Tiêm dịch vụ vắc-xin covid - 19:

Tiêm dịch vụ vắc-xin ngừa COVID-19: Nhu cầu rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
Công dân Pháp phấn khởi được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ở TPHCM. Ảnh: FV
Công dân Pháp phấn khởi được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ở TPHCM. Ảnh: FV
TP - Trong khi nguồn vắc-xin hạn hẹp, độ phủ vắc-xin miễn phí từ Chính phủ còn thấp, việc các doanh nghiệp, bệnh viện tư nhân được “cởi trói" để đàm phán nhập vắc-xin về tiêm dịch vụ (trả phí) cho người dân là cần thiết, nhiều người nhận định.

Nhu cầu lớn

Con số hơn 40 nghìn người đăng ký tiêm vắc-xin trả phí tại Bệnh viện Hạnh Phúc An Giang chỉ trong 5 ngày thông báo nơi đây nhận tiêm cho thấy nhu cầu người dân mong muốn được tiêm vắc-xin dịch vụ là rất lớn.

Trước đó, ngày 10/7, bệnh viện này làm việc với một công ty dược tại TPHCM, và được hứa sẽ cung cứng khoảng 10 nghìn liều vắc-xin AstraZeneca nên bệnh viện đăng thông báo để người dân lên web đăng ký. Theo giám đốc Bệnh viện Hạnh Phúc, đến ngày 15/7 đã có khoảng 40 nghìn khách hàng đăng ký tiêm vắc-xin và chấp nhận trả phí 1,5 triệu đồng/liều.

Tại TPHCM, nhu cầu cần tiêm vắc- xin COVID-19 dịch vụ còn cao rất nhiều lần, khi đến nay dù thành phố được Chính phủ ưu tiên nhưng cũng mới chỉ hơn 2 triệu người được tiêm. Để tạo miễn dịch cộng đồng với 70-80% người dân từ 18 tuổi trở lên, tương đương hơn 7 triệu người được tiêm, thành phố cần lượng lớn vắc-xin với khoảng 4-5 triệu liều nữa.

Hơn 2 tháng nay, nhân viên trực tổng đài của Bệnh viện FV ở TPHCM luôn nhận hàng nghìn cuộc gọi với nội dung “lúc nào thì bệnh viện sẽ tiêm vắc-xin dịch vụ?”.

“Chúng tôi nhận rất nhiều câu hỏi như vậy nhưng chỉ biết trả lời đến nay vẫn chưa được Chính phủ cho tiêm vắc-xin dịch vụ”, nhân viên bệnh viện này chia sẻ. Tại hệ thống Trung tâm tiểm chủng VNVC, đến nay đã có cả triệu người đăng ký để chờ đến thời điểm Nhà nước cho tiêm dịch vụ.

“Họ đăng ký từ trước khi vắc-xin COVID-19 về Việt Nam vào cuối tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, vắc-xin về Việt Nam vẫn được tiêm theo đối tượng ưu tiên, do vậy VNVC chưa thể triển khai tiêm dịch vụ vắc-xin này”, nhân viên nơi đây nói.

Không chỉ người dân đang có nhu cầu, nhiều tập đoàn, hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ ở khu vực phía Nam đều mong muốn được nhanh chóng tiêm vắc-xin cho nhân viên. Gần tháng nay, bà L.T.H, giám đốc nhân sự của một tập đoàn bảo hiểm ở TPHCM, liên lạc với nhiều nơi để tiêm vắc-xin cho nhân viên và thân nhân nhưng chỉ nhận được lời hứa “sẽ sắp xếp”. Chờ đợi quá lâu vẫn chưa đến lượt được tiêm vắc-xin miễn phí, bà H. cho biết sẽ chờ đến lúc tiêm vắc-xin dịch vụ.

“Tập đoàn có 700 nhân viên cộng với khoảng 2.000 thân nhân. Chúng tôi rất mong họ được tiêm sớm, và công ty đã sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để tiêm dịch vụ”, bà H nói. Còn ông Lý Chung, Tổng Giám đốc Công ty May mặc V.N ở Bình Dương, nói rằng, doanh nghiệp ông ở khối sản xuất với hàng nghìn lao động nên rất mong muốn được tiêm vắc-xin sớm.

“Nếu tiêm vắc-xin sớm, công nhân vẫn sẽ đảm bảo làm việc bình thường và các đơn hàng không bị đứt gãy. Trong bối cảnh vắc- xin miễn phí chưa đáp ứng, nếu có vắc-xin tiêm trả phí, chúng tôi sẵn sàng”, ông Chung nói.

Đề xuất táo bạo

Trong lúc nguồn vắc-xin COVID-19 đang khan hiếm trên thị trường toàn cầu, Bệnh viện FV, TPHCM cho biết đã tìm được nguồn vắc-xin Pfizer và đề xuất được nhập về để tiêm dịch vụ cho người dân. Đề xuất của bệnh viện đang nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo thành phố và Bộ Y tế, nhưng vẫn chưa có quyết định chính thức về các phương án liên quan.

Trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM, Sở Y tế và lãnh đạo các bệnh viện tư nhân về công tác phòng chống dịch tối 1/8, Bệnh viện FV có những đề xuất liên quan vắc-xin COVID-19.

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Giám đốc điều hành Bệnh viện FV, cho biết: “Trên tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vắc-xin phòng chống COVID-19, thông qua các mối quan hệ ngoại giao, Bệnh viện FV đã có nguồn mua vắc-xin. Bệnh viện đề xuất được chủ động đàm phán, mua và nhập vắc-xin bằng nguồn tài chính của bệnh viện”.

Phía bệnh viện cho rằng, sự tham gia của bệnh viện nói riêng và hệ thống các bệnh viện tư nhân nói chung và việc tìm kiếm nguồn hàng, nhập vắc-xin về nước phục vụ người dân sẽ giúp Việt Nam có thêm nguồn vắc-xin lớn.

Khi nguồn hàng được nhập về, người dân có thể tự nguyện tham gia vào chiến dịch tiêm vắc-xin bằng khả năng tài chính của mình. Đây là giải pháp vừa đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, vừa góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Trước khi đưa ra đề xuất trên, Bệnh viện FV đã trang bị hệ thống kho lạnh được Viện Pasteur TPHCM kiểm định và chứng nhận đủ điều kiện lưu trữ cùng một lúc 800.000 liều vắc-xin AstraZeneca, 200.000 liều Moderna và 600.000 liều Pfizer. Bệnh viện có hơn 100 điều dưỡng đã được cấp chứng chỉ tiêm vắc-xin.

Cơ quan quản lý nói gì?

Phản hồi các báo cáo và kiến nghị của FV, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đánh giá cao việc Bệnh viện FV chủ động đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng chống dịch cũng như việc chủ động đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực chuyên môn để thực hiện điều trị COVID-19 và tiêm vắc-xin...

“Bộ sẽ xem xét các kiến nghị và sớm có chỉ đạo chính thức để Bệnh viện FV tham gia vào nhiệm vụ tiêm chủng đang vô cùng cấp bách”, ông Khuê nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 3/8, BS CKII Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, nói: “Chính phủ đang khuyến khích các doanh nghiệp đồng hành, tìm kiếm tiếp cận các nguồn để có thêm nhiều vắc-xin, tăng khả năng cung cấp cho người dân.

Chúng tôi rất trân trọng đề xuất này nhưng chưa biết các phương án của các bệnh viện liệu có khả thi hay không bởi trên thực tế các hãng cung cấp vắc-xin từ AstraZeneca đến Pfizer, Moderna đều yêu cầu phải làm việc ở cấp Chính phủ, cấp nhà nước và cũng chỉ ủy quyền cho một đơn vị duy nhất. Do đó, trong trường hợp Bệnh viện FV đề xuất nhập vắc-xin, cần có thủ tục, lộ trình cụ thể”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, cá nhân ông đã ký rất nhiều văn bản để hỗ trợ các đơn vị có nhu cầu tiếp cận nguồn mua vắc-xin về tiêm cho người dân thành phố theo đúng quy định của Chính phủ.

“Đến nay, chúng tôi đã tiếp cận khoảng 100 đầu mối, trên thực tế việc tìm mua rất khó. Thành phố có thể làm gì được để giúp Bệnh viện FV hoàn tất các thủ tục mang vắc-xin về chích cho người thì dân chúng tôi sẽ hỗ trợ hết sức”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, vừa qua thành phố giao nhiệm vụ cho Bệnh viện FV tiêm vắc-xin cho người Pháp đang sinh sống trên địa bàn, công tác tổ chức được thực hiện rất tốt, đảm bảo quy định giãn cách, an toàn.

Tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh đang diễn ra ở thành phố, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, cho biết, thành phố đã xác định tiêm vắc-xin là điều kiện quan trọng quyết định để thành phố đạt trạng thái bình thường mới.

Ngoài nguồn cung của Trung ương, thành phố đã xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng ngân sách, nguồn quỹ, nguồn tài trợ để chủ động tìm kiếm, bổ trợ cùng với các nguồn của Trung ương điều phối.

Ông Mãi nói: “UBND TPHCM đã ký cả trăm ghi nhớ về việc cung ứng vắc-xin COVID-19 nhưng đến giờ này ngoài nguồn cung ứng của Trung ương thì thành phố chưa nhận được các nguồn khác.

Sau 15 đợt cấp nhận, triển khai tiêm vắc-xin, thành phố đã nhận 4 loại vắc-xin được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép lưu hành được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng tại Việt Nam. Đến ngày 1/8 đã nhận hơn 2,5 triệu liều. Chúng tôi đang tiến hành tiêm cho cộng đồng trên nguyên tắc minh bạch”.

Bác sĩ Jean-Marcel Guillon, Tổng giám đốc Bệnh viện FV, cho biết, nơi đây đang triển khai tiêm chủng cho gần 5.000 công dân Pháp và thân nhân của họ tại các tỉnh thành phía Nam theo chương trình tiêm chủng của Chính phủ Pháp đã được Chính phủ Việt Nam thông qua. Bên cạnh đó, bệnh viện đang tham gia tích cực vào chiến dịch tiêm chủng cho người dân TPHCM theo sự kêu gọi và phân công của Sở Y tế TPHCM. Nếu phát huy hết công suất, Bệnh viện FV có thể tổ chức tiêm cho 10.000 người trong một ngày tại Bệnh viện FV và các điểm tiêm di động. “Điều này có nghĩa, nếu chúng tôi làm việc 7 ngày mỗi tuần, chúng tôi có thể thực hiện tiêm cho khoảng 250.000 người trong tháng”, ông Guillon nói.

Để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, thành phố đang huy động thêm các nguồn lực, cố gắng đẩy nhanh tiêm chủng đạt 300.000 liều mỗi ngày. Trong tháng 8/2021 nếu đảm bảo nguồn cung, thành phố sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mũi thứ nhất với 70% đến 80% dân số trên 18 tuổi. Thành phố đã báo cáo và đề nghị Trung ương để cung ứng liên tục 5,5 triệu liều cho chiến dịch trên. “Thành phố đang kiên trì làm việc với các đối tác để tăng cường thêm năng lực cung ứng vắc- xin. Có khả năng quý III, nguồn cung trên thế giới sẽ tốt hơn thông qua các kênh khác nhau, thành phố tiếp cận đa dạng để đáp ứng nhu cầu của người dân”- ông Phan Văn Mãi nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.