Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 24/9 theo giờ địa phương, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, đã diễn ra lễ khai mạc phiên Thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khoá 79 với chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Hành động đoàn kết để thúc đẩy hoà bình, phát triển bền vững, phẩm giá con người vì các thế hệ hôm nay và tương lai”.

Báo Tiền Phong xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước:

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ảnh 1
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Thưa Ngài Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc,

Thưa Ngài Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc,

Thưa Quý vị đại biểu,

Trước hết, tôi xin chúc mừng Ngài Philemon Yang được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79 và tin rằng Hội nghị của chúng ta sẽ thành công tốt đẹp.

Tôi cũng đánh giá cao những đóng góp và nỗ lực quan trọng của Ngài Dennis Francis, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78, và Ngài Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc trong nhiệm vụ điều phối các hoạt động của Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn chiến tranh, gìn giữ hòa bình, thúc đẩy hợp tác phát triển toàn cầu thời gian qua.

Thưa Ngài Chủ tịch và các quý vị,

Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại. Hoà bình, hợp tác, phát triển tuy là xu thế lớn, song đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới, nghiêm trọng hơn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc, mở rộng về phạm vi không gian, gia tăng cường độ và tính đối đầu; mâu thuẫn, xung đột chính trị tăng nhanh, môi trường an ninh ngày càng căng thẳng, không gian sinh tồn, phát triển bị thu hẹp,đe doạ, nguy cơ xung đột, hình thành các điểm nóng, kích thích chạy đua vũ trang, nguy cơ căng thẳng, đối đầu, va chạm trực diện ngày càng gia tăng. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa cường quyền, dân tộc vị kỷ đang thách thức luật pháp quốc tế, làm xói mòn các thể chế đa phương và lòng tin vào hợp tác toàn cầu. Vòng xoáy xung đột và bạo lực leo thang ở nhiều khu vực trên thế giới, gây đau thương cho hàng triệu người dân vô tội. Nguy cơ về cuộc chiến tranh hạt nhân giới hạn, thậm chí cuộc chiến thế giới thứ ba là chưa thể loại trừ.

Các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt, biến đổi khí hậu, hiện tượng khí hậu cực đoan, thiên tai, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số... đẩy lùi các nỗ lực phát triển của nhân loại. Các nước nghèo bị bỏ lại phía sau với khoảng cách phát triển ngày càng xa. Siêu bão Yagi mà Việt Nam và một số nước trong khu vực vừa phải hứng chịu với những hậu quả tàn khốc và tang thương, một lần nữa là sự cảnh báo về mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai và biến đổi khí hậu đối với sự phát triển nhanh, bền vững của tất cả chúng ta. Lương thực trên thế giới đủ nuôi 1,5 lần dân số toàn cầu, nhưng nạn đói vẫn tiếp tục đe dọa hơn 780 triệu người và 2,4 tỉ người không được đảm bảo an ninh lương thực. Chi tiêu quốc phòng liên tục tăng trong gần một thập kỷ qua, đạt mức kỉ lục hơn 2,4 nghìn tỷ USD năm 2023, trong khi không thể huy động 100 tỷ USD cho các hành động khí hậu. Chúng ta chỉ còn 1/3 chặng đường triển khai, nhưng hơn 80% chỉ tiêu của các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) có nguy cơ không thể đạt được đúng thời hạn.

Kinh tế thế giới tăng trưởng khó khăn, xu hướng “phân tách”, phân mảnh và gây sức ép, trừng phạt kinh tế đe doạ sự phát triển nhanh, bền vững. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cơ hội phát triển bứt phá song cũng đặt ra những thách thức gắn liền với an ninh, an toàn của xã hội và người dân.

Đây là những khó khăn, thách thức chưa từng có đối với hoà bình, hợp tác, phát triển bền vững và phẩm giá con người của các thế hệ hiện tại và mai sau. Tình hình hiện nay càng đòi hỏi sự chung tay, cùng hành động, cùng nỗ lực và hợp tác chặt chẽ giữa mọi quốc gia, phát huy cao độ vai trò của các thể chế quốc tế, trước hết là Liên Hợp Quốc, các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, nhằm đạt mục tiêu cao nhất đó là chấm dứt chiến tranh, xoá bỏ mọi hình thức áp bức, bóc lột, kiến tạo hoà bình, xây dựng thế giới tốt đẹp và đem đến hạnh phúc cho nhân loại.

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ảnh 2
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trên tinh thần đó, Tôi mong muốn chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam cho một tương lai hoà bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững hơn cho mọi người dân:

Thứ nhất, hoà bình, ổn định là nền tảng để kiến tạo tương lai thịnh vượng, cần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc ở tất cả các quốc gia, trước hết là các nước lớn. Mỗi quốc gia cần hành xử có trách nhiệm, tuân thủ cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; trong đó có các nguyên tắc cơ bản về giải quyết hoà bình các tranh chấp, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nhau; tôn trọng thể chế chính trị mỗi nước đã lựa chọn và được Nhân dân ủng hộ; đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế tùy theo khả năng của mình. Không ngừng củng cố đoàn kết, sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia, đề cao đối thoại, loại bỏ đối đầu; quyết liệt phản đối các hành vi cô lập và cấm vận đơn phương đi ngược lại với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Thứ hai, đảm bảo sự phát triển bình đẳng của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, mỗi con người trong điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa khác nhau. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển phù hợp với nhu cầu của mỗi quốc gia. Ưu tiên nguồn lực cho những “vùng trũng” trong triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững. Chú trọng hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển, đặc biệt về nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thuận lợi về đầu tư, thương mại, giảm gánh nặng nợ cho các nước nghèo.

Thứ ba, sớm thiết lập những khuôn khổ quản trị toàn cầu thông minh với tầm nhìn dài hạn về khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, đảm bảo thúc đẩy sự phát triển tiến bộ, thụ hưởng những thành tựu tích cực; đồng thời chủ động ngăn chặn, đẩy lùi những hiểm hoạ đối với hoà bình, phát triển bền vững và nhân loại. Trong bối cảnh đó, tôi hoan nghênh các văn kiện của Liên Hợp Quốc thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, nhất là Văn kiện số toàn cầu. Đây sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy xây dựng quản trị toàn cầu và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực này.

Thứ tư, có tư duy mới kiến tạo tương lai mang tính chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi quản trị toàn cầu. Trong đó, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là những công cụ quan trọng giúp các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển tăng cường sức chống chịu, năng lực tự cường nhằm kịp thời ứng phó, chủ động phòng ngừa trước các cú sốc, khủng hoảng và thảm họa trong tương lai. Tập trung cải tổ các cơ chế đa phương, nhất là hệ thống Liên Hợp Quốc và các thể chế tài chính - tiền tệ quốc tế đảm bảo tốt hơn tính đại diện, công bằng, minh bạch; tăng cường năng lực, hiệu quả, sự sẵn sàng cho tương lai và theo kịp một thế giới đang thay đổi.

Thứ năm, đặt con người ở vị trí trung tâm chủ thể để hiện thực hoá các tầm nhìn. Lấy người dân là trung tâm, mục tiêu, động lực của mọi chính sách và hành động ở tất cả các cấp độ. Đầu tư và phát triển toàn diện thế hệ trẻ về tri thức, văn hoá trên cơ sở các giá trị chung và tinh thần trách nhiệm, cống hiến. Việt Nam hoan nghênh việc Đại hội đồng đã chính thức trao thêm quyền tham gia thực chất hơn cho Nhà nước Palestine từ Khóa 79 này; khẳng định đoàn kết với Nhà nước và Nhân dân Cuba, kêu gọi Hoa Kỳ gỡ bỏ các biện pháp bao vây, cấm vận đơn phương chống lại Cuba và đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Đây là những hành động cụ thể, thiết thực vì sự phát triển bình đẳng, hạnh phúc của các quốc gia, cần thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thưa Ngài Chủ tịch và các quý vị,

Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi - “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”, đã từng nhấn mạnh “Đoàn kết - đoàn kết - đại đoàn kết. Thành công - thành công - đại thành công”. Chỉ khi đoàn kết, hợp tác, tin cậy, chung sức, đồng lòng, chúng ta mới có thể xây dựng thành công thế giới hoà bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện tại và mai sau, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Trong thế giới đang mạnh mẽ chuyển mình ngày nay, mỗi quốc gia đều đóng một vai trò quan trọng trong bản giao hưởng lớn của thời đại. Việt Nam đang ra sức phấn đấu, bức tốc để có thể hiện thực hóa một tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững, không chỉ cho người dân Việt Nam, mà còn cho tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Đó là tầm nhìn, là mục tiêu và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế hôm nay và mai sau.

Xin trân trọng cảm ơn.

Theo TTXVN
MỚI - NÓNG
Di dời dứt điểm Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế sau hơn 40 năm ‘sống nhờ’ di tích Quốc Tử Giám
Di dời dứt điểm Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế sau hơn 40 năm ‘sống nhờ’ di tích Quốc Tử Giám
TPO - Sau hơn 40 năm “sống nhờ” di tích Di Luân đường và khu vực lân cận, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) tổ chức di dời dứt điểm về nơi mới, nhằm khai thác tốt hơn không gian Quốc Tử Giám triều Nguyễn, cũng như từng bước xây dựng thiết chế văn hóa đúng nghĩa bảo tàng của địa phương.