Tiến sĩ trẻ “1 đô” và cô gái “ung thư”

TP - Vượt lên hoạt động cộng đồng thông thường, những sáng tạo, cống hiến không mệt mỏi của 2 đề cử Gương mặt trẻ tiêu biểu 2014 Nguyễn Bá Hải và Nguyễn Thủy Tiên đã ghi dấu ấn với những số phận đặc biệt.

Tiến sĩ trẻ 1 đô

Hoàn thành khóa học 3 năm chỉ với thời gian 2 năm nỗ lực, Nguyễn Bá Hải (SN 1984) lấy được 3 bằng sáng chế, luận văn 100 điểm. Được giữ lại Hàn Quốc làm việc với mức lương 5.000 USD nhưng anh từ chối. Quyết định về nước mở lớp dạy học chỉ với 1 USD, với hàng loạt sáng chế và hoạt động vì cộng đồng, Hải được vinh danh là Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM 2012. Hiện anh là Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng giáo viên và đào tạo nhân lực cao ĐH Sư phạm Kĩ thuật TPHCM.

Tiến sĩ trẻ “1 đô” và cô gái “ung thư” ảnh 1

TS Nguyễn Bá Hải hướng dẫn cách sử dụng kính điện tử giúp tránh vật cản cho học sinh khiếm thị. Ảnh: Xuân Tùng.

Nguyễn Bá Hải (quê Thanh Hóa) nhớ lại thuở bé, mỗi khi xe tải chạy ngang qua là anh lại cùng lũ trẻ đuổi theo cho đến cuối làng. Tốt nghiệp phổ thông, Hải chọn ngành cơ khí động lực (ĐH SP Kỹ thuật TPHCM). Anh giành được học bổng thạc sĩ tại Hàn Quốc chuyên ngành robot sinh học, nhận bằng Tiến sĩ trước thời hạn ở tuổi 28 với bằng khen và giải thưởng đề tài Tiến sĩ tốt nhất của trường trong khóa tốt nghiệp.

Hải mở khóa học 1 USD - người học chỉ đóng phí tượng trưng để tránh tình trạng đăng ký tràn lan. Số tiền đó để học khóa học ngắn hạn LabWIEW - ngôn ngữ lập trình trực quan, sáng tạo kỹ thuật dành cho bất cứ ai mê kỹ thuật đều có thể đăng ký học vào mỗi dịp cuối tuần. Đến nay khóa học 1 USD của tiến sĩ trẻ đã mở được ở 6 tỉnh thành, thu hút gần 10.000 người, từ học sinh, sinh viên cho đến những người già theo học.

“Khi doanh nghiệp sản xuất, giá sẽ cao nên không phải người khiếm thị nào cũng mua được. Vì thế, sẽ ít có cơ hội giúp đỡ người khiếm thị khó khăn”. 

Anh Hải

Từ những khóa học 1 đô, học viên của Hải sáng tạo ra nhiều mô hình như xe năng lượng mặt trời cỡ nhỏ, thiết bị báo trộm, thiết bị tự bật đèn trong nhà. “Khi thấy càng ngày càng ít bạn trẻ chọn ngành kĩ thuật mà chọn kinh doanh, thương mại, ngân hàng, nên mình muốn truyền lửa đam mê kỹ thuật cho nhiều bạn trẻ, bằng khả năng trong tầm tay, mình mở lớp học 1 USD này”, Bá Hải chia sẻ.

TS Hải dành khoảng 40 triệu đồng để mua trang thiết bị mở lớp. Mỗi lớp học của khóa học mở ra anh lại mất 2-3 triệu đồng. Tất cả đều từ thu nhập cá nhân của Hải. Ngoài giờ làm, chàng tiến sĩ trẻ còn đi dạy, tư vấn kĩ thuật ngoài giờ cho các doanh nghiệp rồi tiết kiệm chi tiêu cho bản thân ở mức tối đa để đủ tài chính duy trì khóa học. Hải bày tỏ: “Sắp tới mình còn mở rộng khóa học hơn vì có những đồng nghiệp góp sức. Có những lúc bận rộn lắm nhưng mình vẫn cố gắng thời gian đứng lớp chứ không muốn ai đứng lớp”.

Tiến sĩ Bá Hải giúp đỡ cho cộng đồng bằng chính những sáng chế của mình. Từ sản phẩm đầu tiên năm 2007, đến nay anh đã có 5 phát minh được cấp giấy chứng nhận. Trong đó có sản phầm thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị mang tên Mắt thần. Đeo kính mắt thần, người khiếm thị sẽ cảm nhận và tránh được các vật cản để di chuyển dễ dàng hơn. Qua 8 lần thí nghiệm, Mắt thần mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho người khiếm thị với giá bán hơn 10 triệu đồng. Đã có nhiều doanh nghiệp muốn mua toàn bộ dữ liệu và chuyển giao sáng chế quyền sản xuất Mắt thần với giá hàng tỷ đồng nhưng anh không bán.

TS Hải cùng mạnh thường quân chung tay sản xuất Mắt thần và đem tặng sản phẩm cho người mù. Đến nay, anh Hải đã tặng hàng trăm chiếc Mắt thần cho những người không may mắn. Chỉ tính riêng năm 2012, anh Hải và cộng sự dành hơn 1 tỷ đồng cho công tác từ thiện. Bên cạnh đó, anh cũng còn những hoạt động tình nguyện khác như cùng UBND xã Đông Lĩnh lập quỹ Vì cộng đồng xã Đông Lĩnh, một xã nghèo của tỉnh Thanh Hóa để giúp đỡ những trẻ em nghèo trong xã được đến trường.

Sống vì cộng đồng là trên hết, Bá Hải tâm niệm: “Lúc nào cũng sáng tạo để mỗi phút giây trôi qua là thấy cuộc sống ý nghĩa”.

Tiến sĩ trẻ “1 đô” và cô gái “ung thư” ảnh 2

Nguyễn Thủy Tiên.

Cô gái lăn xả với bệnh nhân ung thư

Tốt nghiệp khoa Luật (ĐH Đà Lạt), Nguyễn Thủy Tiên (SN 1988) làm trợ lý giám đốc của một khách sạn Pháp. Khi chị gái Tiên bị ung thư vú, cả gia đình cô chao đảo, Tiên bỏ tất cả ra Hà Nội chăm sóc chị. Những ngày cùng chị gái chiến đấu lại căn bệnh quái ác, Tiên không khỏi hoang mang khi cả gia đình cô thiếu thông tin và phải vất vả tìm hiểu từng giai đoạn chữa trị. Từ việc tìm kiếm thông tin giúp chị và những bệnh nhân khác cùng cảnh ngộ, Tiên nhận ra chưa có tổ chức nào đứng ra hỗ trợ bệnh nhân ung thư vú. Bằng sự nỗ lực của 2 chị em, chị gái Tiên là Thương Sobey, giảng viên khoa Báo chí, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Ths ngành Quản lý Truyền thông tại ĐH Công nghệ Sydney (Australia) đã sáng lập và điều hành dự án “Mạng lưới ung thư vú ở Việt Nam”.

Nhờ các mối quan hệ bạn bè, sức mạnh của cộng đồng mạng, chị em Nguyễn Thủy Tiên tổ chức sự kiện “Ngày chiếc nơ hồng” cho bệnh nhân ung thư vú vào tháng 10 hằng năm, lần đầu tiên vào năm 2013 thu hút hàng nghìn người tham gia.

Hai chiến dịch lớn nhất thu hút nhiều người nổi tiếng tham gia như “Vượt qua nỗi sợ hãi” (2013) và  “Mạnh hơn sợ hãi” (2014) với nhiều hoạt động như: hội thảo, đạp xe diễu hành, hội chợ gây quỹ, các hoạt động xây dựng các câu chuyện của bệnh nhân ung thư vú qua các bức ảnh (photo voice), kể chuyện bằng video (video story) và ghi lại các chia sẻ của người bệnh, người thân của họ (chia sẻ chỉ bằng giọng kể) khiến cả xã hội quan tâm.

Từ vị trí bệnh nhân, chị gái của Tiên được Hội đồng Ung thư của Úc tại bang News South Wales tuyên dương là trưởng nhóm xuất sắc trong chiến dịch gây quỹ phòng chống và nghiên cứu ung thư Daffodil Day và Pink Ribbon Day năm 2010; Gương mặt trẻ Tiêu biểu Thủ đô 2012, Gương mặt Phụ nữ Thủ đô Tiêu biểu 2013. Với những cống hiến, đồng hành thầm lặng, mới đây, Thủy Tiên được trao Giải thưởng tình nguyện Quốc gia 2014.

Tổ chức Mạng lưới ung thư vú Việt Nam do chị em Tiên sáng lập trở thành thành viên Tổ chức kiểm soát ung thư thế giới với nhiều hoạt động thiện nguyện giúp đỡ bệnh nhân ung thư như: Cho mượn miễn phí tóc giả trong thời gian hóa trị;  tặng miễn phí hàng chục bộ vú giả cho những người phẫu thuật đoản một hoặc hai bên, để chạy thử nghiệm (Các sản phẩm này được một Cty sản xuất vú giả ở Úc hỗ trợ thiết kế và tài trợ). Và hàng ngàn người trẻ được cung cấp miễn phí, cung cấp các thông tin về ung thư vú miễn phí thông qua các hoạt động của chương trình…

Tiến sĩ trẻ “1 đô” và cô gái “ung thư” ảnh 3
MỚI - NÓNG