Thực phẩm này người Việt ăn nhiều nhưng ít ai lường đến nguy cơ gây bệnh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với nhiều ưu điểm, thức ăn nhanh đang dần trở thành lựa chọn tối ưu của không ít người trẻ Việt, tuy nhiên, thói quen ăn thức ăn nhanh lại làm ảnh hưởng đến sức khỏe của rất nhiều người.

Theo một số nghiên cứu, hơn 90% người dân sống tại Hà Nội và TP.HCM cho biết thường xuyên tiêu thụ đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn. Về lâu dài, thói quen này có thể gây ra nhiều căn bệnh không lây nhiễm, tạo ra gánh nặng đối với xã hội.

Theo Cục Y tế dự phòng, xu hướng tiêu thụ nhiều các loại thức ăn nhanh là do sự tiện lợi, phục vụ nhanh, chi phí thấp và không mất thời gian chuẩn bị.

Tuy nhiên, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn thường có nhiều đường, chất béo và natri (muối). Các chất này làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác.

Thực phẩm này người Việt ăn nhiều nhưng ít ai lường đến nguy cơ gây bệnh ảnh 1

Những tác hại nguy hiểm của đồ ăn nhanh với sức khỏe:

Tăng nguy cơ đột quỵ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người chỉ nên ăn 5g muối/ngày, nhưng lượng muối trong đồ ăn nhanh có thể vượt quá con số này, đặc biệt là với các thực phẩm như: chả, lạp xưởng, bò khô, tôm khô, xúc xích, bánh mì sandwich, khoai tây chiên… Thường xuyên ăn nhiều muối sẽ làm tăng lượng natri nạp vào. Theo thời gian, lượng natri cao có thể gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ.

Dễ thiếu chất xơ và dưỡng chất

Thức ăn nhanh thường không chứa chất xơ, vitamin và khoáng chất. Chế độ ăn ít chất xơ sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây: táo bón, đầy bụng, khó tiêu, tăng cholesterol, nguy cơ ung thư ruột kết…

Tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2

Lạm dụng thức ăn nhanh dẫn đến thừa cân, béo phì, gián tiếp dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2. Lượng mỡ thừa tập trung ở vùng bụng có thể dẫn đến kháng insulin (hormone kiểm soát lượng đường trong máu). Tình trạng này khiến đường không được vận chuyển từ máu vào tế bào. Đường liên tục tích tụ trong máu và làm mức đường huyết tăng không kiểm soát, dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2.

Nghiên cứu “Thói quen ăn nhanh, tăng cân và kháng insulin” (2005) của Mark A Pereira và các cộng sự đã chứng minh: những người ăn hơn 2 bữa thức ăn nhanh/tuần đã tăng trung bình 4,5 kg trong 15 năm và tăng gấp 2 nguy cơ kháng insulin.

Tăng cholesterol

Mỗi ngày, một người chỉ nên hấp thụ tối đa 22g chất béo bão hòa. Tuy nhiên, chỉ một bữa ăn thức ăn nhanh có thể khiến bạn hấp thụ tới 75% chất béo bão hòa trở lên. Một số loại thức ăn còn khiến bạn hấp thụ 100% – 150% lượng chất béo bão hòa tối đa được khuyến nghị hàng ngày.

Hấp thụ quá nhiều chất béo bão hòa làm tăng cholesterol LDL (cholesterol “xấu”) trong máu, gây nguy cơ bệnh tim mạch. Đây là yếu tố rủi ro nguy hiểm từ các đồ ăn nhanh gây béo phì cần lưu ý.

Gây hại cho hệ tiêu hóa

Dầu mỡ, phụ gia, chất bảo quản và muối có trong đồ ăn nhanh gây béo phì vì chúng không chỉ tạo nên hương vị hấp dẫn mà còn kích thích chúng ta ăn nhiều hơn. Đặc biệt, muối có khả năng giữ nước, gây nên tình trạng chướng bụng, đầy hơi và cảm giác nặng nề sau khi ăn. Thiếu hụt chất xơ trong đồ ăn nhanh cũng gây ảnh hưởng xấu đến quá trình tiêu hóa.

Suy giảm hệ miễn dịch

Các loại thức ăn nhanh nhiều muối có thể gây viêm, suy giảm miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh tự miễn.

Ảnh hưởng xấu đến gan và thận

Lượng muối dư thừa trong đồ ăn nhanh cũng có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận, viêm cầu thận hoặc thậm chí nhiễm trùng đường tiết niệu.

Tăng nguy cơ ung thư

Phân tích tổng hợp “Tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến và nguy cơ ung thư” (2023) của Irja Minde Isaksen và cộng sự đã chỉ ra mối liên quan giữa việc lạm dụng đồ ăn nhanh với nguy cơ mắc một hoặc nhiều loại ung thư như: ung thư đại trực tràng, vú, tuyến tụy, bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính và khối u thần kinh trung ương. Tăng 10% đồ ăn nhanh trong chế độ ăn dẫn đến tăng nguy cơ ung thư nói chung, nhất là ung thư vú. Con số này cao hơn tương ứng với tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng và ung thư tuyến tụy.

Gây sâu răng

Đồ ăn nhanh gây béo phì và còn gây cả sâu răng, bánh ngọt và nước ngọt có ga chứa rất nhiều đường, khiến axit trong khoang miệng tăng lên, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng tấn công vào men răng và nướu, gây tình trạng hôi miệng và sâu răng.

Tăng khả năng dậy thì sớm

Đồ ăn nhanh tuy có hương vị thơm ngon, kích thích vị giác của trẻ nhưng lại cung cấp quá nhiều năng lượng. Đặc biệt khi chế biến ở nhiệt độ cao, các thực phẩm này có thể biến đổi, tạo thành các chất gây hại cho sức khỏe, khiến trẻ bị rối loạn nội tiết, dậy thì sớm và nhiều bệnh nghiêm trọng khác.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.