10 năm kiều bào ra Trường Sa: Hành trình của trái tim

TP - Năm 2023, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức chuyến đi thăm quân và dân Trường Sa cho kiều bào từ khắp nơi trên thế giới lần thứ 10. Con số 10 tròn trĩnh nhưng là một chặng đường gian nan mà chỉ người trong cuộc mới biết phải nỗ lực rất nhiều mới có thể thực hiện được.

Năm 2010, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Ủy ban), Bộ Ngoại giao đã tổ chức đoàn đại biểu đầu tiên đi thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa nhưng chưa có đại biểu kiều bào. Chuyến đi Trường Sa năm 2011 vẫn chưa thể có đại biểu kiều bào vì rất nhiều lý do phức tạp. Lúc đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban đã đấu tranh rất quyết liệt để kiều bào được ra thăm Trường Sa. Năm 2012, đoàn kiều bào đầu tiên đã được đặt chân tới Trường Sa thân yêu. Từ đó đến nay (trừ 2020-2021 chương trình gián đoạn do dịch bệnh COVID-19), đã có 10 đoàn với tổng số trên 500 lượt kiều bào đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

10 năm kiều bào ra Trường Sa: Hành trình của trái tim ảnh 1

Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc cùng các đại biểu kiều bào trong chuyến thăm Trường Sa từ ngày 18-23/4/2023.

Sức lan tỏa sau mỗi chuyến đi rất mạnh mẽ, nhất là đối với kiều bào, bởi lẽ họ sẽ kể chuyện thật, việc thật, những gì tận mắt chứng kiến khi được ra thăm quần đảo Trường Sa. Chuyến đi năm 2014 đặc biệt hơn cả khi Ủy ban mời một số người từng chống đối nhà nước Việt Nam ra thăm Trường Sa. Ở California, ai cũng biết Đức “đầu bạc” hay Nguyễn Ngọc Lập, người đã từng làm việc cho chế độ Việt Nam cộng hòa. Đức có những hành động chống đối nhà nước Việt Nam. Thế nhưng, sau chuyến đi thăm Trường Sa, luận điệu tuyên truyền bịa tạc trong cộng đồng người Việt tại Mỹ như “Việt Nam bán đất, bán đảo”… không còn nữa. Đại diện một số tờ báo của người Việt tại Mỹ như Phố Bolsa TV, Việt Weekly… cũng được mời thăm Trường Sa. Sau khi trở về, các báo này có nhiều bài viết về Trường Sa đầy sức thuyết phục trong cộng đồng người Việt tại Mỹ…

Tôi thấy lòng mình nao nao, thấy tim mình nhói đau rồi bừng lên cùng các anh, cùng những linh hồn đồng bào mình vẫy tay tạm biệt. Lời nguyện cầu của tôi, của hơn 300 người đang có mặt gửi lời cám ơn, biết ơn và đa tạ các anh linh của người nằm xuống cho quê hương, cho Tổ quốc hưng thịnh và trường tồn. Vòng hoa, cánh hoa, những con hạc xanh, hạc vàng cung nghinh, tiễn đưa các anh về miền xa thẳm, về nơi cực lạc”.

Nguyễn Hoài Bắc

Hình ảnh ấn tượng và xúc động nhất trong tôi là chuyến thăm Trường Sa năm 2018. Trước khi rời đảo Trường Sa Lớn về đất liền, kiều bào trên con tàu KN 491 ra đứng hết ở thành tàu, vẫy tay chào các chiến sỹ trên đảo và hô vang: “ Kiều bào yêu Trường Sa”. Trong xúc động nghẹn ngào, các chiến sỹ vẫy tay đáp lại và đồng thanh: “Trường Sa yêu kiều bào”. Một cuộc chia tay đầy cảm xúc của những người con từ khắp nơi trên thế giới khi về với biển đảo quê hương. Sau chuyến đi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lương Thanh Nghị thành lập chương trình “Hành trình từ trái tim” với nhiều hoạt động quyên góp kiều bào ủng hộ quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Người vẽ hàng trăm bức ký họa Trường Sa

10 năm kiều bào ra Trường Sa: Hành trình của trái tim ảnh 2

Lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ hy sinh vì biển đảo quê hương tại đảo Len Đa.

Vừa cập cảnh Cam Ranh ngày 23/4 vừa qua, anh Etcetera Nguyễn Trường, kiều bào Mỹ, đã gọi điện báo cho tôi rằng đoàn đã về tới đất liền sau 6 ngày đi thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa.

Công việc báo chí khiến anh Trường là người may mắn nhất khi được tham dự 6 chuyến đi Trường Sa. Anh là người có mặt trong chuyến đi thăm Trường Sa đầu tiên của đoàn kiều bào và “Lần thứ 10 kiều bào về Trường Sa” này. Những phóng sự nóng hổi của anh về các hoạt động của đoàn kiều bào ra Trường Sa đưa đều đặn trên kênh Việt Nam Today, kênh truyền hình trên Youtube được nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đón xem.

Ngoài công việc của một nhà báo, anh Trường còn là một họa sỹ. Trong các chuyến đi Trường Sa, anh thường tranh thủ thời gian vẽ các bức ký họa phong cảnh biển đảo và chân dung người lính. Khi vẽ xong, anh tặng ngay bức ký họa cho các anh lính trẻ và ai cũng thích thú. Điều anh Trường vui nhất là trong lúc vẽ, anh được nghe người lính kể rất nhiều câu chuyện cảm động và hiểu thêm về sự gian nan, vất vả của những người lính nơi đảo xa.

Tôi hỏi: “Anh đi nhiều như vậy thì cảm xúc mỗi lần đi như thế nào?”. Anh Trường cho biết, lần nào cũng hồi hộp và háo hức chờ mong được gặp gỡ những người lính đảo. Những người dân trên đảo đều nhận ra và chào mỗi lần anh đến. Lần nào anh cũng mang quà cho các cháu nhỏ ở đây và mua đồ lưu niệm xinh xắn họ làm từ những con ốc biển.

10 năm kiều bào ra Trường Sa: Hành trình của trái tim ảnh 3

Anh Etcetera Nguyễn Trường có rất nhiều ký họa tại Trường Sa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh Trường sẽ viết một cuốn sách về Trường Sa, trong đó những ký họa anh vẽ ở Trường Sa sẽ được dùng để minh họa cho cuốn sách. Sau chuyến đi này, anh sẽ lên Mù Cang Chải vẽ bức tranh minh họa Trường Sa dài 16m, rộng 6m và dựng cột mốc Trường Sa ở một trường tiểu học. Anh Trường hiện đã định cư tại Yên Bái và đã xây dựng ngôi nhà của mình là “Trường Sa studio” với cột mốc đảo Trường Sa trong vườn nhà và các kỷ vật Trường Sa mà anh mang về từ những chuyến đi. Anh hy vọng sẽ tạo được phong trào dựng cột mốc Trường Sa ngay tại nhà mình để luôn được gần gũi với biển đảo quê hương. Các kiều bào tham gia chuyến đi vừa rồi rất thích thú với cột mốc Trường Sa tại nhà anh Trường và họ cũng mong muốn làm như vậy khi trở về nước.

Doanh nhân Việt kiều lần đầu tới Trường Sa

Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc (kiều bào Canada) lần đầu tới Trường Sa. Anh chia sẻ: “Đây là chuyến đi đầy ý nghĩa. Những người lính đảo rất chân thành và tình cảm. Ra Trường Sa, chúng tôi mới thấm hiểu được sự hy sinh cao cả của người lính. Những gì tôi tận mắt chứng kiến khác nhiều so với những thông tin trên mạng xã hội”.

Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sỹ hy sinh tại quần đảo Trường Sa vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc tại đảo Len Đao đã khiến anh xúc động. Giữa biển khơi sóng chập chờn, nhưng hễ có sóng Internet, anh lập tức chia sẻ trên trang Facebook của mình. Anh viết: “Hồn chúng tôi lặng một nốt trầm buồn khi tàu đi qua đảo Gạc Ma, đảo quê hương đã ghi dấu bao anh hùng ngã xuống, máu các anh còn thắm mãi biển xanh. Tàu vẫn đi và những giọt nước mắt còn lưu lại, sưởi ấm linh hồn các chiến sỹ nằm mãi nơi đây. Tổ quốc gọi tên anh, chúng tôi nhớ tên anh, nhớ ngày ấy mười bốn tháng ba…”

Tin liên quan