Bài hát chép ngược
Trước Tết nguyên đán, tôi gặp chị Đoàn Quỳnh Hoa, cháu nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Trong câu chuyện về người nhạc sĩ tài hoa họ Đoàn, chị Hoa cho biết gần đây gia đình chị mới biết đến một bài hát nữa của ông mình với tên gọi “Thuở trâm cài”. “Người tặng lại gia đình tôi bài hát đó là bà Bùi Bạch Liên, hiện là chủ nhiệm Câu lạc bộ Đêm Hawaii Hà Nội”, chị Hoa cho biết.
Cách đây dăm năm, khi xem ti vi Quỳnh Hoa được biết về bà Bùi Bạch Liên, một nhà giáo nghỉ hưu say mê đàn guitar Hawaii. Bà Bạch Liên đã thành lập một câu lạc bộ để quy tụ những người thích chơi đàn Hawaii và dạy miễn phí cho những ai thích chơi loại nhạc cụ này. Vốn mê tiếng đàn Hawaii từ nhỏ, Quỳnh Hoa đã đến gặp bà Bạch Liên và biết bà từng học đàn Hawaii do nhạc sĩ Đoàn Chuẩn dạy.
“Từ đó, tôi thường xuyên gặp bà Bạch Liên. Khi thì tôi được bà dạy thêm về đàn Hawaii, lúc tôi lại giúp bà đôi chút trong việc tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ. Tình cảm hai cô cháu gắn bó như người trong gia đình”- Quỳnh Hoa nói.
Qua kết nối của Quỳnh Hoa, bà Bạch Liên mời tôi tới nhà ở phố Phan Văn Trường (Hà Nội) chơi. Đến nhà bà, vừa bước vào đã thấy không khí âm nhạc tràn ngập khắp nơi. Một tủ kính to trưng bày khoảng chục cây đàn Hawaii giá trị của các nước Pháp, Đức, Nhật...; đàn piano đặt tại góc phòng; loa đài trên giá… “Tôi sử dụng căn nhà này của gia đình làm nơi hoạt động Câu lạc bộ”- bà Bạch Liên cho biết.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và học trò Bạch Liên.
Tuy đã lớn tuổi, nhưng bà Bạch Liên vẫn giữ được nét đẹp và phong thái thanh lịch của người phụ nữ Hà thành. Thấy tôi mải ngắm bức ảnh bà chụp cùng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn treo trên tường, bà Bạch Liên cho biết: “Ảnh chụp năm 1999 khi tôi đến thăm thầy bị ốm”. Rồi với giọng khẽ khàng, bà kể từ thời học phổ thông đã mê tiếng đàn guitar Hawaii nên đã xin đi học nhưng cha mẹ không đồng ý. Đến khi đi làm, Bạch Liên quyết định học guitar Hawaii. Sau khi biết những nét cơ bản, có người giới thiệu cho Bạch Liên đến học nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, tác giả của những tình khúc mùa thu nổi tiếng, đồng thời cũng là một người chơi guitar Hawaii vừa kỹ thuật, vừa có hồn. Sợ bố mẹ biết mình học đàn, Bạch Liên lấy tên khác là Mai Lan, đến nhà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn tại số 9 phố Cao Bá Quát xin học.
Thời gian đó vào năm 1963, cô giáo trẻ Bạch Liên mới 21 tuổi. Dạy toán lý ở một trường cấp 2 tại Tứ Hiệp (Văn Điển, Hà Nội), mỗi lần đến học Mai Lan (tức Bạch Liên) lại phải đạp xe gần chục cây số để tới nhà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Năm tháng đó đang thời chiến tranh, nên phải thật say mê âm nhạc mới có thể vượt qua sự vất vả này. Thấy Mai Lan chăm học, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn rất quý. Vì thế có những chương trình biểu diễn, thầy Đoàn Chuẩn thường chọn trò Mai Lan đi biểu diễn cùng. Khoảng năm 1965, một lần nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nói với học trò: “Thầy có bài hát này hay lắm, tặng riêng trò để tập”. Rồi ông đưa ra một bản nhạc chép tay, tên bài hát là “Thuở trâm cài”. Mai Lan vội cảm ơn thầy, cẩn thận mang bản nhạc về nhà.
Bài hát “Thuở trâm cài” với những ca từ trong sáng, nhưng vẫn có nét lãng mạn mang phong cách Đoàn Chuẩn: “Cài trâm lên mái tóc nàng đứng soi để những cho gương mờ… Anh ước mơ thầm kín, những cánh hoa trìu mến phủ thắm lối duyên…”. “Đây là bài hát duy nhất được sáng tác theo điệu bolero của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Ngày đó, tôi đã tập “Thuở trâm cài” rất thuần thục, khi chơi bản nhạc được thầy khen”- bà Bạch Liên cho biết.
Kể tới đây, bà Bạch Liên lấy ra một quyển sổ dày, trong đó ghi những bản nhạc mình từng học nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Trong sổ có một bài hát được bà Liên chép lại để độc tấu, nhưng ca từ lại không thể đọc được. Bà Bạch Liên cho biết đó chính là bản nhạc bài hát “Thuở trâm cài”, nhưng vì sợ mọi người biết nên bà đã chép ngược lời bài hát vào sổ, khi cần phải dùng gương soi để chữ lộn lại mới đọc được. “Việc tôi không muốn ai biết vì đây là tình cảm thiêng liêng thầy tặng cho mình, sợ mọi người không hiểu có thể suy đoán này khác. Tình cảm của chúng tôi là tình thầy trò nghiêm túc và có khoảng cách. Thầy quý thì tặng, chứ nếu nghĩ vì yêu mà tặng sẽ làm mất cái hay cái đẹp của bài hát”- bà Bạch Liên chia sẻ. Rồi bà cho biết thêm: “Không ít lần sau giờ học, thầy trò tôi có dịp nói chuyện, chia sẻ thân tình. Qua đó, tôi thấy nhạc sĩ là người lãng mạn, yêu cái đẹp một cách thuần khiết. Những chuyện tình của nhạc sĩ nếu có thì cũng không đến mức như nhiều người biết, mà là do ai đó vì yêu mến những tình khúc của ông nên đã thêu dệt thêm lên”.
Công bố bài hát
Bữa đó, Quỳnh Hoa đến nhà bà Bạch Liên muộn hơn và mang theo bản gốc bài hát “Thuở trâm cài”. Bản nhạc được ép plastic, giấy đã ngả màu vàng nhưng nét chữ còn khá rõ, trong đó nhạc sĩ Đoàn Chuẩn lấy bút danh là Việt Tử. Cầm bài hát mà mình đã gửi tặng gia đình nhạc sĩ trên tay, bà Bạch Liên bồi hồi: “Gần đây, thấy mình đã lớn tuổi, tôi nghĩ nếu để một bài hát như vậy của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn mà không được mọi người biết đến thì thật đáng tiếc nên thấy cần nói ra. Vì thế tôi đã nói điều này với anh Đoàn Đính, con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, sau đó nói với cháu Quỳnh Hoa và tặng lại bản nhạc “Thuở trâm cài” cho gia đình”.
Bài hát “Thuở trâm cài” của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (trích đoạn).
Chị Quỳnh Hoa cho biết, khi nhận lại bản nhạc, gia đình nhận ra ngay nét chữ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với lối viết ngang theo kiểu chữ Pháp rất khó bắt chước. Bút danh Việt Tử cũng được nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ký trên những cuốn sách dạy guitar Hawaii. Là người hiểu rõ cha mình, nghệ sĩ guitar Hawaii Đoàn Đính thấy bài hát được viết trên giai điệu của cây đàn guitar Hawaii, một đặc trưng trong những sáng tác của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Sau đó, gia đình nhạc sĩ đã mời ca sĩ Quỳnh Hoa, người mà khi còn sống nhạc sĩ Đoàn Chuẩn rất ưng ý nghe chị thể hiện bài hát của ông, để hát bài “Thuở trâm cài”. Trong một tuần vừa nghiên cứu, vừa thu âm, bài hát được ca sĩ Quỳnh Hoa thể hiện rất hay. Ca sĩ tâm sự, “Thuở trâm cài” là bài hát chị thấy rất thân quen, dường như những giai điệu đó đã ngấm vào bản thân từ rất lâu rồi.
Năm 2014, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, người thân của ông đã tổ chức một buổi giao lưu để công bố bài hát “Thuở trâm cài”. Hôm đó, bài hát “Thuở trâm cài” chép ngược của bà Bạch Liên được gia đình nhạc sĩ phóng to, rồi dùng gương soi để mọi người đọc. Chứng kiến điều này, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: Thế hệ chúng tôi không lấy làm lạ với cách viết chữ ngược. Có một thời kỳ, các bạn trẻ và tôi cũng hay viết chữ ngược. Đó cũng là một trong những bằng cớ để chúng tôi ghi nhận những gì mà chị Bạch Liên nói là một sự thật, một sự thật giấu kín trong lòng mình. Giờ đây, điều đó được bộc lộ cho chúng ta chia sẻ, cũng là được thụ hưởng một tác phẩm rất muộn của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.
Năm 1992, trước khi nghỉ hưu, bà Bùi Bạch Liên thành lập Câu lạc bộ “Tiếng đàn Hawaii Đồng Tâm phố” để biểu diễn và dạy miễn phí cho những người thích chơi đàn Hawaii. Năm 2008, Câu lạc bộ này đổi tên thành “Đêm Hawaii Hà Nội”. Bản thân bà Bạch Liên từng được mời đi nhiều nơi ở Việt Nam và cả Đan Mạch, Mỹ để biểu diễn loại nhạc cụ này.