huyện Núi Thành đề nghị tăng thêm và thực hiện chi trả các chế độ, chính sách cho học viên khi tham gia Đề án). Hiện các học viên đã tốt nghiệp ra trường về địa phương được bố trí phân công công tác.
Xem xét chế tài xử lý
Trao đổi với Tiền Phong, ông Thái Văn Chương - Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ Quảng Nam), cho biết trước đó, năm 2017 một trường hợp của huyện Phú Ninh cũng xin nghỉ để lấy chồng nước ngoài. Ngoài ra, một thành viên khác xin nghỉ khi đang tham gia chương trình đào tạo, lý do cá nhân này sử dụng bằng giả.
Thành viên Đề án 500 được hưởng mức lương cũng như nhiều ưu đãi hơn những cán bộ viên chức khác. Cụ thể, ngoài chế độ chính sách theo quy định (được xếp lương theo ngạch chuyên viên, hệ số 2,34, hưởng 100% lương trong thời gian tập sự. Về trợ cấp lần đầu: từ 10 – 20 lần 20 lần mức lương tối thiểu/1 người tùy khu vực.
Ngoài ra, trợ cấp hằng tháng trong vòng 5 năm bằng 2 lần mức lương tối thiểu đối với các xã có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,5 trở lên; 1,7 lần mức lương tối thiểu đối với xã có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,3-0,4; 1,4 lần mức lương tối thiếu đối với các xã có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,1 đến 0,2; các xã còn lại bằng 0,1 lần mức lương tối thiểu). Một số địa phương đã có chủ trương hỗ trợ thêm kinh phí để các học viên yên tâm học tập (Tam Kỳ, Phú Ninh, Hội An: 500.000đồng/tháng/học viên).
Ông Chương cho hay, sau khi trúng tuyển, các thành viên Đề án 500 sẽ ký hợp đồng với Sở Nội vụ. Theo hợp đồng cam kết của đề án với Sở, thì yêu cầu bắt buộc phải công tác theo phân công 7 năm, nếu vi phạm hợp đồng sẽ phải đền bù.
Ông Trần Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Nam nhấn mạnh: “Hiện Sở chưa giải quyết các trường hợp xin nghỉ. Bây giờ phải đền bù thỏa đáng, thực hiện đúng theo quy định. Hợp đồng yêu cầu phải hoàn thành công tác 7 năm, nếu nghỉ ngang, vi phạm hợp đồng thì phải có chế tài xử phạt. Chúng tôi đang yêu cầu huyện Phú Ninh xử lý và báo cáo lên”.
Theo Sở Nội vụ Quảng Nam, tính đến thời điểm hiện tại, có 41/519 học viên được bố trí vào chức danh cán bộ; 469/519 học viên được bố trí vào các chức danh công chức, 9/519 học viên bố trí vào chức danh những người hoạt động không chuyên trách.