Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh

Ảnh: Vocativ
Ảnh: Vocativ
TPO - Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/6 khẩn cấp thông qua dự luật cho phép quân đội nước này đến một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar. Hai ngày sau dự luật trên đã được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ký ban hành.

Các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra ít ngày sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu Vương Quốc Arập Thống nhất (UAE) và Bahrain cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ chính trị, truyền thông và tài chính cho các tổ chức khủng bố.

Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn lựa chọn chỗ đứng cho mình trong cuộc khủng hoảng ngoại giao tại Qatar. Lựa chọn này không thể được coi là tự nhiên, mà nó nằm trong sự tính toán chiến lược của chính quyền Ankara tại vùng Vịnh.

Thực tế, ngay từ đầu, chính quyền Ankara đã phản ứng rất tiêu cực trước việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Qatar và các nước Arập láng giềng. Một cuộc tuần hành ủng hộ Qatar do chính phủ phát động đã được tổ chức tại Istanbul. Ông Erdogan đã công khai chỉ trích vụ tẩy chay của Saudi Arabia và các nước đồng minh, và nhận làm trung gian trong đàm phán với Qatar. 

Cần phải thấy rằng, hợp tác giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã "sâu rễ bền gốc" ngay từ thời cha của Quốc vương hiện tại Seikh Hamad bin Khalifa al-Thani. Hai nước này không chỉ thiết lập quan hệ kinh tế mà còn có sự gần gũi về quan điểm đối với Syria. Cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Qatar đều không ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad  và lực lượng ly khai người Kurd.

Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar có lịch sử lâu đời luôn đứng cùng một bên trong các diễn biến và xung đột trong khu vực. Cả hai đều hỗ trợ cho cuộc cách mạng Ai Cập và lên án cuộc đảo chính quân sự đã đưa lãnh đạo hiện nay của Ai Cập là Abdel Fattah el-Sisi lên cầm quyền. Hai nước này cũng từ chối việc liệt tổ chức Anh em Hồi giáo và Hamas vào danh sách “các tổ chức khủng bố”.

Sự hợp tác của hai nước trong các hoạt động chính trị trong khu vực càng được củng cố sau khi Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Tayyip Erdogan trong và sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng Bảy năm ngoái.

Hơn nữa, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đều có chung sự cạnh tranh ảnh hưởng với Saudi Arabia. Bằng chứng về liên minh "bất thành văn" giữa Thổ Nhĩ Kf và Qatar là việc thành lập căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar năm 2014. Tuy nhiên, lúc đó dự án đã không thành công. Công trình xây dựng bị đóng băng, chỉ có vài chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện tại đây.

Nguyên nhân là người Thổ được gọi đến Qatar khi quan hệ giữa Qatar và Saudi Arabia căng thẳng và leo thang đến mức hàng loạt nước triệu hồi Đại sứ khỏi Doha.

Tuy nhiên, sau đó cuộc khủng hoảng đã được giải quyết và không còn cần đến sự ủng hộ của ông Erdogan. Hiện nhu cầu đó lại nổi lên và ở quy mô lớn hơn nhiều. Ngay từ đầu, Tổng thống Erdogan đã thể hiện rằng ông sẵn sàng giúp đỡ Qatar.

Theo các chuyên gia phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép quân đội tới Qatar là sự thể hiện “một sự ủng hộ rõ ràng dành cho Qatar" tại vùng Vịnh. Động thái này thực sự cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ coi mối quan hệ quốc phòng của họ với Qatar là một trụ cột không thể thiếu làm nền tảng cho vị thế chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực vùng Vịnh.

Điều này cũng thể hiện rằng chính quyền Ankara sẽ không thay đổi một cách triệt để tầm nhìn dài hạn của họ trước những biến động trong khu vực.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao và kinh tế xoay quanh Qatar mà Saudi Arabia và các đồng minh tạo nên đã cho thấy sự phức tạp và rắc rối ở vùng Vịnh.

Các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ đã không chỉ "làm nguội được những cái đầu nóng" tại Saudi Arabia, mà họ còn cho thấy dù chính quyền Riyadh cố gắng nhưng không thể cô lập ngoại giao được Qatar. Ngoại giao và đàm phán vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất để tránh cho "đốm lửa âm ỉ" ở Trung Đông bùng cháy.

MỚI - NÓNG