Thêm vững tin và tự hào
Khởi hành từ quân cảng Cam Ranh, mất 36 tiếng đồng hồ vượt sóng, tàu Trường Sa 571 (Hải đội 411, Lữ đoàn tàu vận tải, đổ bộ 955 thuộc Vùng 4 Hải quân) đưa các đại biểu trong đoàn công tác số 4 tới gần điểm đến đầu tiên là đảo Sinh Tồn Đông. Sau một đêm neo đậu, sáng sớm hôm sau, những chiếc xuồng CQ (viết tắt của cụm từ chủ quyền) được hạ xuống từ tàu 571 và xuồng CQ của đảo cắm cờ đỏ sao vàng lập tức cơ động đưa đón đoàn vào thăm đảo…
Đại biểu kiều bào Mỹ nhờ bộ đội Hải quân đóng dấu kỷ niệm lên lá cờ Tổ quốc tại quần đảo Trường Sa. ẢNH: NGUYỄN MINH |
Tại cầu cảng các đảo Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Tây B, Trường Sa lớn và nhà giàn DK1/16 Phúc Tần - 5 điểm đến trong hành trình, những hàng quân chỉnh tề, nghiêm ngắn chào đón các đại biểu trong không khí thân tình giữa đất liền và đảo xa bằng những cái bắt tay nồng ấm cùng những lời thăm hỏi khiến không gian các đảo và nhà giàn rộn vang tiếng nói cười. Trên những khuôn mặt sạm đen nắng gió của cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo, nhà giàn và trong ánh mắt của những người lần đầu tới thăm Trường Sa, chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc khó tả.
Là một trong hai đại biểu kiều bào trẻ nhất, Lê Thị Mỹ Liên (SN 1993) sang Mỹ học ngành truyền thông, quảng cáo từ năm 18 tuổi. Hiện chị là thành viên Ban điều phối Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Mỹ và là đồng Chủ tịch Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại tiểu bang California. Lần đầu tiên tới Trường Sa, Mỹ Liên chia sẻ, trước chuyến đi chị đã rất hồi hộp và có một chút lo lắng về sóng gió nhưng cảm xúc tự hào và xúc động đã khiến chị quên đi cảm giác mệt mỏi và sôi nổi tham gia tất cả những hoạt động của đoàn trên chặng hải trình đặc biệt này.
Theo Mỹ Liên, lượng thông tin về chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam cùng công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo được tuyên truyền khá hiệu quả trong cộng đồng người Việt ở Mỹ từ nhiều năm qua thông qua các tổ chức của Việt Nam. Trong đó, những hoạt động của Hội Thanh niên - Sinh viên là một kênh hữu hiệu để mọi người chia sẻ thông tin cho nhau một cách chi tiết hơn. Tuy nhiên, chuyến đi này chính là trải nghiệm thực tế có ý nhất với Mỹ Liên và những kiều bào xa quê hương cùng tham gia hành trình.
“Trò chuyện với những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đảo chìm, tôi thực sự cảm phục khi biết rằng mỗi khi có bão lớn, sóng đánh cao hơn đầu người, các khung cửa kính trên đảo bị hư hại nghiêm trọng. Có những tháng biển động mạnh, người lính Hải quân vẫn phải duy trì vị trí gác, mặc cho gió bão hoành hành. Hình ảnh nụ cười trong trẻo của họ khiến chúng tôi - những người con xa xứ, thêm phần vững tin và tự hào về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mình”, Mỹ Liên nói.
Nguyện góp sức cho quê hương
Đại biểu kiều bào dâng hương tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân hy sinh ngày 14/3/1988 khi bảo vệ đảo Gạc Ma. ẢNH: NGUYỄN MINH |
Ngày thứ 3 trong hải trình, tại khu vực cụm đảo Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin (Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trong ngày bi tráng 14/3/1988), Lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ tấc đảo, sải biển chủ quyền trong chiến dịch CQ-1988 khiến mọi người thổn thức về lòng tự tôn dân tộc và nghiêng mình trước sự quả cảm của những người lính quên thân mình vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Dưới cái nắng chói chang giữa biển trời bao la, tất cả mọi người trong đoàn công tác số 4 xúc động cúi mình tưởng niệm và kính cẩn dâng hương trước anh linh các liệt sĩ trong tiếng nấc nghẹn của rất nhiều đại biểu.
Đôi mắt đỏ hoe khi thả cánh hạc giấy và bông hoa cúc vàng tri ân xuống biển khơi từ boong tàu Trường Sa 571, anh Vũ Trọng Thư - kiều bào tại Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vịn chặt lan can tàu trầm ngâm rất lâu dõi theo vòng hoa tưởng niệm nghi ngút khói hương đang bồng bềnh trên mặt nước Biển Đông. Hồi lâu sau, anh nói với chúng tôi: “Tôi ước ao tới được Trường Sa từ nhiều năm trước nhưng chưa có cơ duyên. Sau khi nhận được thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại UAE về chương trình kiều bào đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 năm nay mà tôi là đại biểu kiều bào đầu tiên ở UAE có vinh dự này, tôi rất xúc động và cảm thấy đây là cơ hội để tôi có thể làm được điều gì đó cho Tổ quốc mình. Tôi hầu như không rơi nước mắt nhưng lễ tưởng niệm hôm nay đã khiến tôi khóc vì tinh thần quả cảm, bất khuất của những người đi trước”.
Giành danh hiệu Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011 khi là Trưởng phòng Nghiên cứu không gian của Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, Vũ Trọng Thư sang làm việc tại UAE được hơn 7 năm và hiện là kỹ sư nghiên cứu kỹ thuật hàng không vũ trụ tại một trường đại học tại thành phố Abu Dhabi, thủ đô của UAE. Với những kiến thức siêu việt về công nghệ, trong chuyến đi này, Vũ Trọng Thư nhận thấy công sức bỏ ra để có thể duy trì được sự hiện diện xác đáng của Việt Nam trên các điểm đảo ở Trường Sa là vô cùng lớn. Anh chia sẻ: “Để làm được việc đó đòi hỏi nhiều nguồn lực bao gồm cả về kinh tế. Kinh tế phải vững mạnh để có nguồn lực cho quốc phòng. Những người trẻ thông qua việc học tập, làm việc, khởi nghiệp kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển và qua đó góp phần tăng cường năng lực quân sự”.
Theo Vũ Trọng Thư, qua trao đổi với nhiều kiều bào cùng tham gia đoàn công tác số 4 cũng làm về nghiên cứu khoa học tại nhiều nước như Nhật Bản, Mỹ, Cộng hòa Séc... họ đều nhận thấy kiều bào ta ở nước ngoài có rất nhiều người chuyên môn giỏi trong lĩnh vực công nghệ cao. Do đó, anh mong muốn có cơ chế tốt để có thể kết hợp được tri thức của người Việt đang sinh sống, làm việc ở nhiều nước trên thế giới nhằm giúp cho quê hương có thêm tiềm lực về công nghệ quân sự và dân sự ở Trường Sa.
Giai đoạn 2012-2022, bà con kiều bào đã đóng góp ủng hộ đóng một số xuồng CQ, xây dựng một số công trình tại các điểm đảo, mua hiện vật và nhu yếu phẩm gửi tặng các điểm đảo, nhà giàn DK1 (tổng trị giá khoảng 26,8 tỉ đồng). Trong hành trình lần thứ 10 hướng về Trường Sa, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào tại nhiều địa bàn đã và đang tiếp tục đóng góp nguồn kinh phí quan trọng để hỗ trợ chương trình “Xanh hóa Trường Sa” do Bộ tư lệnh Hải quân phát động và trao quà tặng là những hiện vật thiết yếu hỗ trợ quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
“Chắc chắn sau chuyến đi, bà con kiều bào sẽ còn tiếp tục liên lạc với nhau để xây dựng thêm những kênh liên lạc hướng về Tổ quốc. Đã đến lúc phải hành động, tôi tin rằng chúng tôi sẽ hướng được đến đích là đóng góp cho công cuộc xây dựng, giữ gìn chủ quyền biển đảo. Cá nhân tôi cũng sẽ lan tỏa điều này trong cộng đồng hơn 5.000 kiều bào Việt Nam tại UAE. Đồng bào trong nước và đặc biệt là những người lính Trường Sa hãy vững tin rằng, dù cách xa Tổ quốc, kiều bào vẫn luôn ủng hộ các anh”, anh Thư nói.
(Còn nữa)