Về lý mà nói, cảm thấy không đủ sức khỏe (như lời ông chi cục trưởng kiểm lâm Quảng Nam nói) thì nghỉ cũng là hợp lẽ.
Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn mà 30% cán bộ xin nghỉ việc thì quả là xưa nay chưa từng có trong ngành kiểm lâm. Sự việc bất thường này nên hiểu thế nào? Muốn hiểu cho tường tận, cần nhắc lại bối cảnh. Từ nửa cuối năm 2017 đến nay, hàng loạt vụ chặt phá rừng ở Quảng Nam bị phanh phui, hàng loạt cán bộ kiểm lâm hoặc bị kỷ luật, hoặc bị cách chức. Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa rồi đã phải viết một bức thư gửi ngành kiểm lâm tỉnh kêu gọi chỉnh đốn lại hoạt động của lực lượng kiểm lâm. Ông Thanh nhận định, tại Quảng Nam, lâm tặc tung hoành trong thời gian dài, nhiều cánh rừng bị phá nham nhở, hàng chục gốc cây cổ thụ quý hiếm gục ngã mà các cán bộ kiểm lâm lại tỏ ra không biết, cho đến khi có thông tin phản ánh trên báo chí. Nhiều câu hỏi của dư luận đặt ra về sự trong sạch, vững mạnh và tinh thần quyết tâm của các lực lượng liên quan đến quản lý bảo vệ rừng.
Vì vậy, có thể nói gần như chắc chắn là những lá đơn xin nghỉ việc kia có liên quan đến hiện trạng chặt phá rừng và sự hoành hành của lâm tặc. Vấn đề chỉ là những người viết đơn kia liên quan như thế nào, theo tính chất gì mà thôi. Nếu cán bộ kiểm lâm nào đó “tay đã trót dính chàm”, xin nghỉ nhằm “hạ cánh an toàn” cũng có thể là một hướng. Nhưng biết đâu trong số những người muốn ra đi, vẫn có ai đó muốn giữ lại chút liêm sỉ khi thân mang trọng trách giữ rừng mà không thể làm gì để giữ rừng, hằng ngày vẫn phải cam tâm nhìn rừng bị xẻ thịt, xâu xé trong tay của những nhóm lợi ích hình thành dựa trên sự cấu kết của quan chức biến chất và lâm tặc?
Tuy nhiên, dù ai đó có rút lui nhằm “hạ cánh an toàn” thì với tinh thần chống tham nhũng tới cùng lan tỏa từ trung ương, sẽ khó có kết cục êm ái đối với các quan chức kiểm lâm thiếu trong sạch cho dù đã nộp đơn nghỉ việc. Còn đối với những ai không còn ý chí chiến đấu, không cảm thấy mình có đủ dũng khí đối đầu với thực tại trong công việc thì rút lui cũng là việc nên làm.