Thực hư tin Mỹ dừng gói viện trợ quân sự cho Ukraine trước cuộc gặp Biden - Putin

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: RT
Ảnh minh hoạ: RT
TPO - Nhà Trắng được cho là đã “đóng băng” gói viện trợ quân sự trị giá 100 triệu đô la cho Ukraine trước cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trước đó, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên biên giới Nga - Ukraine, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã đề xuất gói viện trợ quân sự trị giá 100 triệu đô la cho Kiev. Gói viện trợ bao gồm “hệ thống phòng không tầm ngắn, vũ khí nhỏ, vũ khí chống tăng…”

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Politico, ngay trước cuộc họp thượng đỉnh Nga - Mỹ ngày 16/6 ở Geneva (Thuỵ Sĩ), Nhà Trắng đã tạm thời “đóng băng” gói viện trợ. Lí do dẫn đến quyết định này được cho là do tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ, cộng với việc Nga đã rút quân khỏi biên giới với Ukraine.

Trả lời về báo cáo của tờ Politico, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định: “Thông tin chúng tôi đình chỉ viện trợ an ninh cho Ukraine hoàn toàn không chính xác.”

Theo bà Psaki, Mỹ đã chuyển toàn bộ số tiền viện trợ mà Quốc hội thông qua cho Ukraine. Tuy nhiên, bà Psaki không trực tiếp đề cập đến gói viện trợ bổ sung 100 triệu đô la. Trước hội nghị thượng đỉnh Biden-Putin, hai gói viện trợ khác cho Ukraine - tổng trị giá 275 triệu đô la, bao gồm tàu tuần tra và pháo hạng nặng 30mm - đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt. Kể từ năm 2014, chính phủ Mỹ đã thông qua các khoản viện trợ lên tới tổng cộng khoảng 2,5 tỷ đô la cho Ukraine.

Cũng theo bà Psaki, chính quyền Mỹ đã chuẩn bị “quỹ dự phòng trong trường hợp Nga tiến sâu vào Ukraine”.

Bất chấp mối bất đồng đảng phái, việc trang bị vũ khí cho Ukraine chống lại Nga nhận được sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà ở Washington. Chính quyền các Tổng thống Obama, Trump và Biden đều đã gửi vũ khí cho chính phủ Ukraine để thể hiện sức mạnh chống lại Moscow. Việc cung cấp và đình chỉ viện trợ quân sự cũng là một công cụ ngoại giao có giá trị của Washington. Nó cho phép Mỹ đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình mà không cần gửi quân đội ra nước ngoài.

Khi cựu Tổng thống Donald Trump “đóng băng” gói viện trợ cho Ukraine vào năm 2019, ông đã bị các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện luận tội. Đảng Dân chủ cho rằng ông Trump làm vậy để gây áp lực với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mở lại cuộc điều tra tham nhũng đối với các giao dịch kinh doanh của gia đình ứng cử viên Joe Biden.

Ông Trump phản bác, rằng khoản viện trợ bị đóng băng vì lo ngại tham nhũng. Cuối cùng, ông được tha bổng trong phiên xét xử tại Thượng viện.

Tuy nhiên, không giống như người tiền nhiệm, có rất ít khả năng ông Biden bị luận tội nếu đình chỉ gói viện trợ cho Ukraine.

Theo RT
MỚI - NÓNG