Nhân lên nhiều suất cơm ấm nóng
Mặc dù bận rộn với kế hoạch học tập để chuẩn bị tốt nghiệp nhưng Lê Thị Linh Hương (SN 2001, sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) vẫn chăm chút cho một fanpage (trang thông tin) có tên “Cơm 5.000 Hà Nội” với gần 20 nghìn lượt theo dõi. Hương đảm nhận vai trò làm trưởng ban truyền thông của tổ chức từ thiện “Cơm 5.000 Hà Nội” (đã hoạt động hơn 10 năm nay).
Thành viên CLB Sinh viên Tự nguyện, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội tích cực tham gia hoạt động cộng đồng. |
Khác với những bạn tình nguyện viên hậu cần đi sâu vào đời sống của các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội, Hương nhận nhiệm vụ chính là ngồi ở nhà để tạo ra và phát triển những “con số ảo” nhưng đem lại giá trị thật. Những năm gần đây, số lượng người sử dụng mạng xã hội để theo dõi hoạt động từ thiện đã tăng cao, vì vậy, việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông của nhóm luôn được ưu tiên. Nhóm của Hương chủ trương đăng tải thông tin đề cao tính nhân văn và những giá trị đem lại cho cộng đồng, góp phần quyết định đến hành vi của công chúng tham gia vào hoạt động tình nguyện.
Để đáp ứng “điều kiện cần” trên, Linh Hương lên kế hoạch cho từng tuần và số lượng bài theo ngày để “đặt hàng” từ các bạn tình nguyện viên. Mỗi bài viết được đăng trên trang thông tin phải đáp ứng 3 tiêu chí: sự minh bạch, không dàn xếp, có tính lan tỏa. Do không học chuyên ngành về truyền thông nên khi đảm nhiệm vai trò này, Hương phải tự học, tự đọc và theo dõi các trang thông tin khác để có định hướng phù hợp khi viết bài kêu gọi trên mạng xã hội.
Hương cho rằng, cái khó của việc tạo ra và phát triển những con số ảo là làm sao để công chúng tin và luôn sẵn sàng đồng hành với “Cơm 5.000 Hà Nội” trong các dự án hướng đến người lao động, sinh viên nghèo. Rút kinh nghiệm từ những vụ lùm xùm làm từ thiện của giới nghệ sĩ năm trước, Hương cùng đội ngũ truyền thông đã sao kê đầy đủ số tiền nhận, thu, chi hằng tháng và ghim trên fanpage để các nhà hảo tâm tiện theo dõi, phản hồi.
Đến nay, fanpage “Cơm 5.000 Hà Nội” trở thành cầu nối, nhân lên nhiều suất cơm ấm nóng khi có đến 80% nhà hảo tâm ủng hộ thông qua trang thông tin này. Có nhiều nhà hảo tâm ủng hộ theo từng tháng hoặc từng tuần hay tự gửi rau, gạo đến cho câu lạc bộ.
Theo các bạn trẻ, tình nguyện theo kiểu “số hóa” thời nay đã đem lại nhiều lợi ích, giúp tăng tính kết nối và lan tỏa rộng rãi nhưng cũng gắn liền với nhiệm vụ “chuẩn hóa” hoạt động sao kê, minh bạch tài chính để lòng tin của các nhà hảo tâm được đặt đúng chỗ.
“Những giá trị thật từ “con số ảo” đã được thể hiện qua gần 75 nghìn suất cơm phục vụ các đối tượng thụ hưởng mà CLB hướng đến. Các dự án vẫn hoạt động như “Cơm Chủ nhật” hằng tuần phục vụ 150 suất cho bệnh nhân, người lao động khó khăn tại các bệnh viện như Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn…”, Hương cho biết.
Tăng hiệu quả hoạt động tình nguyện
Fanpage của CLB Sinh viên Tự nguyện (sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) có gần 10 nghìn lượt người theo dõi. Nhiệm vụ chính của trang thông tin này là cung cấp, chia sẻ những thông tin về hoàn cảnh khó khăn trên khắp các tỉnh thành và những đối tượng sinh viên cần sự giúp đỡ trong quá trình học đại học.
Bạn Trần Thị Hồng Thư (SN 2003), Chủ nhiệm CLB Sinh viên Tự nguyện, cho biết, nhờ tuyên truyền trên mạng xã hội, các nhà tài trợ đã quan tâm đến CLB nhiều hơn. Qua đó có thể rút ngắn thời gian tìm kiếm các nhà tài trợ hay các hoạt động gây quỹ nhỏ trong CLB. Hoạt động truyền thông cũng giúp các đơn vị tổ chức khác biết đến CLB nhiều hơn, làm tăng cơ hội hợp tác cùng tổ chức chương trình, tăng thêm ý tưởng, tiết kiệm được nguồn nhân lực cho CLB.
“Các tình nguyện viên có cơ hội biết thêm về các kỹ năng số như khả năng tìm kiếm các địa điểm tình nguyện phù hợp, chia sẻ những hình ảnh thiện nguyện đến với cộng đồng nhiều hơn. Hay sáng tạo thêm các phương thức mới như gây quỹ online, gửi hồ sơ tài trợ đến các nhà tài trợ… thông qua công nghệ thông tin và truyền thông”, Thư nói thêm.