Nguyên nhân vùng Vịnh ‘tan đàn xẻ nghé’

Ảnh: AP
Ảnh: AP
TPO - Các nền quân chủ ở vùng Vịnh đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Một số nước Arab đứng đầu là Saudi Arabia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar để phản đối việc nước này ủng hộ chính trị, truyền thông và tài chính cho các tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về Trung Đông, căn nguyên của cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay bắt nguồn từ những quan điểm đối lập nhau giữa Saudi Arabia và Qatar về tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và vấn đề Iran.

Về tổ chức Anh em Hồi giáo

Năm 1990, khi quân đội Iraq của Tổng thống Saddam Hussein chinh phạt Kuwait, động thái này đã gây lo ngại cho 5 nền quân chủ khác ở vùng Vịnh và khiến các nước này đi theo các con đường khác nhau.

Lúc đó chính quyền Riyadh bị các nhà truyền giáo chịu ảnh hưởng của MB gây áp lực yêu cầu phải nhượng bộ chính trị, trong đó có việc vương quốc này cần chấm dứt các thỏa thuận với quân đội Mỹ. Và ngay lập tức, Saudi Arabia liền chấm dứt quan hệ thân thiện với MB. 

Trong khi đó, Qatar lại đi theo đường khác. Sự bất lực của Saudi Arabia trước cuộc xâm lược của Iraq là bài học khiến các lãnh đạo Qatar thấy rằng sự tồn vong của đất nước đòi hỏi phải xây dựng được ảnh hưởng với các cường quốc lớn, và thậm chí có thể còn cả với các đối tác phi nhà nước ở bên ngoài Bán đảo Arab. Lập tức, Qatar nổi lên thành nước hậu thuẫn mạnh nhất cho MB ở khu vực.

Năm 1995, Thái tử Qatar Hamad bin Khalifa Al Thani lật đổ vua cha bằng một cuộc đảo chính không đổ máu khi Đức Vua đang đi nghỉ ở châu Âu. Năm sau đó, Saudi Arabia được cho là đã bảo trợ cho một cuộc phản đảo chính, do lo ngại việc lật đổ một quân vương có thể trở thành tiền lệ. Cuộc phản đảo chính thất bại. 

Cuộc đua tranh quyền lực giữa Saudi Arabia và Qatar đã tiến triển thành sự đối đầu công khai, nhất là trong các chương trình của đài truyền hình Al Jazeera của Qatar được Quốc vương Hamad thành lập năm 1996 với khoản đầu tư 150 triệu USD để trở thành đài truyền hình vệ tinh toàn Arab đầu tiên.

Với việc khai thác thông tin chống lại các chế độ Arab, Al Jazeera đã tạo nên thứ quyền lực mềm cho Qatar đồng thời khiến các nhà cầm quyền xung quanh khó chịu. Với việc dành thời lượng chương trình cho các nhà tư tưởng Hồi giáo cực đoan, Qatar đã tạo cho MB một bệ đỡ chưa từng có. 

Đặc biệt, trước sự bùng nổ Mùa Xuân Arab năm 2011, Qatar đã giành hết mọi sự ủng hộ cho các phong trào của MB, với mục đích thách thức trật tự hiện có. Điều này lại khiến Riyadh và Doha mâu thuẫn nhau một lần nữa. 

Thật vậy, sự ủng hộ của Qatar dành cho MB hay các đảng phái chính trị ở khắp khu vực đã khiến các nước Arab khác, không chỉ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) mà cả Saudi Arabia, lo ngại. Những căng thẳng này có thể thấy rõ nhất ở Ai Cập, nơi Qatar tài trợ cho Chính phủ Tổng thống Mohamed Morsi thân MB, để rồi thấy chính phủ này bị chế độ quân sự được Saudi Arabia và UAE tài trợ lật đổ. 

Qatar tăng cường ủng hộ một chi nhánh bạo lực nhất của MB, thu nhận các lãnh đạo cấp cao của Hamas khi những người này chạy trốn khỏi cuộc khủng hoảng đang gia tăng ở Damascus. Dần dần, giới quân sự cũng như các gián điệp chính trị cho Hamas cũng tìm đường tới thiên đường an toàn ở Doha.

Cuối cùng Quốc vương Abdullah quyết định cùng với UAE thực hiện kế hoạch buộc Qatar phải quỳ gối bằng việc rút hết đại sứ khỏi Doha vào tháng 3/2014 và thuyết phục cả Bahrain cũng làm thế.

Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đã kéo dài gần hết năm đó, cho đến khi Qatar phải nhượng bộ khi đối mặt với nguy cơ bị Saudi Arabia phong tỏa cả trên đất liền lẫn trên không.

Qatar đóng cửa chi nhánh của Al Jazeera chuyên đưa tin chỉ trích Ai Cập và trục xuất 7 nhân vật của MB. Tuy nhiên, các cam kết khác lớn hơn của Qatar như ngừng kích động và ngừng hỗ trợ các nhóm Hồi giáo cực đoan hầu như không có gì thay đổi. 

Về vấn đề Iran

Năm 2002, đài truyền hình Al Jazeera phát những lời chỉ trích của những người bất đồng chính kiến ở Saudi Arabia, dẫn tới việc nước này rút đại sứ của mình khỏi Doha trong suốt nửa thập kỷ còn lại. Trong giai đoạn đó, Qatar trở lại với những chính sách đối ngoại khác biệt, ủng hộ cả về chính trị và kinh tế đối với Iran và một số tổ chức như Hamas, Hezbollah, và Chính quyền Assad ở Syria.

Trong khi đó, chính sách đối ngoại của Saudi Arabia trở về theo truyền thống sau khi đã đập tan được cuộc nổi loạn trong nước của nhóm Al Qaeda từ năm 2003 đến năm 2006. Theo đó chính quyền Riyadh đã cứt đứt quan hệ ngoại giao và thực hiện chính sách ngoại giao cứng rắn với Teheran.

Theo các chuyên gia phân tích, cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay dường như được thúc đẩy bởi thực tế Doha đã không đồng tình với quan điểm chống Iran của Saudi Arabia, tạo cớ mới để Saudi Arabia cùng với UAE vốn ghét MB chống lại Qatar.

Đặc biệt, báo chí Saudi Arabia đưa tin Ngoại trưởng Qatar đã gặp gỡ chuyên gia khủng bố Iran Qassem Soleimani ở Baghdad vào trung tuần tháng 5 vừa qua. Điều này cho thấy sự tức giận của Riyadh đối với Doha đã lên tới đỉnh điểm. Do đó, mặc dù sự ủng hộ của Qatar đối với MB không còn là mối quan ngại nổi bật của Saudi Arabia nữa, song chính Iran dường như đã trở thành nguyên nhân khiến họ vẫn tiếp tục đối đầu với Qatar. 

Như vậy có thể thấy rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay tại vùng Vịnh, dù một số người coi đó là bất ngờ, nhưng thực chất nó đã diễn ra từ rất lâu. Mặc dù nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ngoại giao và kinh tế tại vùng Vịnh hiện nay vẫn còn là điều gây tranh cãi. Song có một thực tế là những quan điểm đối lập nhau giữa Saudi Arabia và Qatar về tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và vấn đề Iran là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới bối cảnh hiện nay.

MỚI - NÓNG