Tranh chấp chủ quyền ở biển Đông đã kéo dài hơn 20 năm qua. Trước khi tranh chấp được đệ trình lên Tòa Trọng tài vào năm 2013, các bên đã nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương, đa phương và giữa các nước trong khu vực. Hiệp hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương kêu gọi các bên tranh chấp tôn trọng quyết định của Tòa Trọng tài nhằm mục đích duy trì an ninh, ổn định và hòa bình trong khu vực.
Hiệp hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương cũng lưu ý rằng, hai nước Philippines và Trung Quốc có quan hệ ngoại giao tốt đẹp lâu dài trong hơn 4 thập kỷ qua và hy vọng rằng, mối quan hệ đó sẽ trở nên tốt đẹp hơn kể cả khi có phán quyết của Tòa.
Hiệp hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương kêu gọi tất cả các quốc gia sử dụng các chế tài của LHQ và/hoặc thông qua các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Các bên cần tôn trọng nhau trên tinh thần bình đẳng về chủ quyền và quyền tự quyết.
Nhân dịp này, Hiệp hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương một lần nữa nhắc lại Hiến chương LHQ rằng “Tất cả các thành viên của LHQ cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không gây tổn hại đến công lý, hoà bình và an ninh quốc tế” và “Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng những tổ chức hoặc những điều ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”.
Cuối cùng, Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương muốn nhấn mạnh, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, tất cả các cá nhân nói riêng và các quốc gia nói chung đều có sự liên hệ gắn kết mật thiết. Một bất ổn nhỏ tại khu vực cũng có thể gây ảnh hưởng lớn đến hòa bình, an ninh toàn cầu. Do vậy, để đảm bảo sự hòa hợp, cùng tồn tại và phát triển giữa con người với con người và rộng hơn là giữa các quốc gia, các tranh chấp cần phải được xử lý thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.