Cuộc gặp Putin – Tập Cận Bình: ‘Nóng’ vấn đề Triều Tiên

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). Ảnh: Sputnik News
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). Ảnh: Sputnik News
TPO - Tờ SCMP nhận định cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tập trung đề cập đến hợp tác Trung - Nga trong các vấn đề chính của khu vực và trên thế giới, bao gồm mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

Hôm nay, 3/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 2 ngày tại Nga theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cuộc gặp diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức và là lần gặp mặt thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo kể từ đầu năm 2017.

Theo Tân Hoa Xã, chuyến thăm Moscow của Chủ tịch Tập Cận Bình được coi là “sự kiện của năm”, trong đó, “hai nước láng giềng sẽ tìm cách tăng cường quan hệ song phương, góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng và ổn định toàn cầu”.

Trước đó, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Li Huilai, cho biết các hợp đồng trị giá tổng cộng 10 tỷ USD và hơn 10 thỏa thuận khác sẽ được ký kết trong chuyến thăm Nga của lãnh đạo Trung Quốc.

Mặt khác, theo nhận định của SCMP, Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin cũng sẽ đưa vấn đề mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng lên bàn nghị sự. Bởi cả Nga và Trung Quốc đều đang “đau đầu” tìm cách đối phó với các cuộc thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định: "Kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược với chính quyền Triều Tiên đã thất bại. Sự kiên nhẫn đó đã thực sự kết thúc."

Tuyên bố này của Washington khiến Bắc Kinh và Moscow lo ngại căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ vượt tầm kiểm soát, và Mỹ có thể sẽ cân nhắc nghiêm túc về một cuộc tấn công phủ đầu ở Bình Nhưỡng.

Cả Nga và Trung Quốc đều mong muốn các giải pháp nhằm giải quyết tình hình hiện tại ở Triều Tiên chỉ nên xây dựng dựa trên một số biện pháp trừng phạt từ Liên Hợp Quốc.

Điều này đòi hỏi Mỹ và Hàn Quốc ngừng tập trận chung và ngừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.

Bắc Kinh từng phản ứng gay gắt với THAAD, lo ngại rằng hệ thống này có thể đưỡ Mỹ sử dụng để theo dõi Trung Quốc. Nga cũng chia sẻ mỗi lo ngại này. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov từng khẳng định THAAD là một “yếu tố gây bất ổn”, sẽ làm suy yếu “cân bằng quân sự trong khu vực”.

Hiện tại, Liên Hợp Quốc đang áp dụng các biện pháp trừng phạt để gây áp lực buộc Triều Tiên ngừng thử tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên, không giống như Mỹ, Trung Quốc chỉ miễn cưỡng áp dụng các biện pháp này đối với đồng minh của mình để Triều Tiên không có những hành động vượt ngoài tầm kiểm soát.

Dù vậy, các quan chức Trung Quốc vẫn tin rằng Bình Nhưỡng sẽ có những bước đi khó lường, dẫn đến sự bất ổn ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc với Triều Tiên, từ đó tạo thời cơ thuận lợi cho sự bành trướng của Mỹ - điều mà cả Moscow và Bắc Kinh đều không mong muốn.

Theo Theo Tân Hoa Xã, SCMP
MỚI - NÓNG