Tin mới vụ kỷ luật tiến sỹ “bôi nhọ” trường trên Facebook

Tiến sỹ Doãn Minh Đăng
Tiến sỹ Doãn Minh Đăng
TP - Tiến sỹ Doãn Minh Đăng, nguyên Phó Trưởng khoa Điện-Điện tử-Viễn thông của Trường ĐH Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ, có nguy cơ bị buộc thôi việc sau khi “bôi nhọ” trường trên Facebook.

Mấy ngày cuối tháng 11, diễn ra các cuộc họp ở Trường ĐH Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ để buộc thôi việc Tiến sỹ Đăng, tuy nhiên chưa có kết quả cuối cùng. Tiến sỹ Đăng du học Hà Lan về nước cuối năm 2012 và đầu năm 2013, làm Phó Trưởng khoa Điện-Điện tử-Viễn thông của Trường ĐH Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ khi trường này được thành lập từ Trung tâm ĐH Tại chức. Tuy nhiên, ông phải điều hành công việc hàng ngày, vì Trưởng khoa Trần Hoàng Lĩnh đang ở Trường ĐH Bách khoa TPHCM.

Giữa tháng 3/2015, ông bỏ tiền túi đi dự một cuộc hội thảo khoa học ở Hà Nội, chỉ báo cáo với trưởng khoa. Đầu tháng 4, ông bị tạm ngừng chức Phó trưởng khoa, ngày 18/8 được phục hồi chức vụ nhưng ngày 12/10, lại bị cách chức và ngày 4/11, bị chuyển sang phòng đào tạo. Ngày 19/11, ông đưa sự việc lên mạng, và Hiệu trưởng Dương Thái Công đánh giá là “bôi nhọ nhà trường”.

Thật đáng tiếc!

Để khách quan, PV Tiền Phong liên hệ một số nhà khoa học có biết Tiến sỹ Đăng và quan tâm sự việc. Bà Trần Thị Ngọc Lan, Tiến sỹ Hóa học, giảng viên chính của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) từ năm 1979 đến nay (từ 2010 là giảng viên hợp đồng). Bà mở doanh nghiệp khoa học công nghệ (Cty TNHH Sinh Hóa Môi trường Bình Lan- ENBC Binh Lan) chuyên nghiên cứu, cung cấp các giải pháp sinh hóa trong nhiều lĩnh vực và có sử dụng sản phẩm của Tiến sỹ Đăng.

Tiến sỹ Lan cẩn thận viết ý kiến, nguyên văn: “Tôi quen Đăng thật tình cờ, trong một triển lãm khoa học công nghệ do Sở KH&CN Cần Thơ tổ chức. Thật lòng mà nói, ai đến thăm hội chợ này đã là người rất quan tâm đến khoa học công nghệ rồi. Đến giờ tôi vẫn thầm cảm ơn cái ngày tôi gặp Đăng, vì tôi nhìn thấy ở em một người có tâm huyết khoa học, luôn nghĩ đến làm gì đó giúp cho nhà nông một nắng hai sương ở miền Tây quê hương Đăng. Đăng muốn đưa ra sản phẩm công nghệ giúp người nuôi tôm quản lý chất lượng nước và có thể tự mình làm nhật ký nuôi tôm online, chứng thực quá trình nuôi tôm sạch để có thể xuất khẩu tôm giá cao.

Tin mới vụ kỷ luật tiến sỹ “bôi nhọ” trường trên Facebook ảnh 1

Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan

Với sự hướng dẫn của tôi, Đăng đã làm ra hai máy đo quang để đo amôniac và nitrit, các khí độc rất hại cho tôm. Tất cả chi phí đều do Đăng bỏ ra. Hai máy quang đó thành công ngoài sức tưởng tượng. Chúng tôi đã triển lãm sản phẩm này ở Hội chợ Quốc tế Analytica Vietnam và mong rằng một ngày nào đó sẽ bán được sản phẩm trí tuệ của mình cho ai muốn đầu tư sản xuất máy đó.

Hiện Đăng cũng đang nghiên cứu ra loại máy đo độ muối và TDS dựa trên công nghệ rất hiện đại. Nhiều lần tôi gợi ý Đăng lên TPHCM làm việc. Rất nhiều trường muốn nhận một người tài và tâm huyết như vậy. Nhưng Đăng bảo em phải trả nợ quê hương trước đã. Tôi rất tiếc là Đăng đã không có cơ hội để phát huy tài năng và tâm huyết của mình ngay trên quê hương em.

Cần phải làm rõ là Đăng đi học thạc sĩ bằng tiền ngân sách, nhưng học tiến sĩ bằng học bổng tự xin của nước ngoài. Thật đáng tiếc. Ngân sách cũng như người nước ngoài chẳng bao giờ bỏ tiền để đào tạo nhân viên văn phòng của phòng đào tạo đâu”.

“Đúng quy trình”

Hiệu trưởng Dương Thái Công khẳng định, quá trình xử lý Tiến sỹ Đăng “đúng quy trình”. Ông nói: “Tôi và ban giám hiệu thống nhất sẽ có một cuộc họp báo để làm rõ vấn đề sau khi xin phép UBND thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT&TT. Không phải mâu thuẫn gì mà là các vấn đề của anh Đăng trong công tác quản lý cán bộ”.

Mấy năm Tiến sỹ Đăng công tác ở trường, Hiệu trưởng Công đánh giá “anh ấy là một cán bộ nhiệt tình, có năng lực khi cùng xây dựng khoa, trường luôn đảm bảo kế hoạch”. Tiến sỹ Đăng được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Điện- Điện tử- Viễn thông kiêm trưởng bộ môn tự Động hóa, vì còn trẻ và thiếu kinh nghiệm “nên chúng tôi nhờ Trường ĐH Bách khoa TPHCM chi viện Trưởng khoa Trần Hoàng Lĩnh”.

Mẹ của Tiến sỹ Đăng nguyên là Phó Giám đốc Trung tâm ĐH Tại chức, tiền thân Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, nên “quan tâm bồi dưỡng” quy hoạch Tiến sỹ Đăng làm phó hiệu trưởng... Nhưng cuối năm 2014, Tiến sỹ Đăng làm đơn ra khỏi quy hoạch và đầu năm 2015, ra khỏi Đảng (kết nạp lúc du học Hà Lan).

Theo ông Công, vụ việc căng thẳng từ tháng 3/2015, Tiến sỹ Đăng đi dự hội nghị nhiều ngày ở Hà Nội nhưng không báo cáo trường. Trở về, trường yêu cầu báo cáo sự vắng mặt, Tiến sỹ Đăng đã gửi biên bản cuộc họp nhà trường có yêu cầu ấy cho nơi tổ chức hội thảo ngoài Hà Nội. Ông Công đánh giá: “Chúng tôi thấy đây là vấn đề nghiêm trọng nên ngưng chức phó khoa, đề phòng anh Đăng có hành vi gây tổn hại uy tín nhà trường. Ban giám hiệu thống nhất vì nội dung họp nội bộ trường không phải là thứ tùy tiện phổ biến”.

Tin mới vụ kỷ luật tiến sỹ “bôi nhọ” trường trên Facebook ảnh 2 Hiệu trưởng Dương Thái Công

Sau đó, Tiến sỹ Đăng còn có đơn tố cáo Hiệu trưởng Công về vấn đề tài chính và công tác quản lý, gửi UBND thành phố Cần Thơ. Hiệu trưởng Công nói: “Anh Đăng bóp méo sự thật vì đoàn thanh tra đến xác minh và anh Đăng đã rút đơn tố cáo. Các vấn đề về thu chi tài chính, các quyết định về nhân sự và khen thưởng được niêm yết công khai”. Việc đưa toàn bộ thông tin sự việc của Tiến sỹ Đăng lên mạng ngày 19/11, Hiệu trưởng Công cho rằng “bôi nhọ nhà trường, không thể chấp nhận”.

Hiệu trưởng Công nhấn mạnh: “Lãnh đạo trường và cá nhân tôi không mâu thuẫn gì với anh Đăng và mong muốn sử dụng anh Đăng. Tôi lấy làm tiếc khi anh Đăng rời bỏ những cơ hội lớn của mình. Nhưng tôi nghĩ dù ai có tài đến đâu cũng nên khiêm tốn thay vì thể hiện cái tôi quá lớn. Anh ấy có vấn đề về tâm lý. Chúng tôi đã thảo luận, Phòng Tài chính hỗ trợ anh Đăng có thể đi khám sức khỏe và chữa trị nếu
có bệnh”.

“Đập tư duy trì trệ”?

Liên lạc với PV Tiền Phong, Tiến sỹ Đăng đề nghị: không tô hồng cá nhân ông mà hướng vào việc phân tích môi trường làm khoa học trong nước có những cơ hội và thách thức ra sao. Ông nhấn mạnh: “Viết về thách thức và cơ hội của việc làm khoa học ở Việt Nam thì sẽ có tác dụng mở mang thêm cho người đọc”.

Tiến sỹ Đăng giải thích lý do đưa sự việc lên mạng: “Để làm rõ việc một nhà khoa học bị chèn ép gây khó khăn trong hoạt động khoa học như thế nào. Chuyện cá nhân nhưng mục tiêu của tôi lớn hơn: cần đập tư duy trì trệ cũ kỹ, để đỡ khó khăn hơn cho lớp trẻ đi sau. Tôi cũng không phải là người đi đầu, tinh thần đó tôi được nhận từ những vị giáo sư có tâm với đất nước và với giới trẻ”.

TS Đăng hy vọng sau nỗ lực của ông, các cán bộ khoa học khác trong trường sẽ được đối xử công bằng hơn. 

Năm 2006, ông Doãn Minh Đăng là một trong số cán bộ đầu tiên được thành phố Cần Thơ đưa du học đào tạo thạc sỹ theo chương trình Mekong 1000, bằng ngân sách nhà nước. Sau đó, ông kiếm được học bổng làm tiến sĩ.

* Tiến sỹ Trần Đình Quốc làm nghiên cứu khoa học cùng lĩnh vực và quen biết Tiến sỹ Đăng ở Hà Lan, nay là Giáo sư Trường ĐH North Carolina (Mỹ), cho biết: Đăng là người trực tính, cực kỳ tốt bụng, hào phóng và rất ham học hỏi.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.