Tiết kiệm hơn 2.035 tỉ đồng nhờ đàm phán thành công 64 thuốc biệt dược gốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 22/2, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) cho biết Hội đồng đàm phán giá thuốc Bộ Y tế đã đàm phán thành công 3 thuốc còn lại trong gói thuốc biệt dược gốc mời thầu.

Đây là thuốc Navelbine - hàm lượng 10mg - dạng tiêm, 20mg và 30mg là thuốc viên. “Đây là thuốc điều trị ung thư. Kết quả đàm phán giá 3 thuốc này giảm được khoảng hơn 5%, tiết kiệm được khoảng 40 tỉ đồng”, ông Dũng thông tin.

Trước đó đã đàm phán thành công 61 thuốc. Ước tính giá của tổng 61 thuốc này giảm được khoảng 14,8%, tương đương với tổng gói thầu giảm được hơn 1.995 tỉ đồng.

Như vậy với việc đàm phán thành công 3 thuốc điều trị ung thư đã tiết kiệm được hơn 2.035 tỉ đồng.

Trao đổi với báo chí ông Dũng cho biết thêm, Bộ Y tế sẽ tiến hành đàm phán giá khoảng 100 thuốc khác. Danh mục đàm phán giá chia thành các nhóm: biệt dược gốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch, biệt dược gốc chống nhiễm khuẩn, biệt dược gốc điều trị tim mạch, biệt dược gốc chứa Insulin và điều trị tiểu đường, biệt dược gốc tác dụng trên đường hô hấp, biệt dược gốc tác dụng đối với máu. “Đây là những thuốc có nhu cầu lớn tại các cơ sở y tế công lập và có giá trị sử dụng trên 100 tỉ đồng/năm”, Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia nói.

Trước đó, Bộ Y tế thừa nhận có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia giai đoạn 2022-2023, giá trị gần 9.000 tỉ đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên từng nêu nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu thuốc trong thời gian dài vừa qua do nhiều nguyên nhân bao gồm cả chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan gồm:

Thứ nhất, tác động tiêu cực của dịch COVID-19, làm đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và vật tư y tế trên toàn cầu;

Thứ hai, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, số lượng người đi khám, điều trị gia tăng nhanh so với thời gian trước, ảnh hưởng đến việc xác định nhu cầu và triển khai kế hoạch mua sắm của các cơ sở y tế;

Thứ ba, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế có nhiều đặc thù riêng như với số lượng thuốc lớn.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Y tế có thể khẳng định, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, đó là: tâm lí lo ngại, sợ sai, không dám mua sắm của một số địa phương, đơn vị; việc đấu thầu tập trung tại cả Trung ương và địa phương triển khai chậm, chưa kịp thời; gia hạn giấy phép lưu hành các loại thuốc chậm; hệ thống văn bản hướng dẫn hiện hành tản mát, chồng chéo, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.

MỚI - NÓNG