Tiếp bài 'nhận diện chiêu trục lợi đất vàng': Bắt dân gánh lợi ích nhóm?

Dự án chung cư, nhà ở thấp tầng số 53 Triều Khúc, được xây dựng trên đất xây nhà máy của Cty TNHH Liên doanh Ô tô Hòa Bình, vẫn nợ hơn 145,2 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Dự án chung cư, nhà ở thấp tầng số 53 Triều Khúc, được xây dựng trên đất xây nhà máy của Cty TNHH Liên doanh Ô tô Hòa Bình, vẫn nợ hơn 145,2 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Nhiều dự án chuyển đổi đất đai của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong quá trình cổ phần hóa sang xây dựng cao ốc, nhà ở dù đã bán hết vẫn chưa thực hiện đủ nghĩa vụ với ngân sách. Có công ty thoát lỗ nhờ chuyển đổi đất đai sang xây cao ốc để bán. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng có phản hồi chính thức về đề xuất liên quan tới hơn 60 dự án chuyển đổi đất đai.

Thoát lỗ nhờ chuyển đổi đất

Dù ngành nghề kinh doanh chính không liên quan tới bất động sản, nhưng nhờ ngự ở các vị trí đất đẹp trong nội đô, không ít DNNN sau cổ phần hóa thoát lỗ nhờ chuyển mục đích sử dụng đất từ xây dựng nhà máy sang làm nhà cửa. Cty CP Khóa Minh Khai (thuộc Tổng Cty Cơ khí xây dựng - COMA, Bộ Xây dựng) là ví dụ. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, công ty này có vốn điều lệ 6,6 tỷ đồng, được cổ phần hóa năm 2016, trong đó Tổng Cty COMA nắm giữ 67,47% vốn điều lệ.

Dù ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất khóa, nhưng suốt giai đoạn 2008-2014, Cty Khóa Minh Khai liên tục gặp khó khăn, thua lỗ. Phải tới năm 2015, công ty này mới có lãi và không còn lỗ lũy kế. Đồng thời, vốn chủ sở hữu tại công ty này đến hết năm 2016 tăng lên trên 28,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phần lãi này không tới từ hoạt động sản xuất, kinh doanh khóa, chủ yếu từ lợi nhuận được tạm phân chia của Dự án Khu nhà ở Skylight (số 125D Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Dự án cao ốc này được xây dựng trên phần đất chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất để xây nhà máy khóa Minh Khai trước đây sang làm cao ốc. Dự án này hợp tác kinh doanh giữa Cty CP Khóa Minh Khai và Tổng Cty COMA. Dự kiến, lợi nhuận thu được của Cty Khóa Minh Khai sẽ còn tăng khi dự án này được quyết toán xong và được chia thêm.

Trong khi đó, nhiều dự án bất động sản nhờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong danh sách 62 dự án Bộ Tài chính điểm tên dù đã xây nhà bán cho khách hàng, nhưng vẫn còn nợ tiền ngân sách nhà nước. Tổng số tiền nợ hơn 718 tỷ đồng, chưa kể việc định giá đất thấp hơn giá thị trường.

Dự án chung cư, nhà ở thấp tầng số 53 Triều Khúc, được xây dựng trên đất của Cty TNHH Liên doanh Ô tô Hòa Bình. Dự án này có tổng số 104 lô nhà vườn, đã bàn giao cho khách hàng từ cuối năm 2016, với giá bán ban đầu của chủ đầu tư khoảng 60-70 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi chuyển đổi đất, giá đất chỉ được định ở mức hơn 35 triệu đồng/m2 và chủ đầu tư vẫn còn nợ ngân sách nhà nước hơn 145,2 tỷ đồng tiền đất.

Hay Dự án nhà thấp tầng số 36 ngõ 61 Lạc Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội), do Cty CP Thủy sản Khu vực I làm chủ đầu tư. Dù đã bán và bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng chủ đầu tư dự án này vẫn còn nợ ngân sách nhà nước nửa số tiền sử dụng đất, với hơn 67,3 tỷ đồng (mới nộp 67,3 tỷ đồng). Còn dự án của Cty CP Vận tải Muối tại phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội), chỉ được định giá đất 18,5 triệu
đồng/m2, tới nay vẫn nợ ngân sách nhà nước hơn 124,8 tỷ đồng (mới nộp được hơn 18 tỷ đồng)…

Nhiều người giàu nhờ… cơ hội

Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cho biết, đây là lần đầu tiên danh sách các dự án có nghi vấn về chuyển đổi đất đai qua cổ phần hóa được công bố, đề nghị thanh tra. Theo ông Long, việc làm này rất cần thiết, qua đó xem lại các lỗ hổng do cơ chế chính sách của quá trình cổ phần hóa DNNN để khắc phục. Trong các loại tài sản của DNNN (gồm thương hiệu, máy móc thiết bị và bất động sản), đa số các DN có thương hiệu giá trị không lớn, máy móc cũng lạc hậu nên trị giá không cao, chỉ có đất đai có giá. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, trị giá đất được loại khỏi trị giá DN, nếu có tính vào cũng chỉ bằng 20-30% giá đất trên thị trường.

Để tránh thất thu ngân sách từ chuyển đổi đất đai trong quá trình cổ phần hóa DN, ông Long đề nghị cần thực hiện nghiêm quy định về định giá, đấu giá đất. Đồng thời, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức nhà nước làm chưa đúng quy định. Ngoài ra, cũng phải xây dựng quy định tính trị giá đất đai vào trị giá DN trước khi cổ phần hóa.

Ngày 17/5, tại Hội nghị Thủ tướng với DN, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM tỏ ra đồng tình với đề xuất thanh tra những dự án chuyển đổi đất tại các DN cổ phần hóa của Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc rà soát 62 dự án chuyển đổi đất đai tại các DNNN và DN cổ phần hóa thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng. Sau đó, Bộ Tài chính đã có báo cáo và kiến nghị đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2017 của Thanh tra Chính phủ, với các dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích, có dấu hiệu sai phạm pháp luật đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất chưa sát với giá thị trường, làm thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, bộ cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh thành tạm thời đình chỉ thi công các dự án chưa thực hiện đúng quy định. “Đây là những dự án có sai phạm, chưa đủ thủ tục mới dừng”, ông Dũng nói.

Ngày 17/5, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo văn bản của Thủ tướng, về việc tạm dừng việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định 09/2007 của Thủ tướng.

MỚI - NÓNG