Thương dân dân lập Đền thờ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cô cháu nhắn. Chú có về dịp Giỗ Bà không? Có hai Giỗ cữ này. Bà Ngoại và Bà Thần thành hoàng làng.

Trong thăm thẳm, hình ảnh bấy bớt mờ nhòe về những lần được bám mẹ sang quê ngoại. Sang là động thái lẵng nhẵng cuốc bộ từ làng Bồng Thượng của huyện Vĩnh Lộc rồi qua con đò Hoành sông Mã để đến làng Duyên Hy có địa danh Chợ Bản của huyện Yên Định. Chỉ non mươi cây số mà phải đò giang mất nửa ngày. Mỗi bận nhỡ đò, mẹ vẫn chép miệng ngày đàng gang nước.

Lần nào cũng vậy, đang con cón rảo bước, về đến đầu làng có ngôi chùa mà mẹ tôi gọi là đình của làng Duyên Hy thể nào mẹ cũng chầm chậm lại. Mẹ mau lẹ đặt cái nón cùng cái bị rồi sửa sang lại khăn áo. Mẹ phủ phục xuống cung kính vái. Người ngó sang tôi khẽ nhắc, vái Bà đi con… Bà là nhân vật tối linh được làng thờ. Bà đang ngự trong đình kia. Bà thiêng như nào, tôi đâu có biết!

Sau này tôi mới hay, Bà là Thần thành hoàng của Làng Duyên Hy. Lần đó theo nhà nghiên cứu Trịnh Ngữ viếng đình. Ông Trịnh Ngữ người làng tôi làm rể làng Duyên Hy đây. Ông từng có nhiều năm trong Ban quản lý Khu di tích Lam Sơn và từng là Giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa. Tôi không lạ khi ông rành rẽ thần phả của ngôi đình vì ông thạo chữ Hán lẫn Nôm.

Đã đành chuyện thờ thần thành hoàng làng nước Việt mình không cứ là nhân vật lịch sử cụ thể hoặc nhân thần hoặc vị nào đó trong thần thoại. Hoặc người đó có công tích với làng nước. Và dung dị hơn chỉ là một ông lão ăn mày… Nhưng ngự trong đình cái làng Duyên Hy quê ngoại tôi chức Thành hoàng làng lại là một phụ nữ Chăm? (1).

Thần phả Đình làng Duyên Hy chép rành rẽ. Liệt Nữ Mỹ Nương là phu nhân của vua Chiêm Thành. Chiến tranh liên miên, vua Chiêm Thành oan thác, hoàng tộc suy đồi, Bà phải tự lánh mình đổi tên là Mỵ Lê, mang theo 7 người thuộc 7 dòng họ và 2 nàng công hầu đi qua nhiều vùng đất trong quận Giao Chỉ - Cửu Chân. Đến đất Duyên Hy, thấy vùng đất tốt tươi, phong cảnh hữu tình. Hình sông thế núi quanh co, Bà cho là đất này trời sinh, bèn lệnh cho khai dân lập ấp và con cháu sinh sôi từ đấy ngày một đông.

Bà có công lớn chiêu dụng dân binh khẩn hoang, bảo vệ tài sản, mùa màng... Thuở nhà Trần gặp phiến loạn, vua Trần phải thân chinh đi đánh dẹp qua vùng đất Duyên Hy. Bà đã tâu với vua xin được điều binh. Được vua Trần chấp thuận bà đã điều binh đi dẹp loạn. Khi thắng trận trở về Bà được nhà vua ban thưởng nhiều gấm vóc và sắc phong là “Liệt Nữ”. Bà mất vào ngày 20/6 thuộc niên đại vua Trần Anh Tông (1293-1314). Khi bà mất vua Trần ban sắc phong “Cẩn tiết đoan thục liệt nữ quý Nương Thượng, Thượng, Thượng đẳng thần” rồi xuống chiếu cấp tiền của, lương thảo để dân làng tổ chức mai táng và lập đền thờ.

Năm 1998 Đền thờ Liệt Nữ Mỹ Nương được Sở VHTT Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử, văn hóa. Tỏ lòng ơn, kính, thường lệ hàng năm vào ngày 12 tháng Giêng và ngày 20 tháng 6 âm lịch, làng Duyên Hy tổ chức lễ, hội nhớ ngày sinh, ngày mất của Bà.

Làng Lon quê nội tôi cùng làng Duyên Hy quê ngoại mờ khuất dần trong lộ trình bấn bíu mưu sinh. Nhưng lại có nhiều dịp rành rẽ thêm những mờ ảo thời quá vãng. Ấy là dấu ấn sâu đậm trong diễn trình lịch sử giữa Đại Việt và Chăm pa.

Sách Thanh Hóa chư thần lục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thì Thanh Hóa có không ít các bà hoàng, thái hậu, công chúa người Chăm được phụng thờ. Ngoài đền thờ Liệt nữ Mỹ Nương ở làng Duyên Hy. Tôi cũng từng ngược lên xứ rừng miền núi huyện Cẩm Thủy để chiêm bái đền thờ Chiêm quốc Hoàng Phi tôn thần ở thôn Ngoại Sơn; đền thờ Trung Liệt hiển uy công chúa tôn thần và đền Ngốc thờ công chúa con vua Chiêm Thành ở tổng Mông Sơn.

Đền Ngốc nằm bên bờ sông Mã, soi bóng núi Cửa Hà vốn nổi tiếng là “sơn kỳ thủy tú, nhất thắng địa dã... Vượng khí trung anh, cố nghi giáp ư thiên hạ dã”, Đền nay thuộc xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, nơi sinh sống của đồng bào Mường - Việt tỉnh Thanh. Vùng này vốn có rất nhiều chim bói cá. Tiếng Mường gọi là chim Ngốc. Dân đã lấy tên loài chim bói cá- chim Ngốc để đặt tên cho ngôi đền và dòng thác hiểm trở.

Nhớ những năm tháng ở Khoa Văn ĐHTH. Các GS Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương, GS Nguyễn Lộc như chịu trách nhiệm mở thêm kiến văn về Chiêm Thành cho lũ chúng tôi. Nghe thày, có cảm giác những di tích văn hóa người Chiêm Thành ở xứ ta, phần nhiều gốc tích là văn hóa Ấn Độ mà Chiêm Thành như là người môi giới cho Đại Việt mình vậy?

Thày Nguyễn Lộc (sau này hướng dẫn luận văn tốt nghiệp) khi nghe tôi thuật lại chuyện Bà thần thành hoàng ở quê ngoại Duyên Hy. Thày cố mở mang cho tôi rằng, vùng Thanh Hóa còn có nhiều dấu tích các làng dân Chiêm Thành. Thày đưa tôi tập in ronéo bản dịch cuốn Sơn cư tạp thuật (tác giả khuyết danh cùng thời với Phạm Đình Hổ tác giả Vũ trung tùy bút) dẫn ra chuyện các trang trại ở Yên Định tiếp giáp huyện Cẩm Thủy là những nơi vua Lê Thánh Tôn an trí người Chiêm, dân những làng ấy đều là di chủng Chiêm Thành… Rồi chuyện có một họ Võ nổi tiếng ở Thanh Hóa. Tổ tiên họ ấy là người Chiêm Thành, theo vua Lê Thái Tổ ra khai quốc có công, sang ở xứ ta, đến đời Hồng Đức được phép cho con cháu khai khẩn ruộng hoang, tất cả đến 38 trang trại, ở rải rác cả vùng từ Ninh Bình vào Thanh Hóa.

Các thày dẫn ra những sách như Cương mục, Đại Việt sử ký toàn thư… những công trình nghiên cứu của học giả Trần Văn Giáp, Đổng Chi… để các trò biết nhiều việc Chiêm Thành hòa đồng với Đại Việt. Những đời Lý Thánh Tôn, trận đánh Chiêm năm Minh Đạo thứ ba (1044), lúc khải hoàn, đem về hơn 500 người, đưa vào mãi Đăng Châu (ở vùng giáp Thanh Hóa, Ninh Bình), cho đặt ra từng hương, ấp theo tên Chiêm Thành để cho dân mới khỏi động lòng tư hương. Đến đời Lê Thái Tôn, có một bọn Chiêm là Phan Ất, cả trai lẫn gái tới hơn 300 người quy phụ cho ở rải rác khắp các đạo. Năm Hồng Đức (1470-1497) đầu đời vua Lê Thánh Tôn, giữa trận cuối cùng mà nước Chiêm bị tiêu diệt, vua Chiêm và họ hàng vợ con thì cho ở ngoài cửa ô Bảo Khánh. Đời Lê Thái Tôn, cũng có một bọn tự đem nhau đến phụ thuộc, vừa giai vừa gái đến hơn ba trăm người. Từ đời nọ đến đời kia, những người Chiêm ở lẫn với người Việt mình.

Rồi thày Bùi Duy Tân giới thiệu cho tôi tìm đến thày dạy ngôn ngữ Bùi Khánh Thế, một chuyên gia về Chiêm Thành. Thày Thế người nhỏ tanh tách nhưng lừng lững kiến thức Chiêm. Chẳng hay thày Thế học tiếng Chăm tự bao giờ? Chiêm Thành. Ngoài tên ấy lại còn có cái tên Chiêm Ba, Chiêm Phù Lao, Chiêm Tư, nhưng đều là chuyển âm chữ Tchampa mà ra. Chữ Tchampa là chữ phạn, là tên một cái cây có hoa trắng mà thơm ngát. Xứ ta có tên là hoa đại!

Thày Thế sẻ chia cảm giác cái tình cảm đau đáu của người Chiêm từng lặn trong phong dao tục ngữ Việt. Như đời Trần Anh Tôn gả bà Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Chế Mân. Người đương thời cho là việc nhân duyên ép uổng. Dân gian làm ra phong dao để giễu: “Hoài cành ngô cho cú đậu, hoài bột lọc cho ngâu vầy”.

Rồi nữa, hiện trạng xâm thực ngôn ngữ. Như tiếng nếm của ta cùng nghĩa với tiếng nam của Chiêm; tiếng nếp của ta cùng nghĩa với tiếng nhiop của Chiêm.

Ngồi với thày Thế tôi vuột ra chuyện quê mình. Tôi đang nói về cái làng Bản Thủy có tên mới là Vĩnh Thịnh của đất Vĩnh Lộc cách làng tôi chỉ năm cây số. Làng thèo đảnh giữa xứ đồng chiêm trũng nép ven chân núi. Dân làng ấy có lối phát âm như chim hót, người xứ khác đến không thể nghe được. Lạy (lấy) cái chò (gáo) mà rửa cái chuộc (chân) rồi lên tràng cao (giường) mà ngơi (nghỉ).

Thương dân dân lập Đền thờ ảnh 1

Đền thờ Bà Mỹ Nương thần thành hoàng làng Duyên Hy

Tôi băn khoăn hỏi thày Thế có phải làng ấy vốn là dân Chiêm Thành ra định cư từ thời vua Lê Thánh Tông nên có kiểu, lối phương ngữ khá là độc đáo vậy? Thày Thế nói tôi chép cái câu vừa đọc. Thày bảo rồi thày sẽ tìm hiểu thêm. Ngồi chuyện với thày, lắm cái lạ? Như truyện cổ tích, vẫn tưởng là của ta. Truyện Tấm Cám, chẳng thể ngờ là một truyện mượn của người Chiêm Thành. Truyện Tấm Cám gốc ở Ấn Độ, lan khắp Đông Dương.

Trời đất, cái giống lúa chiêm quen thuộc bao đời! Qua thày Thế, hóa ra giống lúa của người Chiêm. Sách Vân đài loại ngữ của cụ Lê Quí Đôn có ghi rành rẽ: “Lúa của nước Chiêm ở ta, hạt trắng cấy về mùa nực…”.

Cái năm chúng tôi ra trường, năm 1976, thày Thế được cử làm Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp TPHCM. Thày được coi là một trong những nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam. Rồi thày cho xuất bản cuốn Từ điển đồ sộ Việt - Chăm. Thày viết trong lời nói đầu. “Từ khi tích hợp với vương quốc Đại Việt tạo thành nước Việt Nam hiện đại, văn hóa Champa đã góp phần làm cho nền văn hoá này trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn”.

Thương dân dân lập Đền thờ ảnh 2

Di tích Chăm ở Mỹ Sơn

Ra trường đi làm báo, nhưng mến thày bạn, tôi vẫn quen cái thói la cà vào chơi khoa Văn- Sử. Vài lần được theo hầu thày Vượng (GS Trần Quốc Vượng) nhung nhăng điền dã đây đó. Qua cung cách dạy bảo, truyền khẩu với phong thái khoát hoạt tài tử của thày Vượng, đâm nhớ lâu nhớ dai ối chuyện. Như cái nhạc cụ sênh tiền cái trống cơm, trống con làm nên những tiết tấu rộn lòng phổ biến nhan nhản hóa ra là thứ nhạc cụ của người Chăm.

Thày có kể chuyện đền thờ một vị nhân thần người Chiêm nàng Mỵ Ê ở Hà Nam. Năm 1040, vua Lý Thái Tôn thân đi đánh Chiêm Thành, chém được vua Sạ Đẩu, bắt một vị cung phi tên là Mỵ Ê. Khi hồi loan đến hành cung sông Hoàng Giang, tức là sông phủ Lý Nhân bây giờ, mật sai thị nữ gọi bà Mỵ Ê sang hầu thuyền vua. Bà Mỵ Ê phẫn uất, từ chối. Nàng tự quấn chăn vào mình, lăn xuống sông tự vẫn. Vua Lý Thái Tôn khen là người trinh tiết, phong là Hiệp chính Hựu thiện Phu nhân, sau phương dân lập đền thờ.

Nghe chuyện thày, tôi thoáng nghĩ đến ông Sĩ Nhiếp người Tàu có công truyền bá sự học cho người Việt được dân Nam quý cho lập đền thờ với tên Nam Giao Học Tổ. Người Việt bao dung, công bằng cũng như văn hóa Việt nhân văn, nhân bản với bất kỳ ai, quốc tịch nào có công với dân Việt bằng câu ca dao.

Thương dân dân lập Đền thờ

Và cũng rất sòng phẳng, thẳng tưng.

Hại dân dân đái ngập mồ thấu xương!


(1) Có tài liệu cho rằng, bà quê thuộc đất Văn Lang thời Hùng Vương. Bà sinh vào ngày 12 tháng giêng năm Nhâm Dần (1242) thuộc dòng họ Nguyễn quý danh là Mỹ Nương nên gọi là Nguyễn Mỹ Nương. Bà là phu nhân của vua Chiêm Thành.

MỚI - NÓNG