Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai cường quốc này có thể tiến xa tới đâu vẫn là điều cần phải bàn bạc kỹ lưỡng.
Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng mặc dù ông Tập Cận Bình và ông Putin đã thể hiện tình hữu nghị, song Điện Kremlin vẫn luôn lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với các nước Trung Á mà họ vẫn coi là sân sau của mình, và hoài nghi là nhân tố đang cản trở đáng kể khả năng hợp tác của hai nước.
Bởi những tuyên bố đôi khi không đi cùng với thực tế, và kế hoạch mà Bộ Thương mại Trung Quốc công bố trước thềm chuyến công du lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng “chỉ là để thể hiện mối quan tâm trong việc thúc đẩy quan hệ song phương”, chứ không phải là đánh dấu bước đột phá then chốt giữa Nga và Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 2/7 cho biết hai bên sẽ ký một thỏa thuận nhằm nghiên cứu tính khả thi của việc kết hợp sáng kiến “Vành đai và Con đường” với các lợi ích và hoạt động của Liên minh Kinh tế Á-Âu mà Nga hậu thuẫn. Và đây sẽ là một nội dung then chốt trong cuộc gặp thượng đỉnh song phương sắp tới.
Ngoài ra, cũng có nhiều quan điểm cho rằng Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy Sáng kiến “Vành đai và Con đường” để tái định hình các quan hệ thương mại tại châu Á và châu Âu, đổ tiền vào việc xây dựng các tuyến đường xe lửa cùng nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác tại các nước từng thuộc Liên bang Xô Viết, mà Nga xem là thuộc quỹ đạo của mình, song Nga có thể bị gạt ra ngoài lề kế hoạch đầy tham vọng này. Bởi, đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, Nga được xem là một đối tác ‘khó nhằn’.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tới hơn 20 lần kể từ khi lên nắm quyền năm 2012. Tuy nhiên, bất chấp những chuyến thăm diễn ra thường xuyên và hàng loạt thay đổi của bối cảnh địa-chính trị, mục tiêu hợp tác kinh tế sâu rộng hơn giữa hai nước dường như vẫn chưa trở thành hiện thực.
Đặc biệt, quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây không mấy tích cực, thậm chí bị xem là khá trì trệ. Mặc dù kim ngạch thương mại Nga-Trung chỉ xếp sau kim ngạch Nga-EU, với 9,6% khối lượng xuất khẩu của Nga trong năm 2016 là sang Trung Quốc, tăng so với mức 7,5% của năm 2014, nhưng Moscow lại không nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Bắc Kinh.
Trong một bài viết được trang mạng của Gulf News đăng tải, bàn về những nội dung chính trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung như căng thẳng hạt nhân Triều Tiên, hay việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, nhà nghiên cứu Andrew Hammond, hiện đang làm việc tại Trường Kinh tế London, cho rằng với “bảng thành tích” nghèo nàn trong quan hệ song phương thời gian qua, người ta không nên quá kỳ vọng vào kết quả chuyến thăm này dù hai nước đều có những tuyên bố tỏ ý muốn thúc đẩy hợp tác chiến lược trong các vấn đề từ Trung Đông cho tới châu Á-Thái Bình Dương.
Với khả năng khía cạnh kinh tế-thương mại khó có những bước đột phá quan trọng, cuộc gặp thượng đỉnh lần này giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình chủ yếu là vì mục đích chính trị trong nước.
Như vậy, mặc dù Nga-Trung có nhiều điểm tương đồng trong các vấn đề quốc tế như vấn đề hạt nhân Triều Tiên, khủng hoảng Syria và việc Mỹ triển khai Hệ thống THAAD.
Tuy nhiên, do những toan tính khác nhau đối với tình hình chính trị trong nước, mối quan hệ giữa hai cường quốc này vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn quan hệ song phương tiến xa hơn.