Thủng két

Thủng két
TP - Ngân sách Nhà nước như chiếc két sắt trong mỗi gia đình. Bà mẹ giữ chìa khoá thì muốn thắt chặt chi tiêu, nhưng nhiều đứa con ăn chưa biết no, lo chưa tới luôn nhăm nhe tìm cách “moi” tiền. Chúng viện đủ lý do nào cần học thêm, đi công viên, liên hoan...

“Bà mẹ ngân sách” hoa cả mắt, nhưng vẫn phải chi vì xem ra lý do chúng nó đưa ra cái nào cũng chính đáng. Chưa kể, sự mè nheo của lũ con nhiều khi bà mẹ đành tặc lưỡi… buông.

Cho đến lúc, bà mẹ giật mình khi két sắt rỗng và thấy nhiều khoản chi của con vô bổ.Chuyện gia đình là vậy, chuyện quốc gia đại sự, quốc kế dân sinh cũng có nét tương đồng.

Khi nền kinh tế khó khăn, nguồn thu hạn hẹp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Bộ Tài chính luôn đề cập chuyện đảm bảo thu ngân sách. Thậm chí có hẳn Nghị quyết 11 thắt chặt đầu tư công. Ấy vậy mà, đâu đó khắp cả nước, nhiều địa phương vẫn tìm cách tiêu tiền công vô lối. Riêng việc dùng tiền ngân sách đi công tác nước ngoài.

Cuối năm ngoái, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từng cho biết, năm 2013 dù có giảm nhưng vẫn tới hơn 3.200 đoàn xuất ngoại.

Ước tính mỗi ngày có hơn 8 đoàn đi công du bằng Ngân sách Nhà nước. Vấn đề ở chỗ là, có một số đoàn đi không hiệu quả và bị trùng lặp nội dung.

Biết được câu chuyện này, Thủ tướng cũng phải nói: “Tôi thấy đi nước ngoài nhiều quá, nghe báo cáo có đoàn Việt Nam đến người ta sợ”. Có lẽ để tránh “người ta sợ”, mới đây đã được cụ thể bằng Chỉ thị số 38-CT/TW về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài của Bộ Chính trị.

Ngay đến việc xây trụ sở các cơ quan công quyền, không ít địa phương nghèo nhưng thích xây to, hoàng tráng. Đương nhiên, những chủ đầu tư kiểu này sẽ có muôn vàn cách lý giải. Thậm chí có nơi, xây cầu xong hết kinh phí. Vậy là cầu chơ vơ giữa đồng không mông quạnh, chả ai dùng được...

Cách đây mấy tháng, tổ chức phi chính phủ Oxfam công bố kết quả 350 cuộc phỏng vấn người dân và chính quyền địa phương về 40 công trình đầu tư công tại 4 tỉnh (Hòa Bình, Nam Định, Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo đó, một số dự án hiệu quả thấp.

Còn Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đã đưa ra con số giật mình: Hơn 40% số dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở địa phương không có báo cáo giám sát.

Đầu tư công nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn tới tham nhũng và lãng phí - những “căn bệnh” khiến niềm tin suy kiệt.

MỚI - NÓNG