Ngày 21/10, bệnh nhân Đ.T.N (43 tuổi, ở Trung Tự, Hà Nội) tử vong vì bị viêm cơ tim. Hai ngày sau nữ đồng nghiệp của chị N cũng đột ngột tử vong sau khi có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao giống bệnh nhân N. Sự việc khiến mọi người trong cơ quan hai nữ bệnh nhân và khu vực xung quanh bất an, lo lắng khi thông tin căn bệnh do virus lạ gây ra được lan truyền trên mạng xã hội.
Tài khoản facebook Bui Ly chia sẻ thông tin: “Tôi xin kể ra chuyện này vì nghĩ nó có liên quan, chồng tôi ngày mồng 2/10 có đi thăm mẹ của 2 bé sinh đôi ở Hưng Yên, người cũng bị coi là bị đột tử trong đêm không rõ nguyên nhân. Đến ngày 7/10 thì chồng tôi có biểu hiện sốt rét và được đưa đi viện ngay sau đó nhưng vẫn không thể cứu chữa. Đến hôm nay, rất nhiều các thông tin đột tử ở Hà Nội khiến tôi hoang mang vô cùng, mọi người đang xôn xao vì sợ bệnh này có khả năng lây nhiễm. Sau khi chồng tôi mất, tôi cũng đã tìm hiểu và được biết bệnh viêm cơ tim có lây qua đường hô hấp mọi người nhé”. Bài viết của chị Bui Ly được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, khiến nhiều phụ huynh bất an vì lo sợ virus lây lan nhanh.
Bệnh viêm cơ tim không lây
Tuy nhiên trao đổi với báo chí, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết, thông tin đồn thổi virus gây viêm cơ tim là virus mới và lạ là không chính xác, không nên tuyên truyền gây hoang mang dư luận. Theo bác sĩ Cấp, viêm cơ tim là một bệnh lý phức tạp, người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào từ trẻ nhỏ cho tới người cao tuổi. Nguy hiểm hơn, căn bệnh này có nguy cơ tử vong rất cao nếu chuyển thành viêm cơ tim cấp mà không được điều trị kịp thời. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
Bác sĩ Cấp cho hay, hầu hết những trường hợp nhiễm virus là lành tính, diễn biến tự khỏi trong một vài ngày. Chỉ một tỷ lệ vô cùng nhỏ tấn công vào tim gây viêm cơ tim. Vì thế, những trường hợp nhiễm virus viêm cơ tim hoàn toàn ngẫu nhiên. “Virus lây qua đường hô hấp nếu là virus cúm, nhưng không làm lây lan viêm cơ tim ra cộng đồng, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm cúm, virus gây viêm cơ tim vô cùng hiếm”, bác sĩ Cấp khẳng định.
Các chuyên gia đều thống nhất nguyên nhân viêm cơ tim hay gặp nhất là do siêu vi bao gồm: Enterovirus, Coxsackie A4; A16; B1-5, thậm chí cả virus sốt xuất huyết. Tuy nhiên, tỷ lệ gây viêm cơ tim của các virus này cực hiếm. Chiếm 50% trường hợp viêm cơ tim do siêu vi trực tiếp từ mô tim, dịch mũi, họng, phân của bệnh nhân trong giai đoạn cấp tính.
Người trẻ dễ mắc
Viêm cơ tim là sự viêm nhiễm cấp tính hay mạn tính ở cơ tim. Bệnh thường kèm theo viêm màng trong tim và viêm màng ngoài tim. Đáng lưu ý, viêm cơ tim hay gặp ở người trẻ tuổi. Triệu chứng viêm cơ tim phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm cơ tim, không có triệu chứng đặc hiệu. Giai đoạn đầu, triệu chứng lâm sàng thường nhẹ, dễ bỏ qua, giai đoạn sau có thể có suy tim gây tử vong.
Tuy nhiên, nếu bị viêm cơ tim do bệnh viêm nhiễm, thường người bệnh sẽ sốt cao từ 39-41 độ C, mệt mỏi, đau cơ, khớp…, nhịp tim nhanh, mạch yếu, huyết áp hạ, hồi hộp trống ngực, đau tức ngực, khó thở khi gắng sức, có khi khó thở cả khi nghỉ ngơi… Bệnh tiến triển nhanh - chậm, nặng - nhẹ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ lan tỏa của viêm cơ tim.
Tùy nguyên nhân gây viêm cơ tim mà có hướng điều trị riêng nhưng phải điều trị sớm và điều trị đủ thời gian, không để bị loạn nhịp tim, suy tim thì người bệnh mới sống, cơ tim sẽ hồi phục dần và trở lại bình thường. Vì vậy, cần hiểu biết về bệnh viêm cơ tim và không được mất cảnh giác với những bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus thông thường (như cúm) vì viêm cơ tim có tỷ lệ tử vong rất cao.
Tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim ở trẻ sơ sinh lên đến 75%. Tiên lượng của trẻ lớn bị bệnh cơ tim giãn do virus cũng không khả quan lắm. Những bệnh nhân này tiếp tục có biểu hiện bệnh cơ tim giãn, xơ hóa và suy giảm chức năng co bóp của cơ tim. Ở người lớn có từ 5 đến 10% trường hợp bệnh tự lui. Tuy nhiên, có đến 50% bệnh nhân tử vong trong vòng 2 năm và 80% tử vong trong vòng 5 năm nếu không được thay tim.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện bạch Mai) cho biết, với nhiễm virus thông thường, khi giảm sốt bệnh nhân sẽ bớt bệnh, tỉnh táo hơn, ăn uống được, sức khỏe dần phục hồi, đi lại được. Nhưng nếu bị viêm cơ tim, dù đã bớt sốt nhưng bệnh nhân sẽ mệt hơn, không chịu ăn, không chịu chơi. Vì thế, việc theo dõi sát dấu hiệu của bệnh nhân là vô cùng quan trọng để kịp thời phát hiện căn bệnh rất hiếm gặp, nhưng diễn biến tối cấp đe dọa tính mạng này.
Phòng ngừa viêm cơ tim không dễ do có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh. Cần tránh tiếp xúc với những người đang bị nhiễm virus hoặc có hội chứng giống cảm. Trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc nên đeo khẩu trang để phòng bệnh cho bản thân và mọi người xung quanh. Vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay thường xuyên là một biện pháp có hiệu quả để phòng tránh bệnh do virus lan rộng. Các vắc-xin hiệu quả có thể ngăn ngừa hậu quả bất lợi của nhiễm virus, bao gồm cả viêm cơ tim.