Các thợ lặn này gồm anh rể và người em vợ đã phát hiện ra kho vàng khi đi nghỉ cùng gia đình ở Xàbia, một thị trấn du lịch ven biển Địa Trung Hải. Hai anh em đã thuê thiết bị lặn có ống thở để họ có thể tự do bơi lội và nhặt rác để làm đẹp khu vực, nhưng bất ngờ họ đã nhận thấy ánh sáng lấp lánh của một đồng xu dưới đáy Vịnh Portitxol.
Sau khi lau sạch đồng xu, Lens Pardo thấy rằng nó có hình ảnh cổ xưa, giống như một khuôn mặt của người Hy Lạp hoặc La Mã. Bị hấp dẫn bởi phát hiện này, Lens Pardo và Gimeno Alcalá đã quay trở lại và khai quật được tám đồng xu nữa.
Kinh ngạc trước phát hiện này, Lens Pardo và Gimeno Alcalá đã báo cáo với nhà chức trách. Ngay sau đó, một nhóm các nhà khảo cổ học từ Đại học Alicante, Bảo tàng Khảo cổ học và Dân tộc học Soler Blasco và Lữ đoàn Vệ binh đặc biệt dưới nước của Tây Ban Nha, phối hợp với Hội đồng Thị trấn Xàbia, đã cùng nhau khai quật và kiểm tra kho báu.
Với sự giúp đỡ của các nhà khảo cổ, họ đã tìm thấy hố chứa ít nhất 53 đồng tiền vàng có niên đại từ năm 364 đến năm 408 sau Công nguyên, thời kỳ Đế chế Tây La Mã đang suy tàn. Mỗi đồng xu nặng khoảng 4,5 gram.
Các đồng xu được bảo quản rất tốt, các nhà khảo cổ học có thể dễ dàng đọc được chữ khắc của chúng và xác định các hoàng đế La Mã được khắc trên đó.
James Molina Vidal, giáo sư lịch sử cổ đại tại Đại học Alicante, cho biết, những đồng tiền này cũng là một kho tàng thông tin và có thể làm sáng tỏ giai đoạn cuối cùng của Đế chế La Mã ở phương Tây trước khi sụp đổ.
Có lẽ những đồng tiền này đã được giấu đi một cách có chủ đích trong các cuộc tranh giành quyền lực diễn ra sau đó trong thời kỳ cuối cùng của Đế chế La Mã phương Tây.
Các nhà khảo cổ học không tìm thấy bằng chứng về một con tàu bị chìm gần đó, có thể ai đó đã cố tình chôn kho báu ở đó, có thể là để giấu nó khỏi những kẻ man rợ, có thể là người Alans.
Sau khi được nghiên cứu đầy đủ, các đồng tiền vàng này sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học và Khảo cổ học Blasco ở Xàbia, Tây Ban Nha.