Liên quan thông tin hàng loạt cán bộ kiểm lâm ở Quảng Nam xin nghỉ việc mới đây, ông Cương cho rằng, lực lượng kiểm lâm đang đứng trước áp lực, sức ép rất lớn về hoàn thành nhiệm vụ. Ông Cương cho rằng, nếu không có những quy định phân cấp và giao trách nhiệm mạnh mẽ hơn cho chính quyền các cấp địa phương, e rằng, việc kiểm lâm xin nghỉ sẽ thành “hiệu ứng domino”, nhất là tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk...
Ông Cương cho biết, trước đây, Chính phủ đã phân cấp quản lý, bảo vệ rừng cho địa phương, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, khi để xảy ra tình trạng phá rừng, mất rừng, thì quy trách nhiệm cho kiểm lâm. “Tôi chưa thấy ông chủ rừng, chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh nào bị kỷ luật”- ông Cương nói.
Về vấn đề trên, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, trách nhiệm bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm rất nặng nề. Kiểm lâm ở Quảng Nam mới đây xin nghỉ việc có thể lý do cá nhân, tuy nhiên, những người xin nghỉ đều nói do sức khỏe.
Theo lãnh đạo Cục Kiểm lâm, một cán bộ kiểm lâm phải phụ trách địa bàn 2- 3 xã, kể cả những khu vực có rừng đặc dụng được bố trí kiểm lâm, mỗi cán bộ cũng phải quản lý khoảng 500 ha rừng. Thực tế, nhiều trường hợp dù chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng vẫn xin nghỉ vì sức khỏe không đủ.
“Muốn hoàn thành nhiệm vụ phải có sức khỏe, nhưng cán bộ trên 50 tuổi để đảm bảo đi rừng, bám sát rừng, đặc biệt là khu vực có địa hình khó khăn như miền Trung, vùng núi phía Bắc sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ... Do vậy, thời gian tới cần có chính sách để cán bộ kiểm lâm có thể được nghỉ hưu sớm trước độ tuổi nghỉ hưu trung bình Nhà nước quy định”- ông Tùng nói.
Theo lãnh đạo Cục Kiểm lâm , trong 5 năm gần đây, lực lượng kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý 108.200 vụ vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, góp phần bảo vệ trên 14,4 triệu ha rừng, nâng độ che phủ của rừng từ 28% năm 1993 lên lên 41,4% năm 2017, xuất khẩu lâm sản năm ngoái lên trên 8 tỷ USD. Để có những kết quả đó,nhiều công chức, viên chức kiểm lâm đã phải đổ xương máu, tính mạng, sức khoẻ trước sự tấn công của lâm tặc. Trong 10 năm trở lại đây đã xảy ra trên 420 vụ chống người thi hành công vụ, làm 10 cán bộ kiểm lâm bị hy sinh, 355 người bị trọng thương.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Kiểm lâm cũng thừa nhận, một số ít cán bộ kiểm lâm chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí có biểu hiện thoái hóa, biến chất, gây bức xúc trong xã hội. Do vậy, lực lượng phải đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tha hoá, biến chất, xử lý nghiêm túc những cán bộ, công chức kiểm lâm biến chất, vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp, làm trong sạch đội ngũ kiểm lâm.