May mắn không thành… đại gia?
Xuân Ba: Đầu tiên, chúng ta nên hiểu như thế nào về một thương hiệu Việt?
Nguyễn Trần Bạt: Thương hiệu là một đầu tư, thương hiệu là một hệ thống giá trị có thể quy ra tiền. Thương hiệu là kết quả của việc chi phí hàng triệu đô la đối với một công ty vừa, hàng tỷ đô la đối với một công ty khổng lồ. Thương hiệu là kết quả của quá trình đầu tư. Tôi chưa nói đến đầu tư và trong việc sáng tạo ra sản phẩm, mà chỉ nói có sản phẩm rồi thì việc tổ chức hệ thống quảng cáo của nó như thế nào để nó được mở rộng vùng ảnh hưởng, để có thị trường rộng lớn thì thương hiệu là đầu tư. Thương hiệu là tiền, thương hiệu không phải là một khái niệm tinh thần thuần túy, mặc dù đôi khi nó được thể hiện với khái niệm tinh thần. Chúng ta lạm dụng quá khái niệm tinh thần, vì thế cái gì chúng ta cũng Vina, từ Vinashin đến… Vinamit, cứ tưởng tên của nó là thương hiệu, không phải thế. Thương hiệu là chất lượng, chứ không chỉ là cái tên.
Có thể gọi ra ở đây những cái tên Tập đoàn kinh tế lớn được nhà nước tin cậy. Nhưng nhà nước yêu và thị trường tin là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Thương hiệu là khái niệm của thị trường chứ không phải khái niệm của nhà nước. Vina là một dấu hiệu, dấu hiệu ấy được Nhà nước quy định đặt cho các tập đoàn của mình, và tập đoàn ấy rất có uy tín với nhà nước. Uy tín đối với nhà nước là nó có quyền vay vốn, có quyền tiếp cận tài nguyên một cách thoải mái, nó được tin cậy về mặt chính trị để được giao các công việc mà đôi khi không thể nói công khai được. Nhưng uy tín nhà nước không đồng nghĩa với uy tín thương mại, uy tín thị trường, đến mức nó chết rồi mà nhà nước vẫn hà hơi tiếp sức để cho nó sống và nếu chừng nào nhà nước không phân biệt được chuyện đấy thì nhà nước tổn thương.
Người ta lợi dụng các quan hệ quen biết để lấy đất và trở thành nhà tư bản. Họ cõng trên vai một món nợ vừa là tinh thần vừa là vật chất và vừa là đạo đức nữa. Thế thì làm sao mà tồn tại bền vững được?
Xin lỗi, ông hẳn còn nhớ khái niệm thương hiệu sơ khai là nhãn hiệu trình tòa?
Hẳn anh đang nhắc đến Công ước Paris về các đối tượng sở hữu công nghiệp. Công ước Paris đến Việt Nam rất lâu rồi, từ thời trước cách mạng Tháng Tám, chúng ta đã có nhãn hiệu trình tòa. Ngày xưa bé mọn như các cửa hàng thuốc lào Tiên Lãng ở Hà Nội đã có nhãn hiệu trình tòa. Nhưng tiếc thay rất nhiều khái niệm thương hiệu có từ thế kỷ XVIII, XIX đến bây giờ đối với chúng ta vẫn mới toe.
Mới toe? Mà sao có cái sự đứt gãy thương hiệu Việt vậy?
“Trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ” thì làm sao tồn tại được các thương hiệu. Ông nội tôi từng là giám đốc Liên hiệp mía đường khu IV trong kháng chiến. Trước đó, ông có đồn điền bên cạnh đồn điền của những người Pháp ở miền tây Xứ Nghệ. Cũng vì thế mà tôi bị gọi là con cháu địa chủ phản động. Gia đình tôi từng bị qui là địa chủ và phải trải qua cuộc cải cách ruộng đất khốc liệt. Cha tôi tốt nghiệp trường Albert Saro, nhưng vào những năm 1950-1953 nếu người ta biết bố tôi học trường ấy thì chắc bây giờ chúng tôi cũng thành ma cả rồi. Tôi như con ma Hời của người Chăm luôn muốn đi tìm lại vóc dáng, tài sản, tên tuổi và vinh dự của cha ông mình. Đến năm 1986 có đại hội Đảng VI, tôi mới thấy có cơ hội đi tìm lại những thứ đó. Quê tôi có đình làng rất đẹp nhưng trong cải cách ruộng đất thì bị phá hết. Cách đây khoảng hai chục năm, ban lãnh đạo huyện đề nghị tôi ủng hộ họ xây lại đình. Tôi ủng hộ việc xây đình làng bởi tôi nghĩ rằng dân mình mà bẵng đi thói quen văn hóa hương khói thì chưa lương thiện. Dân mà chưa lương thiện thì không thể có văn hiến, cho nên hãy làm những việc cần thiết để dân mình biết kính trọng trời đất. Tôi từng nói với anh Vương Đình Huệ rằng muốn kêu gọi đầu tư thật thì Nghệ An phải làm cho những đại trí thức quay trở về. Gia đình Từ Chi, Đổng Chi mà quay trở về khôi phục lại Đổng Chi thư quán của họ ở Vinh thì tự nhiên không khí sẽ khác hẳn. Những người ấy về thì người Nghệ mới kéo về theo.
Thế giới thay đổi thì Việt Nam bắt buộc phải thay đổi, Đảng cộng sản Việt Nam bằng chính sách đổi mới đã làm được một việc lớn là hội nhập. Không neo được vào thế giới Việt Nam sẽ trôi dạt. Khi hình thành được thương hiệu chính trị thì chắc chắn có thương hiệu thương mại.
Danh giá gia đình từng là tư sản dân tộc. Mà hình như học giả Nguyễn Trần Bạt thừa điều kiện để thành đại gia, thương nhân?
Người nghệ An có sự liều lĩnh. Sự liều lĩnh ấy làm cho người Nghệ An trở thành một trong những tộc người giàu có trong các vùng lãnh thổ của Việt Nam. Tôi được mời đến một số nơi nói chuyện. Người ta hỏi tôi thành tựu hay điều sở đắc nhất của tôi là gì? Tôi nói đó là đã may mắn không trở thành đại gia!
Ông có thể nói cụ thể hơn không?
Tôi đang nói về chủ nghĩa tư bản thân hữu. Người ta lợi dụng các quan hệ quen biết để lấy đất và trở thành nhà tư bản. Họ cõng trên vai một món nợ vừa là tinh thần vừa là vật chất và vừa là đạo đức nữa. Thế thì làm sao mà tồn tại bền vững được?
Trong 30 năm hoạt động, công ty tôi đã tham gia khoảng 1.200 dự án, tôi hoàn toàn có thể biến một trong các dự án ấy thành dự án đầu tư của chính mình. Tuy nhiên, trong một vài năm hoạt động, tôi hiểu ra rằng dính vào các dự án là lành ít dữ nhiều. Một số người thân và đồng nghiệp của tôi không hiểu điều ấy, người thất bại về kinh tế do không hiểu điều ấy một cách trực tiếp; còn người thất bại về mặt tinh thần thì do anh ta không hiểu rằng trộm cắp không đem lại bất kỳ sự bền vững nào.
Thương hiệu kia cũng có ba, bảy đường
Nước ngoài người ta gây dựng, gìn giữ được những thương hiệu như Hannel, Samsung, Panasonic, v.v… Việt Nam cần phải có những cú hích hay sự đột phá nào đó để có những thương hiệu này khác chứ?
Các khuynh hướng phát triển khác nhau của con người và các dân tộc gắn liền với phẩm hạnh bên trong, phẩm hạnh cấu trúc của nó. Tại sao tồn tại tới mấy ngàn năm rồi mà người Việt vẫn chưa có công nghiệp? Vì không có ai làm, vì tâm lý ăn sẵn. Ngay cả công nghiệp phụ trợ là công nghiệp đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn mà cũng không làm được. Bây giờ nếu như Trung Quốc làm công nghiệp chủ đạo thì chúng ta có thể làm công nghiệp phụ trợ. Chúng ta mà không làm công nghiệp phụ trợ thì sẽ có Lào làm. Không làm được công nghiệp phụ trợ thì không bao giờ các nhà công nghiệp đến Việt Nam. Các con đại bàng sẽ không đến đây vì trên thực tế Trung Quốc người ta làm sẵn tổ, họ có cả thợ và cả cửa hàng bán phụ tùng thì các doanh nghiệp nước ngoài còn cần phải chạy đi đâu nữa?
Một số đại gia chuyển sang sản xuất ôtô và smartphone. Táo bạo bởi người Việt mình chưa có truyền thống công nghiệp và không thấy sự hấp dẫn ở các sản phẩm công nghiệp của chính mình.
Chưa có thì sẽ có. Nó sẽ thành thương hiệu chứ ông Bạt? Hoặc trở thành thương hiệu với điều kiện như thế nào?
Không có điều kiện gì ghê gớm lắm đâu. Người Việt Nam sở dĩ cho đến bây giờ mới lác đác thương hiệu là vì người ta không yêu các sản phẩm của mình. Người Việt vẫn làm ra những thứ mà mặt trái và mặt phải luôn luôn khác nhau. Người Việt dường như không tin vào các phẩm chất của mình, không tin vào chất lượng sản phẩm do mình làm ra? Người ta phải yêu vẻ đẹp công nghiệp thì mới có thể nói đến công nghiệp được. Vẻ đẹp công nghiệp nào cũng công phu. Người ta phải làm sao cho đằng trước, đằng sau đều có chất lượng như nhau, đáng tin cậy như nhau.
Trong những tiêu chuẩn về môi trường, ngoài môi trường hiểu theo nghĩa tự nhiên, nó còn được hiểu theo nghĩa tinh thần. Môi trường tinh thần không yên tĩnh thì nhân cách con người rất khó hình thành một cách lành mạnh.
Ít nhiều sự đứt gãy thương hiệu ấy phải gây ra những bi kịch chứ?
Đừng mô tả các ảo tưởng của người Việt để cho người khác nhầm lẫn đấy là ảo tưởng của mình. Chuyện đứt gãy là một xu hướng được nói đến gần đây, xuất phát từ một vài người đem lịch sử vào trong kinh tế, mô tả Bạch Thái Bưởi như những hiện tượng. Ông nội ông ngoại tôi thì không bằng Bạch Thái Bưởi, nhưng chắc chắn cũng không xoàng. Ông nội tôi là người cung cấp đường ăn cho toàn bộ cuộc kháng chiến ở khu bốn, và trở thành Tổng giám đốc liên hiệp mía đường khu Bốn.
Sự đứt gãy ấy cũng không thê thảm, bởi hàng trăm năm trước chúng ta làm gì có nước. Vì không có nước nên chúng ta mới phải đi tìm nước. Nếu không có nước thì xã hội làm gì có thương hiệu. Tất cả các giá trị đều đứt gãy khi chính trị biến đổi. Trước năm 1975, chỉ có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chứ không có nước Việt Nam thống nhất. Chắc anh vẫn nhớ chúng ta từng có cuộc trao đổi mà tôi tâm đắc nhất là vấn đề về hòa hợp hòa giải, thua thắng. Nếu không có một đất nước thống nhất thì không ai dám tính đến chuyện xây dựng thương hiệu lâu dài.
Bớt đi những nông nổi
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt phải chia cho người ta thì tương lai gần và tương lai xa của khái niệm thương hiệu đi chứ?
Chúng ta vẫn chưa ý thức rõ rệt về giá trị của thương hiệu. Chúng ta thành lập công ty trước đó độ ba tháng, sau đó sắm sửa tên tuổi rồi chúng ta hợp tác với một công ty tư vấn nào đó, sau đó đưa ra một thỏa thuận là cái này mà thổi lên sàn thì hệ số là bao nhiêu. Đấy là một bữa cơm nấu ngay ở phòng bên cạnh rồi mang sang phòng khách, cái đó được gọi là cửa hàng. Không ai xem cơm nấu ở phòng ngủ bên cạnh mang sang phòng khách là tương quan cửa hàng.
Dân mà chưa lương thiện thì không thể có văn hiến, cho nên hãy làm những việc cần thiết để dân mình biết kính trọng trời đất.
Mới bắt đầu thì chúng ta buộc phải làm như thế, nhưng 10 năm trôi qua rồi nếu vẫn tiếp tục làm như thế thì chúng ta không thể có một nền thương nghiệp hiện đại được. Người ta phát hiện ra nhầm lẫn thì người ta sẽ vứt bỏ. Anh cứ ngẫm mà xem. Bắt đầu từ ảo tưởng Bạch Thái Bưởi mà tạo ra Vinashin. Tôi từng nói trong một cuộc trao đổi rằng tại sao chỉ đóng tàu chở hàng lớn ở ngoài biển mà không đóng tàu thép để đánh cá. Sau này họ đóng tàu thép đánh cá, nhưng đóng hàng rởm nên tàu không chạy được.
Để xây dựng một xã hội dân sự phát triển, thời Pháp thuộc người ta tận dụng người Pháp. Tương tự như vậy, nhiều người hiện nay đang nói những là chống Tàu và thoát Trung mà không hề biết rằng thị trường Trung Quốc là một thị trường khổng lồ mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng phải tìm cách tận dụng.
Có một câu chuyện mới xảy ra cách đây ít lâu. Sứ quán Hoa Kỳ chuẩn bị tuyên truyền cho 25 năm quan hệ hợp tác, họ đưa bản đồ có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lên Facebook. Người Việt Nam ghi nhận họ sòng phẳng, đùng cái, họ thay bản đồ ấy không có Hoàng Sa, Trường Sa và chúng ta không khoan nhượng đấu tranh để họ công nhận sự thực lịch sử ấy. Tôi vẫn cho rằng chúng ta phải phát triển trong sự im lặng. Tất cả những thứ có giá đều phải phát triển trong im lặng. Dân tộc chúng ta phải phấn đấu tự trọng, không khoe mẽ, không lèm bèm thì đến một lúc nào đấy chúng ta sẽ có giá trị trong cuộc sống.
Tôi nghĩ, khái niệm thương hiệu phải bắt đầu từ sự bền vững chính trị. Nếu chúng ta đi tìm một Việt Nam khác tức là chúng ta tìm một cuộc tranh chấp để 5-7 năm sau, thậm chí 100 năm sau chúng ta mới có lại nước Việt Nam. Chúng ta cần tránh những sự khiêu khích và lôi kéo của hai lực lượng xã hội. Lực lượng thứ nhất là lực lượng lề trái chống đối và lực lượng thứ hai là của một số sự khiêu khích có chất lượng lịch sử , nó không đem lại gì cho đất nước, nó chỉ gợi lại bằng sự hiểu biết vặt vãnh về một sự thật là ở Việt Nam chúng ta chưa có công nghiệp.
Khái niệm thương hiệu mới có ở Việt Nam, nhưng ở mức sơ khai. Tôi từng là phó chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam, chúng tôi biết rất rõ lịch sử các công ước quốc tế về vấn đề sở hữu trí tuệ. Sự phát triển của nó rất cẩn thận, từng bước một từ cuộc cách mạng công nghiệp này đến cuộc cách mạng công nghiệp khác chứ không phải đi tắt đến cách mạng 4.0.
Ông nghĩ gì về lớp thương nhân, thế hệ sau ông chẳng hạn?
Thế hệ chúng tôi không có cách gì để có thể bán khống một triệu lượng vàng được. Thế hệ chúng tôi không có ai có sức tưởng tượng là thống nhất tất cả các vàng trôi nổi ở trong một quốc gia để trở thành một loại vàng có thương hiệu duy nhất.
Nhưng xét về mặt nào đó, ví dụ như con hổ rình để vồ được một con người thì đối với loài hổ, con hổ đấy có tầm nhìn, bởi nó biết rình. Nhưng đối với một con người vì con hổ ấy khiến người ta bị chết oan thì họ không xem cái đấy là một loại tầm nhìn. Nạn nhân bây giờ nhiều hơn tội nhân.
Vẫn phải tự tin
Tóm lại, tầm nhìn ngắn hạn với thương nhân Việt là gì?
Chúng ta có một cái lợi, là hàng hóa của chúng ta mới khu trú trong thị trường Việt Nam, vì thế chúng ta hãy xây dựng uy tín trên thị trường nội địa đã. Chúng ta không xây dựng uy tín trên thị trường nội địa, chúng ta nói nhiều đến made in Vietnam nhưng không phải là hàng hóa Việt Nam, nó chỉ chế ở Việt Nam, Việt Nam là kẻ gia công. Bây giờ cũng có một số tên tuổi như Đức Giang, Legamex, Việt Tiến… nhưng những tên tuổi đó không được bảo vệ một cách nghiêm túc. Mẫu mã, chất liệu của nó đều giống những thứ mà người ta có thể làm giả, tức là tạo một cơ hội để làm giả các hàng hóa mang thương hiệu của mình, chính là một bước chuẩn bị tự sát lâu dài đối với các ngành công nghiệp hiện nay.
Để xây dựng một tên tuổi người ta mất hàng trăm năm. Tôi lấy ví dụ, tôi có một quan hệ với một hãng luật rất lớn của Mỹ ở New York là Coudert Brothers. Văn phòng đầu tiên của Coudert Brothers ở Việt Nam là tôi giúp họ xây dựng. Thế nhưng đến năm 2005 khi tôi đến Hoa Kỳ thì giới luật sư Mỹ thông báo với tôi tin buồn là hãng ấy phá sản. Hãng đó có khoảng 200 năm lịch sử thế mà cũng phá sản.
Có một khía cạnh khác của thương hiệu là việc thâu tóm thương hiệu của các đại gia với nhau? Từng có những xì xào âu lo về nạn thâu tóm thương hiệu Việt?
Thương hiệu tại sao lại có giá trị, bởi nó có thị trường của nó, có tên tuổi của nó, có hàng hóa của nó, có ngành công nghiệp của nó, đấy là giá trị thương hiệu. Chúng ta không có cái gì như thế thì tại sao lại bảo thương hiệu của chúng ta trở thành một vấn đề chiến lược, rồi nước ngoài phải thâu tóm thương hiệu Việt. Trong túi anh không có một cái nhẫn kim cương mà anh lại hô hoán lên là tôi vừa mất một cái nhẫn kim cương thì cái nhẫn kim cương ấy vừa không có trong túi anh và cũng chắc chắn không có trong túi ai.
Thế còn việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp?
Mỗi một đối tượng kinh doanh, mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị kinh doanh đều có một tên của nó và người ta gọi tên của nó như một thương hiệu. Hai khái niệm ấy rất khác nhau. Tên của một doanh nghiệp và thương hiệu của doanh nghiệp là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Thương hiệu tức là một đối tượng trong đó chứa đựng các giá trị có thể quy thành tiền. Còn tên của một doanh nghiệp là cái bắt buộc phải làm giấy khai sinh. Tất cả các đứa trẻ dù là Mít, Xoài, Kèo, Cột thì đều có tên, nhưng không có nghĩa là người ta mang tên Kèo, Cột hay Mít, Xoài đi bán lấy tiền. Đây là thôn tính, sáp nhập, hoặc thâu tóm. Thâu tóm là thâu tóm các cơ sở vật chất của các doanh nghiệp thì có thể có.
Những động từ mạnh ấy trên thương trường nghe có hơi hướng loảng xoảng gươm đao?
Không, không hẳn thế… Có rất nhiều vụ mua bán là chính đáng, là đúng đắn, là đúng pháp luật, là nghiêm túc. Chúng tôi cung cấp dịch vụ cho rất nhiều các vụ mua bán như vậy
Lần này ngồi với nhau không biết là lần thứ bao nhiêu nhưng tôi vẫn thường trực một ý nghĩ hơi bị hoang mang… Tóm lại, học giả Nguyễn Trần Bạt là người bi quan hay lạc quan?
Tôi không cả bi quan lẫn lạc quan. Tôi tự tin. Tự tin vào trữ lượng vào tiềm năng của doanh nhân Việt. Là sẽ thêm cần cù nhẫn nại, tự trọng. Và bớt đi sự không khoe mẽ, không lèm bèm. Và gì nữa, cái tôi không thích nhất ở người Việt nói chung và giới doanh nhân là sự thiếu tự tin vào những giá trị của mình. Nguồn gốc của sự thiếu tự tin về giá trị của mình là chúng ta không tự giác về sự tồn tại của các cá nhân. Mỗi một con người là một cá nhân, mỗi một con người đều có thể phấn đấu để có những giá trị của mình, thương hiệu của mình. Chúng ta không phải vay mượn ở đâu cả. Chúng ta sống được, chúng ta vui vẻ được đến bây giờ qua bao tất tả thăng trầm tức là chúng ta có quyền tự hào về năng lực tồn tại của chúng ta trong một thế giới phức tạp như thế này.
Trong chiến tranh chúng ta cùng đi với nhau. Chúng ta tin vào sự chính đáng của các hành động của mình, chúng ta tin vào mục tiêu của mình: Vì độc lập, tự do của dân tộc.
Còn bây giờ chúng ta không phải đối đầu với kẻ địch mà chúng ta đối đầu với sự thua kém của chúng ta so với người khác, và chúng ta không tự tin khi thấy mình thua kém. Chúng ta vẫn phải tự tin, mặc dù vẫn tồn tại cả tâm lý thiếu tự tin, và sự tồn tại cân đối giữa tự tin và thiếu tự tin chính là một tỷ lệ hợp lý cho sự phát triển. Còn nếu tất cả chúng ta đều cố tự tin và lúc nào cũng tự tin thì xã hội sẽ trở thành một xã hội liều mạng.
Xin cảm ơn ông.
Giới doanh gia thương nhân Việt phải tin vào mình thôi. Phải tin rằng trong con người mình có những tố chất mà đến một thời điểm nào đó hợp lý, nó sẽ xuất hiện để làm cứu cánh cho sự đúng đắn của chúng ta, tạo nên những thành tựu của chúng ta.