'Tổ quốc nhìn từ biển…': Trái tim đất nước giữa biển khơi

TP - Bảo vệ Trường Sa, chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm là quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam. Trang sử bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa đã được viết không chỉ bằng mồ hôi, công sức mà bằng cả máu; bằng sự can trường, dũng cảm, sự hy sinh cao cả vì Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.

Tuyên ngôn độc lập ở Trường Sa

Trưa ngày 25/4, tàu Kiểm ngư 490 cập cảng Trường Sa lớn sau hành trình hơn một nghìn hải lý lênh đênh trên biển. Hơn 200 người trong Đoàn công tác Số 6 (do Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn) háo hức lên mạn tàu hướng về Trường Sa - trái tim nơi biển cả của Tổ quốc, nơi đầu sóng ngọn gió. Trước giờ cập đảo, những thông tin truyền thống về quần đảo Trường Sa ùa về qua đài phát thanh của tàu.

Đảo Trường Sa lớn được coi là “thủ đô” của Quần đảo Trường Sa với diện tích lớn và cơ sở hạ tầng tốt nhất trong các đảo. Trên đảo có thị trấn Trường Sa thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, được thành lập trên cơ sở đảo Trường Sa lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận. Tại đây có đầy đủ các cơ quan chính quyền, quân đội, cơ sở giáo dục, trạm khí tượng hải văn, trạm y tế, nhà tưởng niệm Bác Hồ, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, chùa Trường Sa… được xây dựng, phục dựng phục vụ cho đời sống của người dân trên đảo.

'Tổ quốc nhìn từ biển…': Trái tim đất nước giữa biển khơi ảnh 1

Đảo Trường Sa lớn và cột mốc chủ quyền.

Từ xa nhìn vào, giữa bạt ngàn cây xanh quanh triền đảo là những dãy nhà mái ngói đỏ tươi. Con đường nhựa phẳng lỳ dẫn từ cầu cảng vào những dãy nhà khang trang, sạch sẽ. Sau khoảng 30 phút, chỉ huy lệnh hạ cầu, xuống tàu, ai ai cũng hồi hộp. Chúng tôi nhanh chóng di chuyển qua cầu về cổng Trường Sa tiến vào quảng trường - nơi có biểu tượng thiêng liêng nhất là cột mốc chủ quyền. Không chỉ là công trình đánh dấu chủ quyền, đây được coi như một biểu tượng, thể hiện sự trân trọng, lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nơi đây diễn ra hầu hết các hoạt động ý nghĩa, quan trọng trên đảo như chào cờ, diễu binh… Trên cột mốc chủ quyền có đề quốc hiệu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phía dưới là quốc kỳ, tên đảo Trường Sa được xác định bằng kinh độ, vĩ độ cụ thể.

Ở Trường Sa còn có hai bia chủ quyền trên đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết. Đây là những địa điểm được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong đó, bia chủ quyền đảo Song Tử Tây thuộc xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà còn khá nguyên vẹn, gồm phần tháp và thân bia.

Hai bia chủ quyền này đã được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 3/11/2011. Ngày 13/6/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định số 1825/QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết là di tích lịch sử Quốc gia. Đây là lời khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam và là bằng chứng có giá trị trong việc chứng minh chủ quyền của đất nước ta với thế giới.

Cạnh đó là phiến đá hình cánh buồm được đặt trang trọng trên một gò đất. Mặt phiến đá khắc quốc huy và bài thơ nổi tiếng của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Trong lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước, bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt cùng với “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945 là những bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc ta.

Giữa biển khơi, âm hưởng hào hùng của những vần thơ quen thuộc: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” (bản dịch bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt) hiển hiện ngay trước mắt khiến người đọc thổn thức, tự hào.

Những vần thơ của nghìn năm trước đã làm bạt vía kinh hồn quân giặc ở sông Như Nguyệt, nay xuất hiện giữa muôn trùng khơi khiến chúng tôi, những người trẻ tuổi càng thấy trách nhiệm và tình yêu đất nước. Không chỉ khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc mà bài thơ còn khơi dậy tinh thần chiến đấu anh dũng của chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió.

Vang vọng lời thề giữ đảo

Trước khi tỏa đi thăm, giao lưu, trò chuyện với quân và dân trên đảo, chúng tôi xếp hàng ngay ngắn theo lệnh người chỉ huy trên đường băng để tham dự lễ chào cờ, duyệt đội ngũ của quân dân đảo Trường Sa. Giữa cái nắng như đổ lửa, toàn dân và quân trên đảo đứng ngay ngắn chung mắt ngước về lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió và lời quốc ca vang lên thiêng liêng, hào hùng.

'Tổ quốc nhìn từ biển…': Trái tim đất nước giữa biển khơi ảnh 2

Bia đá tại Trường Sa khắc Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

Sau lời quốc ca đanh thép vang vọng giữa trùng khơi, Chỉ huy đảo Trường Sa lớn, Thượng tá Phạm Thế Nhương lệnh cho Trung úy Hoàng Văn Kiên tiến ra khỏi hàng, lên vị trí đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân. Trung úy Kiên dáng người thanh thoát, rắn rỏi tiến lên dõng dạc: “Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội - Xin thề…”. Từng tiếng “Xin thề” vang lên xúc động giữa không gian trang nghiêm. Tiếng gió, tiếng sóng dồn dập xô vào ghềnh đá như cộng thêm âm hưởng hào hùng, thiêng liêng…

Trong chuyến hải trình của mình, chúng tôi còn thấy ở tất cả các đảo của Trường Sa còn có một lời thề được đóng khung treo ở các vị trí trang trọng. Trên đó ghi: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta; bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta” - trích diễn văn của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Một cán bộ hải quân kể với tôi rằng, đầu tháng 5/1988, giữa lúc “nước sôi, lửa bỏng” Cụm đảo Sinh Tồn (Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn) thuộc quần đảo Trường Sa bị kẻ thù tấn công, tàn sát 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh (giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó) đã ra đảo “thị sát” và kịp thời động viên cán bộ chiến sĩ Trường Sa tiếp tục giữ vững ý chí chiến đấu, sẵn sàng hi sinh quên mình bảo vệ chủ quyền. Tại đây, Đại tướng đã dự Lễ kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/1988) do Quân chủng Hải quân tổ chức. Và lời thề đó có trong bài phát biểu của Đại tướng, được cán bộ chiến sỹ quần đảo Trường Sa luôn khắc sâu và ghi nhớ.

Có mặt nơi đảo tiền tiêu những ngày tháng Tư này, chứng kiến những người lính “áo vằn cánh sóng” lãng mạn, kiêu hùng vẫn ngày đêm miệt mài huấn luyện trên thao trường nắng lửa mới thấy sứ mệnh thiêng liêng, lời thề danh dự không bao giờ bị xao lãng.

(Còn nữa)

Tin liên quan