Tác phẩm của Phan Khôi

Tìm lại, không, “trục vớt” mới đúng

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân (trái) kể về hành trình “trục vớt” tác phẩm Phan Khôi. Ảnh: Trung Dũng.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân (trái) kể về hành trình “trục vớt” tác phẩm Phan Khôi. Ảnh: Trung Dũng.
TP - Tên tuổi, sự nghiệp của tác gia Phan Khôi đang dần được khôi phục sau thời gian dài bị lãng quên. Ngoài xuất bản trước tác của ông là các tọa đàm và hội thảo khoa học.

Trong tọa đàm “Hành trình tìm lại giá trị của tác gia Phan Khôi” ngày 6/1, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân kể mọi chuyện bắt nguồn từ chuyến đi Quảng Nam cùng nhà phê bình Vương Trí Nhàn năm 1995. Hai người họ tình cờ hỏi anh em văn nghệ bản địa đã in lại bao nhiêu tác phẩm của Phan Khôi - người mang tính cách Quảng Nam tiêu biểu. Câu trả lời “Hai cuốn Chương Dân thi thoại Việt ngữ nghiên cứu” khiến ông Ân suy nghĩ rất nhiều. Bởi từng đó là quá ít với sự nghiệp đồ sộ của một cây bút vào loại khỏe nhất, thành công nhất trong làng báo, làng văn Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.

Tự đặt câu hỏi “cái sự nghiệp đồ sộ ấy đang nằm ở đâu?”, về tới Hà Nội, ông Ân bắt tay tìm kiếm. Ông nhanh chóng gom được tất cả bài báo của Phan Khôi ký tên Chương Dân đăng trên Nam Phong tạp chí năm 1918, rồi tắc.

May mắn cho nhà nghiên cứu, cũng may cho nền văn học Việt Nam, đến từ một người bạn Mỹ yêu Việt Nam. Nhà Việt Nam học Peter Zinoman đã “trả công” cung cấp tư liệu về nhà văn Vũ Trọng Phụng bằng cách mời ông Ân sang Mỹ.

“Trường hợp Phan Khôi cho thấy khoảng trống văn học không phải do thiếu tư liệu mà không ai chịu làm tư liệu, làm công việc “phủi bụi thời gian trên những trang bản thảo”. Phan Khôi trở lại với đời, được trả lại giá trị nhờ công lớn của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân”. 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Chuyến xuất ngoại ấy tạo ra bước ngoặt trong quá trình tìm kiếm trước tác Phan Khôi. “Toàn bộ tác phẩm của ông đều ở trên mặt báo”, ông Ân chắc chắn điều đó nên ngồi lỳ hai chục ngày trong thư viện Đại học California tìm hiểu tư liệu trên giấy và cả trên mớ ảnh phim dương bản (chụp lại tài liệu sách báo Việt Nam thời kỳ Phan Khôi) mua từ bên Pháp.

Quả nhiên ông Ân “vồ” được ký giả C.D viết mục “Nam Âm thi thoại” của Đông Pháp thời báo 1928. “Chương Dân” từng nắm mục này ở Nam Phong. Vậy C.D không phải Phan Khôi thì là ai? Từ đó, ông phăng ra cái mạch kéo dài tới Thần Chung rồi Tạp chí Tân văn... lúc mà Phan Khôi ký đúng tên mình.

Miệt mài từ năm 2000 tới giờ, Lại Nguyên Ân đã sưu tầm, xuất bản 5 tập sách dày dặn tác phẩm Phan Khôi. “Chắc chỉ còn ít bài báo nữa cần tìm nốt. Cũng không thể tránh khỏi việc một số tác phẩm biến mất hẳn” - ông Ân nói - “Tính chất công việc nghiên cứu là vậy, đã lôi tác giả thì phải lôi đến cùng”.

GS.PTS La Khắc Hòa trong tọa đàm đánh giá cao công trình của Lại Nguyên Ân, gọi ông là một Thanh Lãng (cố GS, tác giả cuốn 13 năm tranh luận văn học) đồng thời đưa ra yêu cầu “Với nguồn tư liệu trong tay, ông Ân nên đánh giá về các lựa chọn mang tính quyết định trong cuộc đời Phan Khôi cái nào đúng, cái nào sai”. Theo ông Hòa thì khẳng định “ngôn ngữ là phi giai cấp” của Phan Khôi sai.

Điều này dấy lên tranh luận khá căng khi lần lượt PGS. TS Nguyễn Thế Nam và dịch giả sống ở Hungary Nguyễn Hồng Nhung đứng ra phản biện. Thấy các lý lẽ không thể giải quyết rốt ráo trong chỉ một buổi, nhà phê bình kiêm MC Phạm Xuân Nguyên kết bằng câu: “Đấy. Chỉ với một ý kiến thôi, Phan Khôi đã khiến chúng ta phải tranh luận mệt rồi”.

MỚI - NÓNG