Thuế môi trường với nhiên liệu bay tiếp tục giảm 30%

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
TPO - Do ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn trước đại dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý kéo dài thời gian áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay ở mức 2.100 đồng/lít.  
Chiều 10/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi về biểu thuế bảo vệ môi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua chiều 10/12 quyết nghị: mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2021 đến hết 31/12/2021 là 2.100 đồng/lít; từ 1/1/2022 trở đi, mức thuế sẽ là 3.000 đồng/lít.
Theo tờ trình Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lập luận, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, Chính phủ đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết này.

Theo biểu thuế được ban hành từ 1/1/2019, mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế).

Đến ngày 27/7/2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, quy định mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít, áp dụng từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Việc giảm 30% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay làm giảm số thu thuế 360 - 400 tỷ đồng cho giai đoạn này.

Tuy nhiên theo ông Dũng, mức giảm thuế trên cũng chính là mức hỗ trợ trực tiếp, giúp giảm chi phí nhiên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp vận tải hàng không, góp phần giúp doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động, bù đắp chi phí, tổn thất, phục hồi sau khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, làm suy giảm dòng vốn đầu tư, tiền mặt, nguồn nhân lực, các kết nối cung ứng. Kinh tế trong nước vẫn tiếp tục đối mặt với những rủi ro, khó khăn khi thực hiện mục tiêu kép, vừa tập trung chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp.

“Nhiều lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành hàng không chỉ mới phục hồi từng bước nhờ thị trường hàng không nội địa nhưng còn nhiều khó khăn, riêng thị trường quốc tế cần thời gian dài. Gần đây, các ca nhiễm COVID-19 mới được phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh lại làm ngành hàng không thêm khó khăn do tâm lý lo ngại của người dân cùng các biện pháp siết chặt phòng chống dịch”, đại diện Chính phủ cho hay.

Còn theo đánh giá thì thiệt hại của ngành hàng không là rất nghiêm trọng, số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác sụt giảm mạnh. Dự kiến trong năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm trên 40 nghìn tỷ đồng so với năm 2019 và mức lỗ hợp nhất lên đến 15,1 nghìn tỷ đồng.

Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế khoảng 14,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không 9 tháng đầu năm 2020 của Vietjet Air cũng sụt giảm 72% so với năm 2019, dự báo cả năm 2020 lỗ trên 3.000 tỷ đồng…

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, việc tiếp tục áp dụng mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay 2.100 đồng/lít là “giải pháp cần thiết”.

MỚI - NÓNG